Chi hội trưởng Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chẳng kể nắng hay mưa, ông Nguyễn Đông-Chi hội trưởng chi hội Cựu chiến binh thôn Bình Thanh (xã Ia Drăng, huyện Chư Prông) đều có mặt tại vườn cây từ rất sớm dù đã bước qua tuổi 60. Bởi với ông, đất đai đã cho gia đình cuộc sống đủ đầy nên chẳng có lý do gì để… quay lưng khi vẫn còn sức khỏe.

Năm 1977, khi vừa tròn 21 tuổi, chàng trai Quảng Ngãi Nguyễn Đông tình nguyện lên đường nhập ngũ và được biên chế về Trung đoàn 94 (Quân khu 5) tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Đầu năm 1980, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông xuất ngũ trở về địa phương. Nhà nghèo, anh em lại đông mà đất đai thì ít nên ông quyết định quay trở lại Tây Nguyên lập nghiệp. “Còn một lý do khác thúc giục tôi trở lại xã Bình Giáo (huyện Chư Prông) là vì khi còn trong quân ngũ, hành quân qua đây, tôi có quen và hẹn ước với một cô gái làm ở Công ty Thương nghiệp Chư Prông”-ông Nguyễn Đông nói về cơ duyên gắn bó với vùng đất biên giới tỉnh Gia Lai. 

Cựu chiến binh Nguyễn Đông chăm sóc vườn cà phê của gia đình. Ảnh: A.H
Cựu chiến binh Nguyễn Đông chăm sóc vườn cà phê của gia đình. Ảnh: A.H

Hai bàn tay trắng khiến cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ gặp muôn vàn khó khăn. Và rồi, ông bàn với vợ vào khu vực thôn Bình Thanh (lúc trước thuộc xã Bình Giáo, nay thuộc xã Ia Drăng) để khai hoang trồng các loại cây ngắn ngày, như: lúa, mì, đậu, bắp… Dù là ngày nắng hay ngày mưa, ông đều rời nhà từ lúc tờ mờ sáng và chỉ trở về khi trời tối. Thành quả trong suốt 10 năm lao động miệt mài của vợ chồng ông là 10 ha đất được phủ kín bắp, mì, lúa. Song song với việc khai hoang, trồng cây ngắn ngày để cải thiện kinh tế gia đình, ông mua thêm bò về nuôi vừa để có nguồn phân bón cho cây trồng, vừa có thêm thu nhập từ việc mua đi bán lại.

Khi cuộc sống dần ổn định, ông chuyển đổi bớt diện tích cây ngắn ngày sang trồng cây công nghiệp dài ngày. Gần 4 ha cà phê được hình thành cũng là lúc nguồn vốn cạn kiệt, vì vậy, ông mạnh dạn vay vốn ngân hàng 20 triệu đồng để mua phân bón. Dốc toàn bộ vốn liếng vào vườn cây nhưng đến khi cà phê cho thu hoạch thì giá cả tụt dốc không phanh. Ông cũng như nhiều hộ trồng cà phê rơi vào cảnh lao đao.

 

Ông Phạm Xuân Chiến-Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ia Drăng: “Cựu chiến binh Nguyễn Đông đã cho nhiều hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trong thôn mượn gần 200 triệu đồng không tính lãi suất. Đặc biệt, ông luôn đi đầu trong việc ủng hộ các hoạt động của Hội, chi hội và đóng góp các khoản quỹ tại địa phương, giúp xóa nhà dột nát trong hội viên… Mặt khác, ông còn giúp 10-15 lao động địa phương có việc làm ổn định với mức thu nhập 4,5-5 triệu đồng/tháng”.

Nhiều gia đình quyết định chặt bỏ vườn cây vì không đủ kiên nhẫn chờ giá. Riêng ông, sau rất nhiều đêm mất ngủ, cuối cùng vẫn kiên định “giá cả có lên ắt có xuống” nên thay vì chặt bỏ diện tích cà phê, ông bán hết bò và tập trung vào cây ngắn ngày để “nuôi” cầm chừng cây dài ngày. Sự kiên trì sau cùng cũng mang lại thành quả, cà phê tăng giá trở lại giúp gia đình ông có nguồn thu ổn định và có tiền để đầu tư trồng mới 5 ha cao su tiểu điền vào năm 2004 và 1 ha hồ tiêu năm 2014. Nhìn vào cuộc sống hiện tại với mức thu nhập bình quân 700-800 triệu đồng/năm (sau khi trừ chi phí) từ cà phê, hồ tiêu, cao su, cựu chiến binh Nguyễn Đông tự hào: “Nhờ những năm tháng trong quân ngũ đã rèn cho tôi tính kiên trì, nhẫn nại, không chịu khuất phục trước khó khăn, gian khổ nếu không có lẽ tôi đã bỏ cuộc.Vì vậy, tôi luôn nhắc nhở con cháu phải biết trân trọng cuộc sống hiện tại”.

Không chỉ là người làm kinh tế giỏi, ông Nguyễn Đông còn là một Chi hội trưởng chi hội Cựu chiến binh luôn hết lòng vì hội viên và là Tổ trưởng Tổ vay vốn-tiết kiệm uy tín với bà con trong thôn. Ông Đông cho biết, hiện chi hội Cựu chiến binh thôn Bình Thanh có 20 hội viên, không còn hội viên nghèo.

Anh Huy

Có thể bạn quan tâm