Doanh nhân Gia Lai sáng chế máy sấy tiêu ngũ sắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hồ tiêu ngũ sắc là sản phẩm có 5 màu hoàn toàn tự nhiên từ quả tiêu: xanh (quả chưa chín), vàng (quả ướm chín), đỏ (quả chín), đen (quả tự khô), trắng (quả tróc vỏ gọi là tiêu sọ). Những hạt tiêu này khi đem sấy vẫn giữ được sắc, hương vị thơm, cay nồng. Sản phẩm trên được làm ra từ máy chế biến tiêu ngũ sắc của chị Lại Thị Bích-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hồ tiêu ngũ sắc Gia Lai (7/89 Lương Định Của, TP. Pleiku).

Sau hơn 10 năm nghiên cứu, năm 2015, sáng chế của chị Lại Thị Bích đã được Bộ Khoa học và Công nghệ tặng bằng khen tại chương trình “Sáng kiến giải pháp” do Ban Khoa giáo-Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức; đồng thời được chương trình khảo sát sản phẩm, thương hiệu chất lượng cao (do Viện Chất lượng Việt Nam phù hợp tiêu chuẩn và Liên hiệp Doanh nhân Việt Nam tổ chức) tặng huy chương vàng sản phẩm, danh hiệu thương hiệu chất lượng cao. Sau đó, một doanh nghiệp ở Hà Nội đã hỏi mua lại sáng chế trên với số tiền 5 tỷ đồng nhưng chị... lắc đầu.

Thỏa niềm đam mê

 

Chị Lại Thị Bích (phải) giới thiệu về các sản phẩm tiêu ngũ sắc. Ảnh: ĐỨC THỤY
Chị Lại Thị Bích (phải) giới thiệu về các sản phẩm tiêu ngũ sắc. Ảnh: ĐỨC THỤY

Mới đầu, khi nghe chị Bích nói về ý tưởng khởi nghiệp từ chính những hạt tiêu thu hoạch trong vườn nhà nhưng không phơi mà đem sấy để vừa giữ được màu tự nhiên vừa có được hương vị thơm cay nồng khác với các sản phẩm tiêu hiện có, nhiều người không khỏi ái ngại vì cho rằng, những hạt tiêu tươi khi đưa vào máy sấy ở nhiệt độ cao sẽ bị chuyển màu và biến dạng, không thể giữ nguyên màu tự nhiên.

Chị Bích thì suy nghĩ khác: “Tôi nhận thấy, trên cùng một chùm tiêu, khi hạt tiêu chưa chín thì nó xanh, còn khi gần chín thì có màu vàng, lúc đủ chín sẽ có màu đỏ, những quả khô chuyển màu đen và khi hái về trong quá trình xử lý tróc vỏ trở thành tiêu sọ-gọi là tiêu trắng. Vì thế, con người chỉ có trách nhiệm là lưu giữ lại giá trị tự nhiên của hạt tiêu để tạo nên một giá trị khác biệt và chính giá trị này sẽ làm nên nét đặc trưng riêng của mỗi hạt tiêu. Mỗi màu của hạt tiêu sẽ mang một hương vị khác nhau, nếu là người sành về ẩm thực thì sẽ phân biệt được ngay. Trong 5 màu sắc ấy, hạt tiêu xanh cay nồng hấp dẫn hơn tất cả các hạt tiêu khác”.

Kể về quá trình bỏ công nghiên cứu suốt 10 năm để sáng chế ra chiếc máy sấy tiêu ngũ sắc, chị Bích cho hay: Lúc đầu chị thuê một xưởng cơ khí lắp ráp 1 dàn đựng khay sấy, còn dòng điện tia hồng ngoại để tạo sức nóng nhằm sấy tiêu thì chị tự mày mò nghiên cứu. Trong quá trình thử nghiệm, nhiều khi tiêu cháy khô, hay có những mẻ tiêu sấy không khô vì hạt tiêu cứ bị chảy nước. “Tôi đành chấp nhận thất bại, đổ bỏ. Những mẻ sấy tiếp theo rút kinh nghiệm từ những mẻ trước và thành công của chiếc máy sấy này hơn cả mong đợi. Điều đặc biệt là tiêu tươi đưa vào sấy phải là tiêu sạch, nếu trong hạt tiêu còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật thì sẽ không thể sấy được vì tiêu sẽ chảy nước và cháy đen”-chị Bích nói.

Theo quan sát, chiếc máy sấy tiêu ngũ sắc của chị Bích có cấu tạo khá đơn giản, gồm 4 bóng đèn chiếu tia hồng ngoại và 1 hệ thống giàn khay để đựng tiêu sấy. Nhiệt độ, khoảng cách và cường độ chiếu tia hồng ngoại được điều chỉnh rất linh hoạt để giữ màu sắc riêng biệt của hạt tiêu sấy khô.

Đem lại giá trị kinh tế cao

 

  Ảnh: ĐỨC THỤY
Ảnh: ĐỨC THỤY

Chia sẻ về lý do chọn khởi nghiệp từ việc nghiên cứu sáng chế ra máy sấy tiêu ngũ sắc, chị Bích cho biết: Trước hết là vì đam mê, kế đó là mong muốn tạo ra một sản phẩm khác biệt từ hình thức đến nội dung để đưa hồ tiêu ngũ sắc lên tầm cao hơn so với các sản phẩm hồ tiêu trên thị trường. Ngoài ra, chị cũng muốn giúp nông dân chuyển hoàn toàn từ cách phơi thông thường sang quy trình rửa sạch sản phẩm, sấy tia hồng ngoại, cách ly bụi bẩn, giữ được màu sắc tự nhiên của hạt tiêu. “Điều tôi mong muốn là giúp cho người nông dân không phải mất quá nhiều công sức về phơi và bảo quản sau thu hoạch. Hơn nữa, từ tiện ích của máy sấy tiêu ngũ sắc, tôi cũng mong muốn nông dân trồng hồ tiêu hãy trồng tiêu bền vững bằng cách chỉ dùng phân bón sinh học, “nói không” với thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học”.
 

MỘT SỐ KINH NGHIỆM KHỞI NGHIỆP
CỦA CHỊ LẠI THỊ BÍCH:

  •  Nếu đam mê điều gì hãy theo đuổi đến cùng.
  •  Biết tạo nên những điều khác biệt đem lại giá trị đích thực trong cuộc sống.
  •  Sẵn lòng vượt qua những gian khó mới đi đến thành công.
  •  Khi thành công bước đầu hãy mạnh dạn đề xuất, vay vốn để phát triển.

Theo chia sẻ của bà chủ chiếc máy sấy tiêu ngũ sắc này, hiện tại sản phẩm hồ tiêu sấy của Công ty đã có mặt tại khắp các hệ thống siêu thị, các cửa hàng trong cả nước. Một số khách hàng cũng mua gửi ra nước ngoài làm quà. Đặc biệt, mới đây, một nhóm khách hàng người Ả Rập Xê Út biết đến thương hiệu hồ tiêu ngũ sắc cũng đã thương thảo hợp đồng mua 500 tấn tiêu sấy của chị.

Theo tìm hiểu của P.V, hiện đã có 10 nông dân ở huyện Chư Sê đăng ký thuê chị Bích sấy tiêu tươi. Tiền công sấy 230.000 đồng/kg, cứ 3 kg tiêu tươi được 1 kg khô, giá bán hiện nay là 700.000 đồng/kg. Như vậy vẫn có lãi cao hơn nhiều so với phơi khô thông thường (có giá bán 140.000 đồng/kg), trong khi tiêu tươi phơi khô cũng đã là 1 kg tiêu khô/2,5 kg tiêu tươi. Người nông dân không mất công phơi, bảo quản mà vẫn đảm bảo được chất lượng của hạt tiêu, thu nhập cũng cao hơn.

Chị Bích bày tỏ, tới đây chị sẽ thành lập câu lạc bộ hồ tiêu ngũ sắc, qua đó quy tụ những nông dân có sản phẩm tiêu sạch để bao tiêu sản phẩm, mua giá cao hơn thị trường 20.000 đồng/kg tươi. Chị cũng sẽ chia sẻ sáng chế của mình nếu ai thực sự đam mê thương hiệu tiêu ngũ sắc.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm

Nhiều giải pháp thúc đẩy Hợp tác xã phát triển

Nhiều giải pháp thúc đẩy Hợp tác xã phát triển

(GLO)-Những năm gần đây, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh Gia Lai đã phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các HTX nâng cao hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần để HTX  phát triển bền vững.