Vẽ dự án 2.632 tỉ đồng rồi… "đắp chiếu"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Năm 2015, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai triển khai dự án nuôi bò công nghệ cao tại tỉnh Đắk Nông với tổng vốn hơn 2.600 tỉ đồng. Thế nhưng dự án “đầu voi” 2.632 tỉ đồng này đã nhanh chóng biến thành “đuôi chuột” khi điều chỉnh vốn xuống còn 100 tỉ đồng rồi “đắp chiếu”. Chưa dừng lại ở đó, dự án nuôi bò này cũng nhanh chóng bị đổ bể. Để rồi hiện nay chủ đầu tư lại bắt tay với doanh nghiệp nước ngoài thực hiện dự án chăn nuôi lợn C.P.

Dự án chăn nuôi bò công nghệ cao của Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai với 2 chuồng trại có quy mô rộng hàng nghìn mét vuông đã bị “tê liệt” hoàn toàn. Ảnh: bảo lâm
Dự án chăn nuôi bò công nghệ cao của Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai với 2 chuồng trại có quy mô rộng hàng nghìn mét vuông đã bị “tê liệt” hoàn toàn. Ảnh: bảo lâm
Dân thất vọng vì dự án... “ma”
Dự án chăn nuôi bò công nghệ cao của Cty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai được triển khai từ năm 2015 tại xã Quảng Phú, huyện Krông Nô. Đến ngày 14.1.2016 dự án này được UBND tỉnh Đắk Nông chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu với quy mô đàn bò hơn 33.000 con. Dự án được chia làm 2 giai đoạn, trên diện tích 1.500ha, tổng vốn 2.632 tỉ đồng (vốn chủ sở hữu chiếm 20%). Dự kiến đến tháng 10.2018 dự án sẽ hoàn thành việc đầu tư xây dựng hạ tầng, mua sắm máy móc, thiết bị, nhập bò và trồng cỏ để nuôi. Tuy nhiên, sau đó chủ đầu tư đã đột ngột đề xuất UBND tỉnh Đắk Nông cho dự án điều chỉnh giảm từ 33.000 con xuống còn 1.000 con bò sinh sản và bò giống. Với việc thay đổi quy mô này, tổng số vốn đầu tư cũng đã thay đổi, giảm xuống chỉ còn 100 tỉ đồng, diện tích đất còn gần 71ha.
Thực tế tại dự án chủ đầu tư đã xây dựng 2 chuồng trại với quy mô rộng hàng nghìn mét vuông. Thế nhưng, ở 2 chuồng trại này không có người làm việc, người quản lý… mọi hoạt động của trang trại đã bị “tê liệt” hoàn toàn.
Nhiều người dân địa phương cho biết, trước khi triển khai dự án, chủ đầu tư đã tuyên truyền, hứa hẹn với người dân sẽ sớm đưa dự án đi vào hoạt động. Việc triển khai dự án sẽ tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân địa phương. Thế nhưng đây chỉ là một “chiếc bánh vẽ” của nhà đầu tư.
Nhiều người dân ở xã Quảng Phú cho rằng, trước khi làm dự án, chủ đầu tư đã phổ biến, hứa hẹn với bà con sẽ tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Những ngày đầu, mặc dù bị mất đất sản xuất nhưng người dân nơi đây mong muốn dự án nhanh đi vào hoạt động có hiệu quả. Như vậy, người dân nơi đây sẽ có cơ hội tìm được công ăn việc làm ổn định. Thế nhưng, sau 3 năm triển khai, chủ đầu “đắp chiếu” dự án. Điều này khiến nhiều người dân nghèo ở xã Quảng Phú “tiến thoái lưỡng nan” khi vừa mất đất đai vừa chẳng có công ăn việc làm…
Theo ông Y Răng - một người dân nghèo ở xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, chẳng những dự án không thực hiện như cam kết như ban đầu mà ngay cả việc thu hồi đất cũng còn nhiều điều đáng băn khoăn. Phần lớn diện tích đất đai bị thu hồi thực hiện dự án nuôi bò đều là đất do người dân tự khai hoang để phát triển sản xuất. Một số người dân khác đến sau thì mua đất của những người khai hoang trước đây để phát triển kinh tế. Thế nhưng, khi triển khai dự án, người dân chỉ được hỗ trợ bình quân 5 triệu đồng/ha. Sau khi lấy đất, nhiều năm nay chủ đầu tư dự án đã không nuôi bò. Thậm chí đất thì bỏ hoang trong khi người dân địa phương thì không có đất sản xuất, đói nghèo...
Dự án một đường… triển khai thành một nẻo
Chia sẻ về dự án nuôi bò ở địa phương bị đổ bể, lãnh đạo UBND huyện Krông Nô thừa nhận từ những ngày đầu triển khai dự án đã gặp nhiều khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng. Vì vậy, quy mô thu hồi đất ban đầu là 1.500ha nhưng chỉ thu được 71ha. Cũng có thể chủ đầu tư còn gặp khó về tài chính nên dự án không thể triển khai đúng tiến độ.
Cũng theo lãnh đạo huyện Krông Nô, số tiền 5 triệu đồng là số tiền doanh nghiệp hỗ trợ cho người dân. Về nguồn gốc đây là đất của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Đức chuyển về cho địa phương quản lý sử dụng. Thời gian qua người dân đã xâm xâm canh trái phép diện tích đất này.
Theo ông Trần Cao Châu - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn Đức Long Gia Lai, vừa qua đơn vị đã phối hợp với Tập đoàn chăn nuôi C.P. (Thái Lan) để chăn nuôi heo nái, heo con… trên diện tích đất dự án đang bỏ hoang.
Quy mô dự án mới sẽ nuôi 110.000 con/năm với tổng vốn 254 tỉ đồng, chia làm 3 giai đoạn từ nay đến năm 2026. Giai đoạn 1 dự án sẽ nuôi 2.400 con heo nái sinh sản và 24.000 con heo thịt... và dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ tháng 1 đến 6.2022.
Về hình thức triển khai, ông Châu cho biết, sẽ xây mới hoàn toàn chuồng trại để nuôi heo và đều do C.P. đầu tư, triển khai. Đức Long Gia Lai sẽ “góp vốn” bằng quyền sử dụng đất của dự án đã được UBND tỉnh Đắk Nông giao.
BẢO LÂM (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.