Ông lang trẻ ở làng Đê Chơ Gang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đến bây giờ anh Đinh Văn Cao-Trưởng thôn Đê Chơ Gang (xã Phú An, huyện Đak Pơ) không nhớ nổi là mình đã bốc thuốc chữa bệnh cho bao nhiêu người. Chỉ biết rằng, những người bị bệnh xương khớp, như: thoát vị đĩa đệm, thần kinh tọa, nhức mỏi xương… cứ uống thuốc của anh là khỏi bệnh.

“Có thuốc lang cao, không lo xương khớp”

Giữa trưa nắng gay gắt, chúng tôi tìm tới nhà anh Đinh Văn Cao để tìm hiểu về bài thuốc Nam bí truyền của anh. Từ đầu làng đến cuối xóm, khi hỏi lang Cao người dân tộc Bahnar thì ai cũng biết. Một người già đi đường chỉ tay: “Nhà anh lang trẻ nằm ở giữa làng kìa. Anh giỏi chữa các bệnh về xương khớp lắm!”. Tới nhà, gặp lúc anh vừa đi công chuyện về, thấy khách lạ, anh Cao cười tươi tiếp đón. Nhấp ngụm nước trà, ông lang trẻ mới 35 tuổi này bắt đầu câu chuyện về bài thuốc bí truyền của mình: “Tôi được cha truyền nghề bốc thuốc từ năm 14 tuổi. Những người bị thoát vị đĩa đệm, thần kinh tọa, nhức mỏi xương… chỉ cần uống 6 hoặc 10 thang thuốc là có thể hết đau bệnh”.

 

Anh Đinh Văn Cao đang bốc thuốc cho người bệnh. Ảnh: Đ.Y
Anh Đinh Văn Cao đang bốc thuốc cho người bệnh. Ảnh: Đ.Y

Trong cuộc chuyện trò, chúng tôi được biết, những bài thuốc bí truyền của anh được lấy từ rễ, cành và lá cây rừng. Hàng ngày, anh nhờ những người trong dòng họ lên rừng tìm kiếm những cây thuốc này, anh trả công, còn việc chế biến thì anh tự làm. Anh Cao cho biết: “Mỗi thang thuốc mình bỏ vào một bì nhỏ. Người bị đau xương khớp mua về uống, mỗi bì chia làm 2 lần sắc. Mỗi lần sắc, đun lấy nửa lít nước để uống, sau đó lấy nước khác đun tiếp cho đến nước thứ 4 thì bỏ xác thuốc đi”.

Nhờ có bài thuốc chữa bệnh xương khớp của anh Đinh Văn Cao mà từ lâu dân làng Đê Chơ Gang ít ai bị đau nhức mỏi người. Từ đó, cứ người này truyền miệng người kia, người bệnh khắp mọi nơi tìm đến, nhiều người còn dí dỏm nói về anh: “Có thuốc lang Cao, không lo xương khớp”.

“Nghề” cha truyền con nối

Ông lang trẻ Đinh Văn Cao được thừa hưởng nghề bốc thuốc Nam do người cha truyền lại. Từ thời chống Pháp, bố anh Cao là ông Đinh Chim đã nổi tiếng là người giúp dân quanh vùng chữa bệnh xương khớp, nhức mỏi người. “Ngày còn rất nhỏ, bố tôi đã chỉ bảo cho tôi các loại cây thuốc. Nên đến năm lên 14 tuổi tôi đã có thể nắm bắt được tất cả các đặc tính của cây thuốc trong rừng mà không bị nhầm với bất kỳ loại cây khác”-anh Cao nói.

Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ông Đinh Chim là du kích. Thời chiến tranh không có nhiều thuốc chữa bệnh như bây giờ, vì thế, ông Đinh Chim đã từng sử dụng cây thuốc Nam để chữa trị cho rất nhiều đồng đội qua cơn nguy kịch. Nhất là khi bị thương, xương khớp của đồng đội bị gãy thì bài thuốc Nam của ông Đinh Chim đã giúp chữa lành vết thương rất hiệu quả. “Khi chiến tranh kết thúc, bố tôi cùng với người làng từ vùng căn cứ trở về sinh sống ở làng. Mặc dù bận rộn với công việc ở xã nhưng ông vẫn gắn bó với nghề bốc thuốc Nam cứu người. Cứ ngày nghỉ, lúc rảnh rỗi là bố tôi lại lên rừng tìm những cây thuốc về phơi khô rồi cất trong nhà, khi có người cần đến là ông mang ra giúp đỡ mọi người”-anh Cao nhớ lại.

Tuy nhiên, trước đây cây thuốc rất dễ kiếm, chỉ cần lên rừng phía sau nhà là có thể tìm thấy những loại thuốc mình cần cho việc chữa bệnh. Hiện nay, cây thuốc quý ở rừng đang dần cạn kiệt do tài nguyên rừng bị khai thác kiệt quệ, rừng ngày một lùi xa nên việc tìm kiếm cây thuốc quý cũng ngày càng khó. Vì thế, anh Đinh Văn Cao có ý định dành hẳn một khu vườn sau nhà làm nơi trồng cây thuốc Nam. “Mình sẽ cố gắng làm bằng được, khi người bệnh cần mình có thể lấy cho họ dùng ngay mà không cần phải mất công vào rừng tìm kiếm nữa”-anh nói.

Trao đổi với P.V, ông Trần Vũ Thanh-Phó Chủ tịch UBND xã Phú An cho biết: “Anh Đinh Văn Cao là người được cha truyền nghề bốc thuốc chữa bệnh từ ngày còn rất nhỏ. Anh Cao chủ yếu là bốc thuốc chữa các bệnh về xương khớp chứ không khám bệnh. Theo đánh giá của nhiều người dân trên địa bàn xã thì bài thuốc bí truyền của gia đình anh Cao đã chữa khỏi bệnh về xương khớp cho rất nhiều người. Gia đình anh còn thường xuyên giúp bà con trong làng chữa bệnh đau nhức xương khớp không lấy tiền, việc làm này rất đáng quý và đáng trân trọng”.

Thiết nghĩ, với những trường hợp như trên, ngành chức năng cần có sự tham gia, giám sát để vừa phát huy được khả năng chữa bệnh trong nhân dân vừa bảo vệ được sức khỏe cộng đồng.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm