(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh vừa yêu cầu Sở Công thương phối hợp cùng Công ty TNHH một thành viên 30-4 Gia Lai (đường Lê Duẩn, TP. Pleiku) cùng các sở ngành liên quan tiến hành khảo sát, cho ý kiến về đề xuất của Công ty 30-4 xin bổ sung vào quy hoạch 2 công trình thủy điện nằm trong vùng lõi Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, huyện Kbang.
Vị trí thủy điện nằm trong phân khu bảo tồn nghiêm ngặt
Giám đốc Sở Công thương Bùi Khắc Quang cho biết, mới đây Công ty TNHH một thành viên 30-4 Gia Lai đã có tờ trình gửi UBND tỉnh xin bổ sung 2 công trình thủy điện gồm Suối Say 1 và Suối Say 2 vào quy hoạch chung thủy điện của tỉnh. Trên cơ sở đề xuất này, UBND tỉnh đã giao cho Sở Công thương chủ trì cùng các đơn vị khảo sát thực địa, báo cáo đề xuất gửi UBND tỉnh. Hiện tại, các đơn vị vẫn đang tập hợp ý kiến.
Vị trí mà Công ty 30-4 đề xuất UBND tỉnh cho làm 2 lòng hồ thủy điện trong phân khu bảo tồn nghiêm ngặt Khu Bảo tồn Kon Chư Răng. Ảnh: K.D |
Theo ông Trịnh Viết Ty-Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, nếu nhìn trên bản đồ thì vị trí mà Công ty xin làm 2 công trình thủy điện nằm ở “rìa” ranh giới của vườn. Hai thủy điện dự kiến sẽ ngăn một dòng suối trong khu bảo tồn, thiết kế chặn dòng theo hình bậc thang. Ông Ty cho biết: Hiện nay, rừng ở Kon Chư Răng vẫn đang được giữ trong tình trạng tốt, độ che phủ đạt trên 98% và ít bị tác động từ bên ngoài. Vị trí dự kiến đặt công trình thủy điện Suối Say 1, 2 nằm trong phân khu bảo tồn nghiêm ngặt, rừng thuộc nhóm trung bình, sản lượng gỗ ước đạt 200 m3/ha, tiềm năng khai thác đạt 10-15 m3/ha, có nhiều nhóm gỗ từ nhóm III đến nhóm V. Từ trung tâm Khu bảo tồn, muốn đến được khu vực suối dự kiến xây dựng nhà máy thủy điện phải đi bộ giữa rừng 2-3 giờ, qua những cánh rừng nguyên sinh với lớp cây cổ thụ nhiều người ôm.
Tại vị trí dự kiến làm thủy điện, một dòng suối lớn chảy ào ạt qua hệ thống rừng dày đặc, sát mép suối nhiều hàng cây gỗ lớn, cao hàng chục mét đang được giữ nguyên vẹn, chưa bị tác động từ bên ngoài. Đáng chú ý tại con suối dự kiến sẽ xây thủy điện có một cột thác hiện nay đang là niềm tự hào của Kon Chư Răng. Thác này có cột nước cao tới 54 mét, chảy quanh năm. Nhiều nhà khoa học, du khách khi đến Kon Chư Răng đều tấm tắc khen dòng thác này và ví rằng đây là dòng thác hiếm hoi ở Tây Nguyên chưa hề bị con người tác động.
Ông Nguyễn An-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên 30-4 Gia Lai, cho biết, vị trí mà Công ty đề xuất trước đây đã từng được UBND tỉnh thống nhất cho 2 đơn vị khác triển khai làm thủy điện. Hiện nay, dòng nước trong suối của Khu bảo tồn khá dồi dào, rất thích hợp làm thủy điện. Nếu được UBND tỉnh đồng ý cho triển khai, 2 đập thủy điện của đơn vị này dự kiến sẽ được đầu tư tổng số tiền 1.200 tỷ đồng, sau khi hoàn thành công trình sẽ đem lại doanh thu gần 160 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho 60 lao động, đóng thuế cho địa phương trên dưới 25 tỷ đồng/năm.
“Không nên đặt vấn đề làm thủy điện lúc này”
Đầu tháng 4, Công ty TNHH một thành viên 30-4 Gia Lai đã tổ chức dẫn đoàn công tác gồm Sở Công thương, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng… cùng UBND huyện Kbang và các đơn vị liên quan tiến hành khảo sát thực địa, về nhóm họp cho ý kiến đề xuất với UBND tỉnh.
Thủy điện quy mô 1.200 tỷ đồng Theo ông Nguyễn An-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên 30-4 Gia Lai, thủy điện Suối Say 1 và Suối Say 2 sẽ có tổng công suất 40 MW, tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng. Khi chặn dòng, công trình sẽ chiếm dụng 25 ha rừng trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, trong đó có 6,1 ha rừng đặc dụng. |
Trả lời PV về quan điểm trước đề xuất của Công ty 30-4, một đại diện Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch nói: “Quả thực là rất khó vì theo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, diện tích nằm trong Khu bảo tồn bị cấm tác động, can thiệp. Hơn nữa hiện nay tỉnh đang chuyển hướng qua ưu tiên phát triển du lịch sinh thái, đầu tư mạnh đưa du khách tham quan, khám phá hệ thống rừng già thì việc làm thủy điện là điều tương đối nhạy cảm. Một công trình thủy điện nằm trong vùng lõi, dù lớn hay nhỏ đều có tác động đến rừng, phá vỡ kết cấu sinh thái tự nhiên hàng trăm năm”. Trong khi đó, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng cũng cho rằng cần hết sức thận trọng khi đặt vấn đề làm thủy điện trong Khu bảo tồn. “Đây là lĩnh vực hết sức nhạy cảm bởi hiện nay như chúng ta đã biết, thủy điện có nhiều tác động tới môi trường. Cá nhân tôi cho rằng, đặt vấn đề làm thủy điện lúc này là chưa thích hợp. Tuy nhiên về góc độ chuyên môn thì chúng tôi cũng sẽ ngồi lại, xem xét hết các yếu tố để chính thức tham mưu với UBND tỉnh”-đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường nói.
Ông Phan Xuân Vũ-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho biết, theo tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các đơn vị liên quan phải tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng. Mới đây khi trực tiếp khảo sát Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang cũng nói rằng, muốn làm du lịch thì trước hết phải giữ được rừng, rừng mà bị phá thì sẽ không thể lôi kéo du khách tới được!
Ông Võ Văn Phán-Chủ tịch UBND huyện Kbang cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện Kbang đang có 3 công trình thủy điện, trong đó 1 công trình đang trong giai đoạn xây dựng. Trước đề xuất của Công ty 30-4, huyện đã cử cán bộ đi khảo sát, còn việc đồng ý chủ trương hay không thì phải lấy ý kiến tập thể. Trong khi đó một lãnh đạo khác của huyện Kbang nói rằng, cần tính toán rất kỹ vì hiện nay Kbang là địa phương còn nghèo, cần sự đầu tư từ các doanh nghiệp. Liên quan đến câu chuyện chuyển hướng qua làm du lịch sinh thái, ngày 9-4, Bí thư Huyện ủy Kbang Trương Văn Đạt đã cùng Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh vào khảo sát thực tế tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, mục đích của chuyến đi là để khảo sát tiềm năng, nghe báo cáo về công tác quản lý bảo vệ rừng, phối hợp với Đài làm clip quảng bá về tiềm năng du lịch của huyện Kbang, trong đó có du lịch dưới tán rừng già.
Kỳ Duyên