Khó khăn trong điều tra, truy tố vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng trên địa bàn tỉnh còn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, việc xử lý chủ yếu chỉ dừng lại ở xử lý vi phạm hành chính, việc xử lý hình sự còn thấp. Việc điều tra, truy tố, xét xử vi phạm trong quản lý, bảo vệ rừng còn gặp không ít khó khăn.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, từ năm 2011 đến cuối năm 2016, trên địa bàn tỉnh xảy ra hơn 6.823 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, tịch thu hơn 15.119 m3 gỗ các loại, hơn 341 ha rừng bị phá và hơn 656 ha rừng bị cháy. Theo báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và Công an tỉnh, việc điều tra, truy tố, xét xử đều đúng người, đúng tội, đúng luật định và đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, có tính răn đe, giáo dục cao. Cụ thể, từ đầu năm 2011 đến ngày 15-5-2017, Công an tỉnh đã tiếp nhận 510 tin báo vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, đã khởi tố 231 vụ, với 298 bị can, còn lại chuyển cơ quan khác xử lý theo thẩm quyền; Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã thụ lý 276 tin báo và đã khởi tố 239 vụ, với 305 bị can; Tòa án nhân dân 2 cấp tỉnh, huyện đã thụ lý 141 vụ, với 263 bị cáo và đã xét xử 136 vụ, với 258 bị cáo.

 

Lâm tặc dùng xe máy độ chế chổ gỗ lậu tại khu vực hồ Ia Mlah (huyện Krông Pa).  Ảnh: L.N
Lâm tặc dùng xe máy độ chế chổ gỗ lậu tại khu vực hồ Ia Mlah (huyện Krông Pa). Ảnh: L.N

Tuy nhiên, việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng còn gặp không ít khó khăn, nhất là trong việc xác định đối tượng vi phạm trong các vụ hủy hoại rừng; việc thu hồi lâm sản khai thác trái phép; công tác phục hồi, trồng lại rừng bị hủy hoại; các quy định của pháp luật đối với việc xử lý phương tiện vận chuyển lâm sản còn nhiều vướng mắc… Bà Lê Thị Thu Hà-Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, cho biết: “Thời gian qua, Viện đã phối hợp tốt với Cơ quan Điều tra trong công tác quản lý và xử lý tin báo, tố giác tội phạm trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ rừng. Khi thấy có dấu hiệu tội phạm, chúng tôi yêu cầu khởi tố vụ án, khởi tố bị can để truy tố, xét xử đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, số vụ án đã được khởi tố sau quá trình điều tra không xác định được bị can, hoặc chưa đủ chứng cứ khởi tố bị can, bị can bỏ trốn nên phải tạm đình chỉ vì hết thời hạn điều tra chiếm tỷ lệ cao (94/239) vụ. Số vụ bị can chết hoặc hành vi không cấu thành tội phạm phải đình chỉ là 6/239 vụ”.

Theo bà Lê Thị Thu Hà, diện tích đất rừng rộng, địa hình hiểm trở, đường sá đi lại khó khăn, khó quản lý nên đối tượng phạm tội khi bị phát hiện dễ dàng bỏ chạy và không bắt giữ được; việc quản lý và bảo vệ rừng liên quan đến nhiều cơ quan nên khi xảy ra vụ việc rất khó xử lý trách nhiệm; việc điều tra thu thập chứng cứ, xác định người phạm tội gặp nhiều khó khăn nên một thời gian sau điều tra không xác định được người phạm tội nên phải đình chỉ điều tra; đối với những khu vực rừng bị lấn chiếm, đối tượng vi phạm đã được xử lý nhưng cơ quan chức năng chậm khôi phục dẫn đến người khác đến tiếp tục trồng, canh tác thì khó xử lý...

Bên cạnh đó, lợi dụng những quy định chưa chặt chẽ của Nhà nước, các đối tượng vi phạm đã tìm cách lách luật, hợp thức hóa tang vật vi phạm. Nghị định 157/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản và Thông tư 01/2012/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT không quy định về thời gian xuất trình hồ sơ chứng minh nguồn gốc lâm sản. Do đó, các đối tượng thường kéo dài thời gian để hợp thức hóa lâm sản không có nguồn gốc. Bên cạnh đó, đối tượng vi phạm pháp luật là người dân tộc thiểu số không thông thạo tiếng phổ thông, không am hiểu pháp luật, có hoàn cảnh khó khăn, thiếu đất sản xuất nên rất khó xử lý.

Ông Nguyễn Nhĩ-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: “Thời gian qua, ngành Lâm nghiệp đã triển khai quyết liệt các giải pháp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng còn diễn biến phức tạp. Nguyên nhân là do các văn bản quy định của Nhà nước chưa sát với thực tế dẫn đến các đối tượng vi phạm có cơ hội lách luật. Trong thời gian tới, cơ quan chuyên môn, các chủ rừng cần nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo bệ rừng”.

Lê Nam

Có thể bạn quan tâm