Chỉ 1/3 đầu tư công ở Tây Nguyên hướng tới bảo vệ rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đây là thông tin trong Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu “Lập sơ đồ đầu tư sử dụng đất tại Tây Nguyên” do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 8-6, tại Hà Nội.

Đây là công trình nghiên cứu do CIEM và Viện Lâm nghiệp châu Âu phối hợp thực hiện.

 

Toàn cảnh Hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng CIEM cho biết, mục tiêu chính của nghiên cứu là xác định và định lượng các khoản đầu tư công trung hạn trong giai đoạn 2016-2020 có liên quan đến vấn đề sử dụng đất tại 5 tỉnh Tây Nguyên, qua đó làm rõ các nguồn tài chính cơ bản và hình thức chi tiêu liên quan đến sử dụng đất và rừng.

Bên cạnh đó, xác định và định lượng đóng góp của đầu tư công cho mục tiêu REDD+ (giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng ở các nước đang phát triển và vai trò bảo tồn, quản lý bền vững rừng và tăng cường trữ lượng cacbon rừng ở các nước đang phát triển); những khoảng trống trong thực hiện NRAP (chương trình hành động quốc gia thực hiện REDD+); vai trò của các khoản đầu tư của Trung ương và địa phương trong thúc đẩy sự thay đổi sử dụng đất và mất rừng ở Tây Nguyên. Từ đó, xác định các cơ hội để lồng ghép các mục tiêu NRAP vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh đến năm 2020.

Chi tiết hơn về sự cần thiết lập sơ đồ tài chính sử dụng đất với các quốc gia, vùng lãnh thổ nói chung và Tây Nguyên nói riêng, bà Adeline Dontenville, Chuyên gia tài chính lâm nghiệp, Viện Lâm nghiệp châu Âu cho biết, việc làm này giúp các nhà hoạch định chính sách xem xét thông tin chi tiết, cụ thể, cần có để xác định các hoạt động đầu tư sử dụng đất trên lãnh thổ; xác định được khối lượng các dòng vốn đang đổ vào; các khoảng trống và rào cản tài chính.

Từ sơ đồ này, cũng có thể thấy được các khoản đầu tư nào phù hợp hoặc không phù hợp với mục tiêu REDD+, giúp xác định các lựa chọn chuyển hướng đầu tư cho các hoạt động bền vững hơn và ưu tiên tối đa hóa tác động đến rừng.

Đáng chú ý, việc thể hiện rõ ràng các dòng đầu tư trên sơ đồ làm tăng trách nhiệm giải trình và giám sát đánh giá trước các bên liên quan, nhất là các nhà tài trợ, đồng thời cũng làm tăng tính minh bạch của chi tiêu công.

Theo bà Adeline Dontenville, thách thức lớn nhất trong quá trình thực hiện nghiên cứu là sự sẵn có và mức độ chi tiết của số liệu, tuy nhiên Viện Lâm nghiệp châu Âu đã nhận được sự hợp tác chặt chẽ, nhiệt tình của các đơn vị cấp tỉnh, như các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở NN&PTNT của 5 tỉnh Tây Nguyên.

Ông Lưu Đức Khải, Phó Trưởng ban Chính sách Dịch vụ công (CIEM), thành viên nghiên cứu dự án cho biết, giai đoạn 2016-2020, đầu tư cho sử dụng đất đai liên quan đến rừng ở khu vực Tây Nguyên vào khoảng 23.400 tỷ đồng; trong đó, có khoảng 7.200 tỷ đồng đầu tư phù hợp với các mục tiêu của NRAP (chiếm 31%). Còn lại khoảng 16.000 tỷ đồng không phù hợp, có nguy cơ dẫn tới phá rừng, đi ngược lại mục tiêu xanh hóa đồi núi trọc.

Trong tất cả các khoản đầu tư theo kế hoạch sử dụng đất ở Tây Nguyên, có khoảng 28% đến từ các nguồn quốc tế và gần 72% đến từ các nguồn trong nước (chủ yếu là Ngân sách Trung ương và trái phiếu Chính phủ).

Bên cạnh đó, gần một nửa đầu tư cho giai đoạn 2016-2020 về sử dụng đất ở Tây Nguyên có liên quan đến nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 5,3% khoản đầu tư này được lên kế hoạch phù hợp với các mục tiêu NRAP và có rất ít đầu tư nhằm vào nông nghiệp bền vững.

Theo ông Khải, hiện ở khu vực Tây Nguyên, việc đầu tư hỗ trợ sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số còn chiếm tỷ lệ hạn chế; các cây công nghiệp thế mạnh của vùng đất này như cacao, cà phê, cao su…cũng chưa có chương trình cụ thể phát triển thành sản phẩm trọng điểm.

Từ những kết quả thu được, Nghiên cứu đề xuất cần tăng cường các biện pháp bảo vệ trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, mở rộng nền tảng chương trình hỗ trợ kinh tế.

Bên cạnh đó, cần lồng ghép các mục tiêu của chương trình NRAP vào chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình mục tiêu khác ngay từ giai đoạn đầu.

Xác định nghèo đói và di dân tự do là 2 nguyên nhân gián tiếp dẫn tới phá rừng, vì vậy cần tăng cường các chính sách giảm nghèo, hỗ trợ sinh kế, định canh định cư cho đồng bào Tây Nguyên.

Trong bối cảnh nguồn lực từ ngân sách Nhà nước ngày càng hạn chế, các nguồn viện trợ từ ngoài nước cũng thu hẹp dần, cần đa dạng hoá các nguồn lực, tận dụng đóng góp của khu vực tư nhân trong bảo vệ rừng thông qua huy động trực tiếp hoặc hình thức hợp tác công-tư (PPP).

Thu Lê/chinhphu.vn

Có thể bạn quan tâm