Ứng dụng du lịch an toàn: Nâng cao hình ảnh Việt Nam với quốc tế

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Ứng dụng giúp du khách tìm kiếm thông tin về các điểm đến an toàn, tương tác với đơn vị cung ứng dịch vụ, đưa ra đánh giá, phản hồi tức thì. Qua đó nâng cao hình ảnh Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Ứng dụng
Ứng dụng "Du lịch Việt Nam an toàn" tích hợp nhiều tính năng cần thiết. (Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn)
Tổng cục Du lịch và Tổng cục Quản lý thị trường vừa ký kết Quy chế phối hợp trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, hỗ trợ tiếp nhận phản hồi và xử lý phản hồi của khách du lịch vào sáng nay (30/10), tại Hà Nội.
Tại sự kiện, ban tổ chức cũng giới thiệu và hướng dẫn trải nghiệm Ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” với ưu điểm nổi bật là các tính năng kết nối liên thông giữa du khách, đơn vị cung ứng dịch vụ và cơ quan quản lý nhà nước.
Thông qua ứng dụng này, du khách có thể tìm kiếm thông tin về các điểm đến an toàn, tương tác với đơn vị cung ứng dịch vụ, đưa ra đánh giá, phản hồi, giúp cơ quan chức năng tiếp nhận và xử lý kịp thời khi có sự việc phát sinh.
Trước đó, Tổng cục Du lịch và Tổng cục Quản lý thị trường cùng các cơ quan liên quan đã có những hoạt động phối hợp triển khai một số ứng dụng công nghệ số theo mô hình tiên tiến của thế giới như “Thẻ Việt-Một thẻ quốc gia,” ứng dụng “Du lịch Việt Nam,” “Hướng dẫn Du lịch Việt Nam,” “Du lịch Việt Nam an toàn”...
Nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của từng cơ quan trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, lấy khách du lịch làm trọng tâm và góp phần nâng cao vị thế của Du lịch Việt Nam trên trường quốc tế, hai đơn vị trên thống nhất nội dung phối hợp chủ yếu tập trung vào: Thống nhất trao đổi thông tin, tài liệu, dữ liệu về các phương thức, thủ đoạn hoạt động xâm phạm quyền lợi của khách du lịch; phối hợp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, hỗ trợ tiếp nhận phản hồi và xử lý phản hồi của khách du lịch; chú trọng xây dựng, phát triển ứng dụng dùng chung trên nền tảng số và công nghệ tiên tiến để có thể tiếp nhận phản hồi và xử lý phản hồi của khách du lịch...

Du khách trải nghiệm du lịch tại chỗ trên các nền tảng mới. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Du khách trải nghiệm du lịch tại chỗ trên các nền tảng mới. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Lãnh đạo ngành đánh giá việc ký kết quy chế phối hợp giữa Tổng cục Du lịch và Tổng cục Quản lý thị trường là dấu mốc quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh và bảo vệ quyền lợi của khách du lịch ở Việt Nam
Theo thông tin từ Tổng cục Du lịch, du lịch Việt trong 5 năm qua đã có bước tăng trưởng đột phá cả về khách quốc tế (tăng 2,3 lần), khách nội địa (tăng 1,5 lần), tổng thu từ khách du lịch (tăng 2,2 lần), du lịch đóng góp trực tiếp khoảng 9,2% GDP.
Song song với đó, trước thời điểm bùng phát dịch bệnh COVID-19, ngành du lịch đã và đang nỗ lực chuyển từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, chú trọng chất lượng, hiệu quả. Trong đó, việc bảo đảm quyền lợi, nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch luôn là một trong những mục tiêu hàng đầu. Tiến bộ vượt bậc cả về lượng và chất, du lịch Việt Nam đã vinh dự nhận được những giải thưởng quốc tế uy tín tầm khu vực và thế giới.
Mặc dù vậy, ở một số nơi vẫn xảy ra tình trạng khách du lịch bị ép giá, lừa đảo, quảng cáo không đúng với chất lượng sản phẩm, dịch vụ thực tế, mất vệ sinh an toàn thực phẩm…
Những sự việc xảy ra dù đơn lẻ nhưng để lại hậu quả xấu, ảnh hưởng lớn đến ấn tượng của du khách trong hành trình trải nghiệm Việt Nam, làm giảm uy tín, thương hiệu của du lịch Việt Nam.
Trước thực tế đó, lãnh đạo ngành du lịch khẳng định, Với vị trí là một ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng cao, ngành du lịch đã và đang tăng cường phối hợp với các địa phương và các cơ quan chức năng để xử lý những vấn đề phát sinh, bảo vệ quyền lợi chính đáng của khách du lịch, nâng cao chất lượng phục vụ du khách.
Ký kết Quy chế phối hợp trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số là một trong những hành động triển khai Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 11/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2014-2020;
Quyết định số 1671/QĐ-TTg ngày 30/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt “Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025” và thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
M.Mai (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Mãn nhãn cùng hội hoa dã quỳ Chư Đang Ya

Mãn nhãn cùng hội hoa dã quỳ Chư Đang Ya

(GLO)- Qua 3 ngày đầu diễn ra với nhiều chương trình ý nghĩa (từ ngày 8 đến 10-11), Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya 2024 để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách về một vùng đất, một loài hoa đã góp phần làm nên biểu tượng của du lịch Gia Lai.