Đức Long Gia Lai: Sản xuất linh kiện điện tử thành ngành mũi nhọn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với quyết tâm đưa lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử trở thành ngành chiến lược quy mô lớn, góp phần gia tăng tổng tài sản, doanh thu, lợi nhuận, thời gian qua, Tập đoàn Đức Long Gia Lai liên tục thực hiện các thương vụ hoán đổi cổ phiếu để sở hữu các công ty sản xuất linh kiện điện tử uy tín, hoạt động ổn định của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Quyết định táo bạo

Năm 2014, DLG đã đưa ra quyết định táo bạo, đó là phát hành gần 20 triệu cổ phiếu hoán đổi cho các cổ đông của Công ty Mass Noble Investments Limited (Hồng Kông). Thông qua đó, DLG chính thức trở thành chủ sở hữu mới của công ty Mass Noble Investments Limited (Mỹ), đồng nghĩa với việc nắm quyền quản lý, điều hành và kinh doanh nhà máy sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử ANSEN (trực thuộc Mass Noble). Đây cũng là thương vụ đầu tiên DLG chính thức đặt chân vào lĩnh vực sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử và giúp DLG trở thành nhà tiên phong, mở đường cho các doanh nghiệp trong nước mạnh dạn đầu tư, mua bán và sáp nhập doanh nghiệp ngoại thông qua hình thức hoán đổi cổ phiếu.

 

  Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử của DLG.
Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử của DLG.

Mass Noble hiện đang là công ty có thương hiệu mạnh trên thị trường thế giới với hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử, viễn thông công nghệ cao. Do đó, hợp tác với Mass Noble, DLG không chỉ tận dụng được uy tín thương hiệu của công ty này, mà còn được thừa hưởng đội ngũ chuyên gia tư vấn và điều hành dồi dào kinh nghiệm. Cùng với đó việc sáp nhập còn giúp DLG tận dụng thị phần sẵn có của Mass Noble làm gia tăng doanh thu và lợi nhuận. Đây có thể xem là bước đi đúng hướng của Hội đồng quản trị khi lựa chọn bước chân vào một lĩnh vực hoàn toàn mới so với hoạt động của công ty từ trước đến nay, là bàn đạp thúc đẩy doanh thu  của DLG cũng như cơ hội hội nhập vào thị trường sản xuất quốc tế.

Sau khi thực hiện thành công thương vụ mua bán và sáp nhập Mass Noble Hồng Kông, DLG lập tức tái cấu trúc lại công ty này cho phù hợp với tiêu chí hoạt động của Tập đoàn.  Đến nay, Mass Noble đã hoạt động rất ổn định và trở thành đại diện cho DLG ở Hồng Kông để kết nối đàm phán, hoàn tất các thương vụ mua bán và sáp nhập giữa DLG và một số công ty điện tử của Nhật, Hàn Quốc nhằm tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh. Hiện Mass Noble đã mua thành công và trở thành chủ sở hữu của công ty DLG-Hanbit Co.Ltd, trụ sở đặt tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc.

Phát triển thành ngành mũi nhọn

 

Ông Bùi Pháp-Chủ tịch Hội đồng quản trị DLG nhấn mạnh: “Trong vòng 3 năm tới, lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử sẽ mang về khoảng 200 triệu USD doanh thu cho DLG. DLG hoàn toàn có cơ sở để thực hiện thành công mục tiêu này nhờ vào việc tận dụng triệt để các đối tác khách hàng sẵn có và thị trường tiêu thụ ổn định của các công ty sau mua bán và sáp nhập”.

Không dừng lại ở việc đầu tư tại thị trường nước ngoài, DLG tiếp tục mua bán và sáp nhập Nhà máy điện tử Quality Systems Integrated Corporation (QSIC) của Mỹ tại Khu Công nghệ cao quận 9, TP. Hồ Chí Minh. Hiện nhà máy này đang hoàn thiện việc lắp ráp thiết bị máy móc, dự kiến đưa vào sản xuất cuối tháng 12-2016, cung cấp sản phẩm linh kiện điện tử cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Thông qua các thương vụ mua bán và sáp nhập, DLG sở hữu hệ thống quản trị theo tiêu chuẩn quốc tế, đẩy mạnh hoạt động sản xuất linh kiện điện tử nhằm gia tăng doanh thu, lợi nhuận. Cùng với đó, hoạt động mua bán và sáp nhập giúp DLG khẳng định thương hiệu, vị thế của mình trên thương trường quốc tế nhờ thị trường xuất khẩu ổn định của ANSEN, Hanbit với các đối tác đã hợp tác trên 20 năm…Từ đó, DLG dễ dàng hơn trong việc huy động vốn, đặc biệt nguồn vốn từ các quỹ đầu tư tài chính quốc tế uy tín. Đến nay, đã có nhiều quỹ đầu tư quốc tế thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến thương hiệu DLG qua việc nắm giữ cổ phần để trở thành cổ đông của DLG như Quỹ đầu tư Global Emerging Markets (GEM, Mỹ), PYN Elite Fund (PYN), Citigroup Global Markets Ltd, Das (Mỹ), B.O.K investments (Hàn Quốc)…

Nhằm đón đầu lợi thế từ các hiệp định mà Việt Nam đã và đang tham gia như FTA (Hiệp định thương mại tự do), TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương), DLG đang tiếp tục đàm phán, hoàn thiện các thủ tục để ký kết hợp tác cung cấp sản phẩm linh kiện cho các đối tác lớn tại thị trường Mỹ (Canon, Azad international, Whirlpool, Honeywell), Hàn Quốc (LG, Hyundai), Nhật Bản (Sony, Panasonic). Đây có thể là bước đệm quan trọng giúp DLG thành công lớn trong đầu tư ở lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, phát triển thành ngành mũi nhọn của Tập đoàn. 

 Lan Tiên

Có thể bạn quan tâm