Về khả năng ASEAN đăng cai World Cup 2034

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo ông Somyot, việc tất cả 10 quốc gia thành viên ASEAN cùng đăng cai World Cup là điều không khả thi và chỉ có hai hoặc ba nước có thể làm được điều đó.
 
Chủ tịch FIFA Gianni Infantino trong cuộc họp báo sau phiên họp của Hội đồng FIFA tại Miami, Florida (Mỹ) ngày 15/3/2019. Ảnh: AFP/TTXVN 
Tại buổi họp báo kết thúc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34 ở Bangkok (Thái Lan) trong tháng 6/2019, Thủ tướng nước chủ nhà Thái Lan Prayuth Chan-ocha cho biết các nhà lãnh đạo Đông Nam Á đồng lòng ủng hộ ý tưởng ASEAN cùng đăng cai Vòng chung kết Cúp bóng đá thế giới (World Cup) vào năm 2034.
Ngay sau đó, Chủ tịch Hiệp hội Bóng đá Thái Lan (FAT) Somyot Poompunmuang đã kêu gọi chính phủ nước này làm rõ các kế hoạch đồng chạy đua đăng cai World Cup với các nước láng giềng Đông Nam Á. 
Chủ tịch FAT Somyot cho biết ông đã trình kế hoạch chi tiết về tiến trình ứng cử lên Người phát ngôn chính phủ và nếu chính phủ nghiêm túc về điều này thì ông sẽ thảo luận với Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA).
Tuy nhiên, theo ông Somyot, việc tất cả 10 quốc gia thành viên ASEAN cùng đăng cai World Cup là điều không khả thi và chỉ có hai hoặc ba nước có thể làm được điều đó.
Trên thực tế, ý tưởng về việc đồng tổ chức World Cup không phải là điều mới mẻ. Trong gần 20 năm qua, Liên đoàn Bóng đá ASEAN (AFF) và các nhà chức trách thể thao ASEAN đã thăm dò khả năng tổ chức World Cup ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận vẫn chỉ ở cấp làm việc mà chưa có sự cho phép từ các nhà lãnh đạo. 
Năm 2009, cựu Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan cũng đề cập đến ý tưởng ASEAN chạy đua giành quyền đăng cai World Cup, coi đó như là một biện pháp nhằm thúc đẩy việc xích lại gần nhau của Cộng đồng ASEAN. Thế nhưng, ý tưởng này đã không nổi lên vì những điều kiện trong nước của các nước thành viên không được thuận lợi như hiện nay.
Theo nhà báo kỳ cựu Kavi Chongkittavorn chuyên về các vấn đề khu vực của tờ Bangkok Post, chỉ mất vài giây để thay đổi thực chất của cuộc thảo luận giữa Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai và Bộ trưởng thứ hai Bộ Ngoại giao và Thương mại Brunei Erywan Yusof trong cuộc họp song phương hôm 21/6.
Hai Bộ trưởng khi đó bàn về các biện pháp giảm chi phí cao của các dịch vụ chuyển vùng điện thoại di động tại ASEAN nhằm thúc đẩy liên lạc giữa nhân dân các nước và làm việc gì đó cùng nhau để thúc đẩy cộng đồng lấy người dân làm trung tâm. 
Trong khi đó, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh là người hăng hái nhất khi ông nhanh chóng loan báo về nguyện vọng mới của ASEAN. Trước khi các nhà lãnh đạo ASEAN họp vào sáng 23/6, mạng xã hội ở Việt Nam đã tràn ngập những dòng tít hoan nghênh từ các cổ động viên bóng đá khao khát về cú hích World Cup. 
Tại buổi họp kín ngày 23/6, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha chủ trì một cuộc thảo luận kéo dài 2 giờ. Trước khi ông Prayut bắt đầu cuộc thảo luận, vị trợ lý ngồi ngay phía sau đã đưa cho ông một mẩu giấy nhắc ông thuyết phục các đối tác thông qua việc chạy đua đăng cai World Cup 2034. 
Thậm chí ngay trước khi ông Prayut có thể kết thúc lời của mình, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã gật đầu và nhanh chóng đồng ý. 
Do đó, trong vòng vài giây, các nhà lãnh đạo ASEAN đã hoàn toàn nhất trí dấn thân vào một hành trình 15 năm của các nỗ lực chung để vận động và chuẩn bị cho một trong số những sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh. Không ngạc nhiên khi Việt Nam là một trong số những quốc gia có động lực đầu tiên. 
Tháng 12/2018, Việt Nam giành vị trí vô địch Suzuki Cup của Liên đoàn Bóng đá ASEAN (AFF) với chiến thắng trước Malaysia tại Hà Nội, và hiện nay nước này đứng thứ 97 trong bảng xếp hạng của FIFA - thành tích tốt nhất trong số các nước ASEAN.
Vào lúc này, ASEAN đã thịnh vượng và năng động hơn, do đó đề xuất World Cup đã được chấp thuận nhanh chóng và đồng lòng, thậm chí ngay cả khi sẽ có một mê cung các chi tiết và điều kiện cần được vạch ra.
Ngọc Quang (TTXVN tại Bangkok)

Có thể bạn quan tâm

Ông Nguyễn Văn Toàn (bìa phải) trong hành trình đạp xe xuyên Việt. Ảnh: L.V.N

Xuyên Việt bằng xe đạp ở tuổi lục tuần

(GLO)- Với những thanh niên khỏe mạnh, việc đạp xe xuyên Việt đã là thử thách rất lớn vì đòi hỏi thể lực, sức bền cùng sự quyết tâm. Thế nhưng, ông Nguyễn Văn Toàn (SN 1962, tổ 5, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa) đã làm được điều đó khi ở tuổi lục tuần.