Nhận thức về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ ngày 30-9 đến 9-10 vừa qua, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã tiến hành Hội nghị lần thứ tám. Nội dung của lần Hội nghị này có nhiều vấn đề rất đáng quan tâm.

Đó là, tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc; xem xét đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; tình hình kinh tế-xã hội năm 2013 và mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2014; tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XI; Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; chuẩn bị các điều kiện cho Đại hội XII của Đảng…
 

Tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Đức Thụy
Tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Đức Thụy

Trong bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến vấn đề Chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Hội nghị lần này nhận định: Trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, bên cạnh những thuận lợi, đất nước chúng ta còn gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn, thế lực thù địch tăng cường chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.

Tuy vậy, Nghị quyết Trung ương 8 đã được cả hệ thống chính trị tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, đạt được mục tiêu là bảo vệ vững chắc nền độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để phát triển đất nước; đồng thời tạo thêm được nhiều yếu tố thuận lợi cho việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong những năm tiếp theo.

Tuy nhiên còn có những vấn đề mà Trung ương cho rằng việc tổ chức thực hiện Nghị quyết chưa đạt kết quả cao, chưa thật sự vững chắc trên một số lĩnh vực. Có nhiều nguyên nhân tác động, trong đó theo đánh giá của Trung ương, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Nhận định tình hình hiện nay và trong thời gian đến để đề ra mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ cho thời gian tới, Ban Chấp hành Trung ương đặc biệt lưu tâm đến thực trạng đất nước. Khẳng định trong những năm tới, tình hình trong nước về chính trị tiếp tục được giữ vững, kinh tế-xã hội phát triển, tiềm lực của đất nước tăng lên.

Nhưng, nhìn thẳng vào sự thật, vấn đề hết sức quan tâm về chiều tiêu cực, đó là: Đất nước tiếp tục sẽ phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mới. Bốn nguy cơ mà các Đại hội Đảng đã chỉ ra vẫn tồn tại, có mặt bộc lộ rõ hơn và xuất hiện nhiều yếu tố mới phức tạp hơn. Kẻ thù tiếp tục chống phá trên tất cả các mặt đời sống xã hội. Đã vậy, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa được ngăn chặn, đẩy lùi; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có xu hướng bộc lộ rõ, thậm chí công khai và ngày càng nghiêm trọng.

Từ những nhận định như trên, Ban Chấp hành Trung ương đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ. Theo đó, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và nền văn hóa Việt Nam; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa… được coi là mục tiêu chung và hàng đầu cần xác định.

Ban Chấp hành Trung ương cũng nêu quan điểm chỉ đạo là: Giữ vững vai trò lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước, không ngừng củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội; kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xây dựng và phát huy sức mạnh tổng hợp về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng-an ninh, đối ngoại và quán triệt đường lối độc lập, tự chủ, đồng thời chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, kiên trì chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, thêm bạn bớt thù, vừa hợp tác, vừa đấu tranh, gia tăng hợp tác. Đó là những nội dung vô cùng quan trọng đã được Trung ương đặc biệt quan tâm trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong thời gian tới.

Cũng như các tỉnh Tây Nguyên, Gia Lai là một vùng trọng điểm chiến lược của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong mọi thời kỳ. Quán triệt và nhận thức sâu sắc tình hình chung của đất nước và của tỉnh cho mỗi cán bộ đảng viên và từng người dân luôn là nhiệm vụ của các tổ chức đảng và đoàn thể, của chính quyền địa phương.

Biến nhận thức thành hành động tuy là một quá trình, nhưng nhất định ngay từ bây giờ, mỗi địa phương, đơn vị cần có những biện pháp cụ thể nhằm giữ vững ổn định chính trị, loại trừ các phần tử chống phá trong cộng đồng, nêu cao cảnh giác với âm mưu chia rẽ, kích động bạo loạn, biểu tình của bọn phản động FULRO, “Tin lành Đê-ga” và các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo khác, đồng thời giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội… Có như vậy thì nghị quyết mới sớm đi vào cuộc sống!

Bích Hà

Có thể bạn quan tâm

Thí sinh Nhữ Thị Nhạn đạt giải nhất kỳ thi thứ 7 tìm hiểu 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Thí sinh Nhữ Thị Nhạn đạt giải nhất kỳ thi thứ 7 tìm hiểu 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

(GLO)- Ban tổ chức Cuộc thi tìm hiểu “70 năm Chiến thắng Điện Biên phủ và 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh-Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn” với chủ đề “Điện Biên Phủ và đường Hồ Chí Minh-Ý chí, trí tuệ Việt Nam” vừa có thông báo kết quả thí sinh đạt giải tại kỳ thi thứ 7.