Từ cây dại đến đặc sản đất thép Củ Chi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Rau móp là loài cây dại còn khá xa lạ với nhiều người dân TP.HCM nhưng đang trở thành nguồn thu chính, xóa đói giảm nghèo cho rất nhiều hộ gia đình tại xã Trung An, huyện Củ Chi.

Bỏ cây ăn trái để trồng cây dại

Rau móp (còn gọi là móp gai) vốn là một loại cây nước hoang dại thường mọc ở các bờ mương, kênh rạch, rất dễ sinh trưởng và phát triển tốt ở những chỗ nước đọng nhưng không sâu, nhiều bùn, mọc tập trung thành từng đám. Với địa hình đặc thù nằm dọc theo sông Sài Gòn, khu vực xã Trung An, huyện Củ Chi là nơi lý tưởng cho rau móp sinh sôi và phát triển. Trước đây, kinh tế chủ yếu của bà con nơi đây là nuôi heo, nuôi bò, trồng khoai mì (củ sắn) và cây ăn trái. Họ chỉ sử dụng rau móp để làm gỏi, muối chua hay xào nấu đổi món cho những bữa cơm hằng ngày.

 

Rau móp trở thành nguồn thu chính của nhiều hộ dân ở Củ Chi.
Rau móp trở thành nguồn thu chính của nhiều hộ dân ở Củ Chi.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, khi ngày càng có nhiều người biết đến, ưa chuộng, loài rau dại này dần xuất hiện tại các khu chợ nhỏ trong xã, được thương lái thu mua chở về chợ đầu mối, đưa vào các nhà hàng trong khu vực huyện thì người dân trong xã đã đào mương, xen canh rau móp cùng các loại cây ăn trái, thậm chí chuyển hẳn sang canh tác chính loại rau này.

Nhà bà Trần Ngọc Sinh (ấp An Hòa) có gần 2 ha đất vườn trồng cây ăn trái như mít, chôm chôm… Phần đường mương thoát nước bỏ không, bà cải tạo lại, trồng rau móp để tăng thêm thu nhập. Sau hơn 1 năm, giờ rau móp lại là nguồn thu chính của gia đình bà. Theo bà Sinh, rau móp không cần chăm sóc, tưới, bón phân hằng ngày nên công bỏ ra rất ít. Trong khi đó, thương lái đến tận nhà mua rau với giá trung bình 20.000 - 25.000 đồng/kg. Cứ 4 ngày thu hoạch 1 lần, mỗi lần khoảng 50 - 60 kg, trừ tiền thuê nhân công hái rau, bà Sinh kiếm thêm được cả chục triệu mỗi tháng từ rau móp.

Cách ấp An Hòa không xa, ấp Bốn Phú tập trung nhiều hộ trồng rau móp nhất xã. Nhà ông Hồ Văn Hoàn là một trong những hộ có diện tích đất trồng rau móp lớn nhất ấp. 6 ha đất trước đây trồng lúa nhưng do sâu bọ nhiều, thu nhập thấp nên ông Hoàn chuyển qua trồng rau móp. “Trồng rau móp “khỏe” hơn trồng lúa nhiều, chỉ nhặt cỏ sạch rồi cứ 4 ngày lại thuê người đến hái, thương lái sẽ đến tận nhà mua. Rau móp hái xong lại lên liên tục nên không lo làm lại vườn”, ông Hoàn cho biết và khoe vườn móp của gia đình đạt năng suất cao hơn các hộ khác, chất lượng rau cũng tốt hơn, giá ổn định thấp nhất là 25.000 đồng/kg bán tại vườn. “Ở khu này giờ ai cũng thích trồng rau móp, không phải mất nhiều công chăm sóc mà thu nhập lại ổn định, đều đều cứ 4 ngày lại có tiền tiêu”, ông Hoàn chia sẻ.

Xây dựng thương hiệu đặc sản Củ Chi

Mặc dù là loại rau sạch và mang tiềm năng kinh tế lớn nhưng rau móp hiện nay vẫn chưa được nhiều người biết đến. Thị trường tiêu thụ chủ yếu trên địa bàn huyện và vùng lân cận, chưa phát triển rộng trên toàn TP và các tỉnh thành. Bên cạnh đó, quy mô trồng và sản xuất rau móp còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa có sự tập trung và liên kết với nhau.

Những hộ gia đình đã, đang trồng rau móp thì chưa nắm được các kỹ thuật chăm sóc cơ bản, nói cách khác vẫn trồng theo kiểu rau dại. “Rau móp rất dễ sống nhưng vào mùa mưa, sâu bệnh sinh sôi nảy nở, người dân vẫn chưa biết cách nào để xử lý, chỉ biết xịt thuốc trừ sâu, cách ly đúng thời hạn như với các loại cây công nghiệp khác. Sản lượng rau móp thu hoạch được cũng vì thế mà giảm hẳn”, ông Trần Trung Hiếu, Phòng Kinh tế huyện Củ Chi, nhìn nhận.

Cũng theo ông Hiếu, từ thực tế trên, huyện xúc tiến thành lập hợp tác xã, đại diện cho người dân làm việc với các chợ đầu mối, những nơi tiêu thụ để đảm bảo nguồn ra ổn định. “Mục tiêu là thành lập một thương hiệu, nhãn hiệu riêng cho rau móp, đưa vào hệ thống các siêu thị, nhà hàng lớn tại TP, để rau móp trở thành thương hiệu, đặc sản của Củ Chi”, ông Hiếu nói.

 

Cây xóa đói giảm nghèo

Không chỉ giúp các hộ dân nâng cao thu nhập, ngày càng khá giả, rau móp còn góp phần không nhỏ trong quá trình xóa đói giảm nghèo ở địa phương nhờ tạo công ăn việc làm cho một lượng lớn nhân công đi thu hoạch, chăm sóc rau móp. Hiện trong xã có khoảng 300 người thuộc diện xóa đói giảm nghèo thường đi hái rau móp thuê. Bình quân thù lao 300.000 - 400.000 đồng/buổi, mỗi tuần 1 hộ thuê 2 lần, chỉ cần chịu khó “chạy” 2 - 3 hộ là cũng đủ nuôi cả gia đình.

Hỗ trợ cho mục tiêu của huyện, đồng thời thực hiện Quyết định 2277 của Bộ NN-PTNT phê duyệt đề cương đề án "Chương trình quốc gia - Mỗi xã một sản phẩm" giai đoạn 2017 - 2020, Sở KH-CN TP.HCM cho biết đã cùng Phòng Kinh tế H.Củ Chi, UBND xã Trung An nghiên cứu tại các vùng canh tác rau móp trên địa bàn. Sở đã lập kế hoạch từ năm 2018 triển khai ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm và phát triển thương hiệu rau móp Củ Chi. Song song đó là hình thành hợp tác xã sản xuất rau móp, xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm, xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất, tiêu chuẩn cơ sở, đào tạo, tập huấn cho nông dân về ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm rau móp. Trên cơ sở đó kết nối với các doanh nghiệp để hỗ trợ nông dân mở rộng thị trường, thu hút nhiều nhà đầu tư để phát triển sản xuất và kinh doanh.

Hà Mai/thanhnien

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.