(GLO)- Tọa lạc trên một ngọn đồi, ngay cửa ngõ từ đồng bằng lên Tây Nguyên, chùa Quan Âm được đánh giá là công trình kiến trúc tôn giáo vô cùng độc đáo. Gần nửa thế kỷ không có trụ trì, ngôi chùa vẫn như một thực thể sống động, hiện bày vẻ đẹp phóng khoáng, khắc ghi những câu chuyện về sự dấn thân của con người trên hành trình vươn tới cội rễ của cái đẹp, cái thiện.
Qua đèo An Khê đã thấy thấp thoáng Quan Âm tự trên một ngọn đồi. Bốn phía trùng điệp non xanh mây trắng. Những dãy núi liên hoàn bao bọc quả đồi ở giữa như trái đào tiên đặt trên một chiếc mâm khổng lồ. Từ trên đồi nhìn về hướng Đông, giáp dòng suối Ban Ngày, lắng lòng một chút sẽ nghe được cả tiếng nước chảy rất khẽ. Phía Tây giáp ngọn Bàu Lao, quanh năm bảng lảng trong mây. Sau lưng ngôi già lam là hòn Xà Cơn với rất nhiều thông xanh cổ thụ.
Ảnh: H.N |
Theo Đại đức Thích Quang Dũng-trụ trì Quan Âm tự, lịch sử hình thành chùa khá ly kỳ. Tương truyền vào năm 1957 khi thỉnh chuyển tượng Quan Âm cao 1,6 mét từ Tây Nguyên xuống đồng bằng, đến khu vực này, tượng Bồ Tát bỗng hiển linh. Cho rằng vùng đất Song An có duyên với Phật, nhân dân địa phương bèn xin thỉnh rước pho tượng để tôn trí, thờ tự, đặt luôn tên chùa là Song An. Nhưng sau đó, để tỏ lòng biết ơn sự linh hiển nhiệm màu của Bồ Tát Quán Thế Âm, người dân thỉnh trình Giáo hội Phật giáo xin đổi tên chùa thành Quan Âm.
Gần 50 năm chùa không có trụ trì. Và trong khoảng ấy thời gian, ngôi già lam đơn sơ trên diện tích vỏn vẹn hơn một sào đất, hầu như không có công trình gì nổi bật. Nhưng sự thay đổi kỳ diệu diễn ra chỉ trong thời gian ngắn khi Đại đức Thích Quang Dũng được Giáo hội Phật giáo bổ nhiệm về làm trụ trì (năm 2005).
Vị tu sĩ trẻ đã làm thay đổi hẳn diện mạo Quan Âm tự bằng những công trình kiến trúc tôn giáo độc đáo. Gây ấn tượng ngay bước chân đầu tiên vào cửa thiền chính là nụ cười từ bi của tượng Phật nằm khổng lồ. Công trình này được thiết kế hai tầng. Phía dưới tượng Phật là phòng khách, giảng đường, từ đây có cầu thang lên bụng Phật-nơi có thể dung chứa hơn 100 người. Đây cũng chính là mật thất chuyên hành trì (tĩnh tâm tu tập-P.V) của chư tăng. Nhìn từ đỉnh đồi, ngắm pho tượng Phật nằm dài 23 mét, cao 12 mét sẽ phải kinh ngạc trước tuyệt tác của nhân tạo và thiên tạo. Hẳn là một sự hữu ý trong kiến trúc khi để tượng nằm trên đồi, lưng tựa vào dãy núi phía xa, đón gió đại ngàn từ bốn phía.
Tuy nhiên, để định danh là ngôi chùa có kiến trúc độc đáo và khác biệt trong hệ thống chùa của Gia Lai và trong cả nước, phải kể thêm công trình tượng đài Quán Thế Âm trên đỉnh đồi. Tượng cao 22 mét và có màu xanh ngọc bích. “Ở Việt Nam, rất hiếm chùa có cùng lúc hai tượng đài với kích thước lớn như thế này. Còn ở Gia Lai thì hầu như chưa chùa nào có kiến trúc tương tự. Vì thế, đây cũng là điểm nhấn đặc sắc trong quần thể chùa ở Gia Lai”-Đại đức Thích Quang Dũng cho biết.
Ảnh: H.N |
Chánh điện của Quan Âm tự cũng là công trình được xây dựng sau này, có kiến trúc giao thoa hài hòa. Ngưỡng cửa được thiết kế có chủ ý để khách tránh bước lên khi vào bên trong chánh điện. Thiết kế này gợi nhớ đến những ngôi chùa trên đất nước Thái Lan. Ở xứ sở Chùa Vàng này, ngưỡng cửa vào chánh điện là nơi linh thiêng và tuyệt đối không được giẫm lên. Đến Quan Âm tự còn có thể chiêm bái: tượng Bồ Tát địa tạng bằng đá cẩm thạch nặng 9 tấn, cao 3,5 mét hay tượng Phật Thích Ca Mâu Ni cao 2 mét bằng gỗ mít thờ trong chánh điện…
Không ít khách phương xa trong lộ trình từ đồng bằng tiến vào cửa ngõ Tây Nguyên đã dừng chân chiêm bái Quan Âm tự. Còn tôi, đứng đây nhìn về bốn phương mây trắng, thấy thong dong như những câu thơ của vị Đại đức trụ trì: “Từng bước nhẹ thong dong/Đi về áng mây không/Buông đi buông xuống đi/Cho đừng bận cõi lòng”…
Hoàng Ngọc