(GLO)- Đó là trụ sở của Báo Gia Lai tại TP. Pleiku từ giữa năm 1982 đến nay. Nơi đây bao thế hệ những người làm báo đã đóng góp công sức cho tờ báo Đảng địa phương không ngừng phát triển, xứng đáng là cơ quan của Đảng bộ tỉnh và là tiếng nói của nhân dân các dân tộc Gia Lai.
Ảnh: Đức Thụy |
Năm 1991, tỉnh Gia Lai-Kon Tum tách thành 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum, báo cũng tách theo. Một số cán bộ, phóng viên tăng cường lên Kon Tum làm bộ khung như: Võ Tấn Long (Phó Tổng Biên tập lên làm Tổng Biên tập), Lê Văn Thiềng (Trưởng phòng lên làm Phó Tổng Biên tập), Bùi Quang Vinh, Hà Xuân Vinh, Nhật Hằng, Nhật Chánh… Số còn lại khá mỏng gồm: Trần Liễm (Tổng Biên tập), Đặng Thu Hà (Phó Tổng Biên tập), Phan Văn Hòa, Lê Hoàng Trung, Lê Thị Minh, Trần Văn Nghĩa, Nguyễn Đức Thanh (P.V ảnh), Phạm Văn Thư… Thời gian sau thêm Hoàng Anh Phượng đi học về rồi cơ quan tiếp tục nhận Lê Bá Tuế bên Tỉnh đoàn sang, Quốc Ninh từ Thanh Hóa chuyển vào, Ngọc Tấn mãn hạn tăng cường ở huyện Chư Prông lên, Nguyễn Chương, Nguyễn Thịnh, Lương Văn Danh vừa tốt nghiệp Đại học Sư phạm Quy Nhơn…
Tôi được anh Trần Liễm quyết định nhận về đúng vào thời điểm này. Bấy giờ, Báo Gia Lai chỉ xuất bản tuần 2 kỳ nhưng do thiếu phóng viên nên lắm lúc cũng phải “đuối” tin, bài. Có thuận lợi là báo có xí nghiệp in nên chủ động được khâu xuất bản, tuy nhiên do còn in ti-pô nên công nhân làm việc khá vất vả, nhất là công đoạn sắp chữ. Họa sĩ cũng vất vả không kém, đếm dòng đếm cột rồi mới lên ma-két, sao cho lắp vừa với khổ báo để dễ vào khuôn in, thiếu chỗ nào lại lèn ảnh kẽm vào. Những năm ấy, anh em đều phải viết tay, chừa lề khá rộng dành chỗ cho biên tập. Ban Biên tập duyệt xong mới chuyển sang cho văn thư đánh máy.
Đã vào đầu những năm 90 thế kỷ trước, qua 5 năm đất nước đổi mới song đời sống của cán bộ phóng viên Báo Gia Lai bấy giờ vẫn còn khá thiếu thốn. Số có xe máy đếm được trên bàn tay mà cũng chỉ là xe cà tàng, phần lớn anh em đi công tác đều bằng xe đò, lâu lâu cơ quan mới tổ chức một chuyến đi chung bằng xe Uoat, thả xuống mỗi huyện vài người. Phóng viên như tôi lúc ấy hưởng mức lương 374 phải viết vượt 100 điểm mới có thêm nhuận bút, mỗi điểm trị giá 1 ngàn đồng, bài viết tốt khoảng 18-20 điểm, còn tin chừng 3-5 điểm. Hàng tháng chạy vắt giò lên cổ để đạt được định mức đã khó, nói chi đến vượt…
Ảnh: Đức Thụy |
Khó khăn là vậy song chính giai đoạn này lại có nhiều bài báo được dư luận đặc biệt quan tâm và đã tạo ra được lực cộng hưởng của xã hội. Tiêu biểu như các tác phẩm: “Có một lãnh chúa ở nông trường Ia Grai” của Thanh Phong, “Tôi đại học, anh đại học, nó đại học” của Ngọc Tấn, “Thương lắm Kông Chro” của Quốc Ninh-Duy Danh…
