Sao trên biển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nếu ai đó tình cờ đi qua đoạn đường đèo vắt ngang TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) chạy đến thị xã Sông Cầu (tỉnh Phú Yên) vào ban đêm sẽ có cảm giác rất lạ, thấy mình như đi trên… bầu trời đầy sao. Những ánh sao lấp lánh, bồng bềnh đùa giỡn dưới chân.

Một người bạn đi ngang qua đây ngỡ ngàng gọi điện thốt lên: “Thứ gì mà giống bầu trời sao vậy?”. Tôi hơi bối rối rồi cũng hiểu ra ý bạn. Phía bầu trời sao ấy chính là biển đêm Quy Nhơn. Ánh sao ấy là những bóng điện nhử tôm hùm giống của ngư dân chạy dọc biển từ Bình Định đến Phú Yên. Nhìn từ xa, ánh sáng dập dờn theo sóng biển tỏa ra những tia sáng lung linh như những vì sao. Nếu đi qua đây vào ban đêm, du khách nhất định sẽ có cảm giác như đang phiêu diêu trên bầu trời. Cuộc gọi điện như vô tình ấy lại khiến chúng tôi tìm cách quay trở lại với đêm đầy sao trên biển.

 

Một góc bầu trời sao nhìn về TP. Quy Nhơn. Ảnh: T.Đ
Một góc bầu trời sao nhìn về TP. Quy Nhơn. Ảnh: T.Đ

Dọc bờ biển này, nhiều làng chài nhỏ được bờ biển hoang dại ôm lấy tạo thành một vành trăng khuyết. Đứng trên cao nhìn xuống, ngôi làng như một cánh buồm căng gió, đẹp đến ngẩn ngơ. Một trong những làng chài đó là Bãi Xép (Quy Nhơn) và cuộc sống rộn ràng về đêm đã níu chúng tôi ở lại. Cùng với ngư dân làm nghề đánh bắt tôm hùm giống ngủ lại một đêm với biển, khám phá bầu trời sao này là một hành trình thật thú vị.

Tôm hùm giống thường trú ngụ ở các vịnh có bãi cát, rạn san hô ngầm, giữa các đám rong rêu, hóc đá nên các bẫy nhử tôm hùm cách bờ không xa. Để nhử tôm, ngư dân chặt các loại cây gai nhỏ cột thành từng bánh hình bầu dục gọi là “chà” đem ra thả xuống nước rồi thắp điện sáng ở trên để nhử tôm vào. Mỗi chủ bè dùng một máy phát điện rồi kéo dây ra giăng khoảng 10 bóng đèn cách nhau vài chục mét. Khi tôm vào trong bó chà thì khó mà ra được, đến gần sáng thì bị kéo lên để bắt.

Khi chiều sụp xuống, những chiếc thuyền máy nhỏ chạy ra bè tôm cho máy điện nổ. Mặt biển dập dềnh hàng trăm chiếc máy phát điện. Tiếng máy gần, xa chen vào làm chuỗi âm thanh như một dàn đồng ca khổng lồ trên biển. Hàng ngàn bóng điện chữ U 110 W giăng trên mặt nước đồng loạt bật sáng. Lung linh, dập dờn. Thắp điện lên xong, ngư dân nằm ngay trên bè tôm ngủ đến mờ sáng rồi dậy kéo chà. Chỉ có tiếng máy nổ, tiếng sóng và ánh điện là thức thâu đêm.

Anh ngư dân đi cùng chúng tôi kể: Đêm nào những ngư dân cũng nằm chỏng chơ một mình đến hửng sáng, nhưng có khi sáng ra không được con tôm nào. Vui hay buồn là tùy vào thành quả một đêm chong đèn chứ họ có biết đẹp xấu gì đâu. Họ không hề biết rằng mình đang thắp vào mặt biển một bầu trời đầy sao với những ánh sáng huyền hoặc, tô điểm cho biển đêm thêm rực rỡ.

Điện cứ chong đến khoảng 3 giờ sáng thì ngư dân thức giấc đi kéo chà giũ tôm. Những ánh đèn pin loang loáng quất qua các lồng bè chằng chịt. Mặt biển trước lúc bình minh trở nên thật rộn ràng. Đêm đã thấm lên da một lớp muối biển rít rịt và mặn chát, nhưng mỗi lần kéo chà, thấy loang loáng những vệt ánh sáng do tôm nhảy búng lên làn hơi nước rất nhẹ thì ai cũng tươi hẳn lên. Giá mỗi con tôm hùm giống lên đến vài trăm ngàn đồng, nên mỗi đêm chỉ cần bắt được chục con là thuyền chở đầy niềm vui vào bờ. Mỗi năm lộc biển chỉ cho vài tháng, từ tháng 11 năm nay đến tháng 4 năm sau.

Hừng đông, những “vì sao” trên biển tắt dần, nhường chỗ cho ánh hồng tỏa hơi ấm sưởi từng con sóng. Bầu trời sao biến mất trong ánh bình minh. Chúng tôi loạng choạng bước lên bờ theo nhịp sóng. Anh ngư dân cười hiền “đi với chúng tôi vài đêm sẽ không còn say đất nữa đâu”. Cuộc mua bán tôm diễn ra rộn rịp trên xóm chài. Họ quên ngay ánh sao đêm mà họ đã lặng lẽ làm đẹp cho đời.

Trường Đăng

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.