Nghiệt ngã ung thư: Những sai lầm khiến bệnh trở nên 'hết thuốc chữa"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Điều nghiệt ngã của ung thư không phải do bệnh không thể chữa mà đến từ những quan điểm sai lầm khiến người bệnh được điều trị quá trễ.
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh ung thư cao trên thế giới. Hằng năm, số lượng người mới mắc các căn bệnh ung thư không ngừng tăng lên và 1/2 trong số này tử vong.
Tuy nhiên, điều “nghiệt ngã” của ung thư không phải do bệnh không thể chữa mà đến từ những quan điểm sai lầm khiến người bệnh được điều trị quá trễ.
 Nội soi phát hiện sớm ung thư đại trực tràng ẢNH: NAM SƠN
Nội soi phát hiện sớm ung thư đại trực tràng ẢNH: NAM SƠN
Nhắc đến bệnh ung thư ai cũng sợ và có suy nghĩ “y học hiện nay vẫn chưa thể chữa được bệnh ung thư”. Tuy nhiên, điều sai lầm là “ung thư” không phải là tên của một bệnh, mà nó là tên chung của hơn 100 bệnh. Tức có đến hơn 100 loại ung thư.
Y học phát triển, có những bệnh ung thư đã có thể chữa khỏi, có loại chưa, vẫn cần thời gian để nghiên cứu. Thế nên, đừng cứ sợ một “ông kẹ” mang tên ung thư!
“Nguyên nhân khiến tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư tại nước ta còn cao hơn các nước đã phát triển phần lớn là từ những nhận thức không đúng, thậm chí sai lầm của người dân Việt Nam về loại bệnh này”, bác sĩ Tiến đánh giá.
Đi lòng vòng, bệnh “hết thuốc”
Bà C.H.A (46 tuổi) phát hiện ra mình bị ung thư đại trực tràng. Khi đó, bà A. đã nhờ bác sĩ gửi khám và được lên lịch phẫu thuật, điều trị ở bệnh viện chuyên khoa uy tín.
Tuy nhiên, đến phút cuối, bà A. lại thôi không đến bệnh viện mà rẽ hướng điều trị theo các “mách nhỏ” dân gian, được “người quen” chỉ dẫn. Hơn một năm, tốn bao công sức, tiền bạc, đi hết “thầy” này đến phương pháp nọ, cuối cùng, bệnh không khỏi.
Khi trở lại bệnh viện, thì mọi việc đã quá trễ với bà A.
Đây không phải là trường hợp cá biệt người bị ung thư tìm đến các phương pháp “trôi nổi” theo chỉ dẫn truyền miệng. Có một thực trạng là khi biết mình bị ung thư, nhiều bệnh nhân lại không tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ, mặc dù bệnh còn ở giai đoạn điều trị được.
Lúc này, người bệnh rất lo lắng hoang mang, thay vì nghe lời bác sĩ thì lại tìm đủ cách trị trên… mạng, theo dân gian truyền miệng. Đây là cơ hội cho những cám dỗ, lừa lọc của những phương pháp điều trị không đúng, không có cơ sở khoa học (thầy lang, thầy cúng, thầy bùa, thuốc nam bắc không rõ loại...).
“Chuyện đau lòng mà tôi thường xuyên gặp trong quá trình điều trị ung thư tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM là có những bệnh nhân giai đoạn rất sớm nếu mổ sẽ chữa khỏi hoàn toàn. Thế nhưng, chuẩn bị phẫu thuật, bệnh nhân bỏ trốn hay xin xuất viện vì rất nhiều lý do: sợ mổ, sợ đụng dao kéo sẽ làm bệnh lan nhanh hơn, nghe lời truyền miệng đi điều trị thuốc nam thuốc bắc, thuốc gia truyền, dùng lá cây,… Sau một thời gian, bệnh nhân quay lại bệnh viện với tình trạng trầm trọng hơn, đau đớn vật vã, khó thở, không đi tiêu tiểu được, bụng chướng không ăn uống được, không còn khả năng điều trị triệt để và thậm chí tử vong”, bác sĩ Tiến chia sẻ.
Theo bác sĩ Tiến, thực tế, hiện chỉ có khoảng 30 - 40% bệnh nhân ung thư được chẩn đoán và điều trị sớm, còn lại hầu hết đều ở giai đoạn muộn, di căn và biến chứng.
“Do đó, việc điều trị gặp nhiều khó khăn, thời gian điều trị kéo dài, giảm hiệu quả điều trị bệnh, mà chi phí điều trị tăng cao và kéo dài kèm với tỷ lệ tái phát và tử vong cao”, bác sĩ Tiến nhận định.
Những quan niệm sai lầm về bệnh
Bác sĩ Tiến đã chỉ ra những sai lầm mọi người đang mắc phải khi phòng và trị bệnh ung thư như sau.
Trước tiên là người dân thường không thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Trong khi thực tế, nhiều bệnh ung thư có thể phòng ngừa như: ung thư gan, ung thư cổ tử cung nhờ chích ngừa viêm gan siêu vi A/B, HPV….; ung thư như phổi, đại trực tràng, gan,… có thể được phòng phòng ngừa nếu không lạm dụng quá nhiều rượu bia, không hút thuốc lá chủ động và hít thuốc lá thụ động; chăm vận động, ăn rau...
Không đi tầm soát bệnh: Một số bệnh ung thư có thể được phát hiện sớm và trị khỏi như ung thư cổ tử cung, ung thư đại trực tràng, ung thư tuyến vú…
Không điều trị đúng cách: Uống thuốc nam, thuốc bắc không rõ nguồn gốc hoặc chưa có những bằng chứng khoa học khẳng định hiệu quả trong hỗ trợ ung thư; ung thư cũng không thể chữa khỏi bởi thầy lang, bùa ngãi…
Một số quan điểm sai lầm chết người về bệnh ung thư như: “Bệnh nhân mắc ung thư càng đụng dao kéo càng nhanh chết!”; "ung thư là bản án tử hình"; "trải qua điều trị ung thư có nghĩa là không thể sống và làm việc bình thường lại được"; "tất cả các liệu pháp điều trị ung thư đều đau đớn"; "người bị bệnh ung thư không nên ăn đường",...
Đặc biệt, có quan điểm cho rằng: “không nên bồi dưỡng dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư vì làm thế là nuôi bướu, nuôi tế bào ung thư phát triển mạnh hơn”.
Theo bác sĩ Tiến, qua ghi nhận thực tế cho thấy rất nhiều bệnh nhân ung thư khi chữa trị bệnh đã áp dụng chế độ như nhịn đói, uống nước hoa quả... nhằm mục đích để tế bào ung thư chết đi. “Đây là sai lầm trầm trọng khiến bệnh nhân nhanh chóng suy kiệt, suy mòn sức lực do ung thư và do suy dinh dưỡng”, bác sĩ Tiến khuyến cáo.
Ngược lại, có nhiều thông tin về những “siêu thực phẩm” có thể dùng để chữa khỏi ung thư, khiến người bệnh tìm kiếm và chỉ tin dùng những thực phẩm này. Nhưng chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh có loại thực phẩm nào siêu đến thế.
Khải Linh (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

