Nỗ lực vượt khó ở ngôi trường vùng biên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng thầy và trò Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) luôn cố gắng khắc phục nhằm từng bước nâng cao chất lượng dạy và học.

Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái đứng chân tại xã Ia Lâu-một trong những xã thuộc khu vực biên giới và còn nhiều khó khăn của huyện Chư Prông. Dân cư tại đây chủ yếu là đồng bào các dân tộc ít người như Jrai, Tày, Nùng…, trong đó chiếm số đông là đồng bào các dân tộc ít người các tỉnh miền núi phía Bắc di dân xây dựng kinh tế mới. Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái được thành lập từ năm 2005 trên cơ sở chia tách từ Trường Tiểu học và THCS Lê Đình Chinh.

 

Chất lượng giáo dục tại Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái từng bước được nâng lên.                                                                                                 Ảnh: H.S
Chất lượng giáo dục tại Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái từng bước được nâng lên. Ảnh: H.S

Là một trong những người gắn bó lâu năm với sự nghiệp trồng người tại 2 xã biên giới Ia Lâu và Ia Piơr, thầy Lê Văn Hữu-Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Những năm đầu thành lập, Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái cũng như các trường đứng chân trên địa bàn khu vực biên giới Chư Prông gặp rất nhiều khó khăn. Trường cách trung tâm huyện hơn 60 km nhưng đường sá rất khó đi bởi mùa mưa thì lầy còn mùa nắng thì bụi. Cơ sở vật chất, hạ tầng của trường khi mới thành lập còn thiếu thốn và chưa được kiên cố hóa khiến việc dạy và học vô cùng vất vả. Cùng với đó là việc người dân còn chưa ý thức nhiều về chuyện học hành của con cái, việc vận động học sinh đến trường cũng như công tác duy trì sĩ số rất gian nan. Nhờ có sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị và nỗ lực của các thầy-cô giáo, Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái đã có nhiều thay đổi tích cực”.

12 năm sau ngày thành lập, Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái từng bước được đầu tư xây dựng kiên cố và đã có những bước tiến đáng kể trong việc dạy và học. Khuôn viên trường có nhiều cây xanh cao lớn tỏa bóng làm vơi bớt cái nắng rát bỏng vùng biên giới. Sân trường dần được bê tông hóa tạo điều kiện cho các hoạt động ngoại khóa diễn ra thuận lợi hơn. Một hàng rào bằng bê tông được đầu tư xây dựng giúp tránh được tình trạng gia súc tràn vào trường. 3 điểm trường làng cũng được đầu tư xây dựng kiên cố, có hàng rào bao quanh. “Bắt đầu từ năm học 2016-2017, nhà trường đưa vào sử dụng một dãy phòng học mới tại trường trung tâm. Điều này giúp cho việc dạy và học tại trường được thuận lợi hơn. Được học trong phòng học mới sạch sẽ nên các em học sinh đi học chuyên cần hơn”- thầy Hữu nói.

Hàng năm, để nâng cao chất lượng dạy và học, nhà trường thường xuyên cử giáo viên tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ; phát động phong trào thi đua dạy tốt-học tốt, rèn luyện chữ viết đẹp; tổ chức các hội thảo cấp trường, sinh hoạt chuyên môn và các buổi diễn văn nghệ giúp tạo niềm hứng khởi trong giáo viên, học sinh. Bên cạnh đó, nhà trường cũng vận động giáo viên nhận giúp đỡ học sinh có nguy cơ bỏ học. Nhờ đó, năm học này trường không còn tình trạng học sinh bỏ học, tỷ lệ duy trì sĩ số đạt 100%.

Năm học 2017-2018, Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái có 1.052 học sinh chia làm 36 lớp, trong đó có nhiều lớp 100% là học sinh dân tộc thiểu số. Hiện nhà trường tổ chức học tại 4 điểm trường, trong đó có 3 điểm trường lẻ ở tại làng cách trường trung tâm 2 km. “Đến thời điểm hiện tại, dù còn khó khăn, thiếu thốn như thiếu nhà hiệu bộ, phòng học chức năng chưa đầy đủ, thiếu nước sạch… nhưng với tinh thần tất cả vì học sinh, tập thể Hội đồng sư phạm nhà trường luôn nỗ lực khắc phục khó khăn, phấn đấu xây dựng trường ngày càng xanh-sạch-đẹp và từng bước nâng cao chất lượng giáo dục”-thầy Hữu cho biết.

Hoành Sơn

Có thể bạn quan tâm