Một phần tư thế kỷ đã qua, ngôi nhà số 2A cũng có nhiều đổi thay. Năm 1993, anh Trần Liễm được tỉnh điều lên làm Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Gia Lai, chú Phạm Thượng Ký là Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về làm Tổng Biên tập. Năm này một sự kiện được anh em và bạn đọc hân hoan chào đón là Báo Gia Lai chuyển sang in offset, in tại Quy Nhơn, tuy nhiên vẫn còn nhiêu khê lắm. Còn nhớ ngày khởi công xây dựng công trình thủy điện Ia Ly, ngay trưa hôm ấy tôi phải đọc qua điện thoại (bàn) cho anh Trần Minh Hùng nhân viên Báo Gia Lai đang ở tại Xí nghiệp In Bình Định ghi âm bản tin rồi đến chiều lại đi xe đò mang mấy tấm ảnh xuống để kịp làm chế bản in số hôm sau (những công việc này bây giờ chỉ cần ngồi một chỗ nhấn nút enter là xong). Rồi chú Phạm Thượng Ký nghỉ hưu, chị Đặng Thu Hà lên làm Tổng Biên tập, cho ra tờ nguyệt san. Trụ sở cơ quan trước đó cũng được nâng cấp.
Năm 1998, chị Đặng Thu Hà theo chồng chuyển ra Hà Nội. Anh Nguyễn Phi Yến-Phó Chánh Văn phòng Tỉnh ủy về làm Tổng Biên tập. Giai đoạn này báo đã tăng lên 3 kỳ/tuần và cho ra tờ cuối tuần in màu. Năm 2001, anh Yến chuyển đi làm Bí thư Huyện ủy Đức Cơ, anh Đoàn Minh Phụng-Bí thư Huyện ủy Chư Sê về làm Tổng Biên tập cho đến nay. Khá nhiều sự kiện trong giai đoạn này: Tờ báo ảnh ba thứ tiếng được xuất bản năm 2002 và 7 năm sau tiếp tục ra mắt tờ Gia Lai điện tử, báo tăng lên 6 kỳ/tuần. Trụ sở cơ quan được xây mới, ba tầng, khang trang hơn trước nhiều.
Từ ngôi nhà 2A nhiều cánh chim đã rời tổ vươn cánh bay xa hơn. Lê Hoàng Trung và Lê Bá Tuế sang công tác chuyên trách ở Hội Nhà báo Gia Lai. Phan Hòa lên Phó Tổng Biên tập rồi chuyển sang Báo Nhân Dân, Lê Minh và sau đó là Ngọc Tấn sang Báo Nông thôn Ngày nay, Hoàng Anh Phượng sang Báo Công thương, Nguyễn Chương qua Tuổi Trẻ, Trần Đăng Lâm sang Báo Nông nghiệp, Nguyễn Thịnh và Đặng Trung Kiên chuyển Báo Lao Động, Trần Hiếu sang Thanh Niên… Có thể nói, Báo Gia Lai đã cung cấp cho nhiều cơ quan báo chí trong cả nước những nhà báo từng được bồi dưỡng, trui rèn ở ngôi nhà số 2A Hoàng Văn Thụ và ở môi trường mới họ luôn phát huy tốt tố chất của mình. Báo cũng không ngừng bổ sung lực lượng mới, trẻ hơn và cũng không kém năng nổ, thay thế dần những người đã rút về tuyến sau hoặc đã nghỉ hưu.
Gần 25 năm làm việc ở Báo Gia Lai, với tôi đó là chuỗi thời gian ăm ắp nhiều kỷ niệm. Dường như vẫn còn đây hàng xoài rợp bóng mát, cây mận cao bên hông nhà cũ trĩu quả đỏ đu đưa. Như vẫn nghe tiếng lách cách máy chữ trong căn phòng nào đó vọng ra…
Thanh Phong