34 cán bộ, nhân viên y tế Gia Lai được tập huấn nâng cao năng lực quản lý suy dinh dưỡng cấp tính

34 cán bộ, nhân viên y tế Gia Lai được tập huấn nâng cao năng lực quản lý suy dinh dưỡng cấp tính

(GLO)- Từ ngày 23 đến 25-4, tại TP. Pleiku, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý suy dinh dưỡng cấp tính cho 34 cán bộ, nhân viên y tế phụ trách công tác dinh dưỡng tuyến huyện thuộc Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững năm 2024.
Đau nửa đầu bên phải là dấu hiệu bệnh gì?

Đau nửa đầu bên phải là dấu hiệu bệnh gì?

Có những cơn nhức đầu khó chịu và vùng đau chủ yếu nằm ở nửa bên phải đầu. Cảm giác đau nhức này có thể xuất hiện ở sau đầu, hàm, mắt hay xoang. Tuy nhiên, tất cả đều nằm ở nửa bên phải đầu. Nguồn gốc của những cơn đau nhức có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau.
WHO phê duyệt vaccine mới ngừa dịch tả

WHO phê duyệt vaccine mới ngừa dịch tả

Do hãng dược phẩm EuBiologics (Hàn Quốc) sản xuất, vaccine Euvichol-S được phát triển từ một công thức đơn giản hóa, sử dụng ít thành phần hơn, rẻ hơn và có thể sản xuất nhanh hơn phiên bản trước.