Vinalines xin giảm chi phí 32.000 tỷ đồng để đầu tư đội tàu. |
Theo đề án công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Bộ Giao thông Vận tải mới được Bộ trưởng Đinh La Thăng phê duyệt, từ năm 2012 - 2020, Vinalines sẽ đầu tư đội tàu biển với tổng kinh phí lên đến 100.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải xin giảm chi phí đầu tư 100.000 tỷ đồng xuống còn 68.000 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư đội tàu giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020.
Việc xin giảm chi phí đầu tư của Vinalines được thực hiện ngay sau khi kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc đầu tư mua tàu biển, đầu tư xây dựng cảng biển, cơ sở sửa chữa tàu biển chưa có sự tính toán kỹ đến các yếu tố tài chính, thị trường, dự án đầu tư thiếu căn cứ khoa học đều sử dụng vốn vay phát sinh chi phí lãi vay đã làm cho Vinalines kinh doanh thua lỗ và nợ đọng.
Lý giải cho việc giảm đầu tư đội tàu trong thời gian tới, ông Nguyễn Cảnh Việt, Tổng Giám đốc Vinalines cho rằng, giá cước vận tải biển ở mức thấp chính là lý do để Vinalines điều chỉnh kế hoạch đầu tư tàu đến năm 2020.
“Dự báo giá cước có thể phục hồi vào cuối năm 2012 và tăng trở lại trong giai đoạn 2016-2020 nên thời gian tới, Vinalines sẽ tiếp tục đầu tư vào các tàu trẻ, có tính năng khai thác hiện đại, đáp ứng yêu cầu của các công ước quốc tế", ông Việt cho biết thêm.
Cụ thể, trong giai đoạn 2011 - 2015 Vinalines sẽ đầu tư tàu có trọng tải khoảng 1,5 triệu DWT với tổng mức đầu tư khoảng 30.000 tỷ đồng; giai đoạn 2016 - 2020 sẽ đầu tư trọng tải tàu 3,5 triệu DWT với tổng mức đầu tư khoảng 70.000 tỷ đồng thông qua hình thức mua tàu đang khai thác và đóng mới trong nước.
Để khôi phục và định hướng phát triển đội tàu, Vinaline đã xây dựng lại kế hoạch đầu tư tàu giai đoạn 2011 - 2015, định hướng 2020 trong quá trình hoàn thiện dự thảo Đề án đổi mới, sắp xếp Tổng Công ty báo cáo Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ phê duyệt.
Theo đó, giai đoạn từ 2011 - 2015 Vinalines chỉ đầu tư khoảng 1,1 triệu DWT với 22 nghìn tỷ đồng, trong đó có 29 tàu đóng mới, với tổng tải trọng hơn 920.000 DWT và mua tàu đang khai thác khoảng 190.000 DWT. Đến năm 2015, trọng tải đội tàu của Vinalines đạt khoảng 3,9 triệu DWT, tương đương khoảng 44% trọng tải đội tàu quốc gia.
Giai đoạn 2016 - 2020, Vinalines dự kiến nền kinh tế thế giới cũng như vận tải biển bắt đầu hồi phục, các doanh nghiệp vận tải biển sẽ có điều kiện tăng tích lũy. Do vậy, Vinalines sẽ đầu tư khoảng 2,5 triệu DWT với khoảng 46 nghìn tỷ đồng thông qua hình thức mua và đóng mới trong nước. Đến 2020, trọng tải đội tàu của Vinalines 5,6 triệu DWT, cũng tương đương khoảng 44% tổng tải trọng tàu quốc gia.
Vinalines cho biết, nguồn vốn để thực hiện các dự án đầu tư tàu sẽ được huy động chủ yếu từ nguồn vốn vay thương mại, vốn huy động từ thị trường chứng khoán và vốn tự có mà không sử dụng nguồn vốn cấp từ ngân sách Nhà nước cho các dự án đầu tư tàu.
Theo TTXVN