Tránh sai lầm gây hại cho gan

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Không chỉ lạm dụng rượu hay nhiễm độc hóa chất, ngay cả việc giải độc gan không đúng cách cũng khiến sức khỏe của gan bị đe dọa.

Tự điều trị bằng thảo dược không rõ nguồn gốc có thể gây nhiễm độc gan
Tự điều trị bằng thảo dược không rõ nguồn gốc có thể gây nhiễm độc gan



Xơ gan, nhiễm độc gan

Theo TS Vũ Trường Khanh - Trưởng khoa Tiêu hóa (Bệnh viện Bạch Mai), năm 2016, khoa này điều trị hơn 3.000 trường hợp xơ gan, trong đó nguyên nhân là rượu ước chiếm đến 60%. Có những trường hợp gan bị xơ đến 90% không còn khả năng phục hồi. Vào điều trị tại khoa tiêu hóa, bệnh nhân N.X.H (40 tuổi, ở Hà Nội) được chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản độ 3, xơ gan do rượu. Trước khi nhập viện, ông N.X.H uống rượu thường xuyên và bị nôn ra máu. Tương tự, bệnh nhân V.G.H (66 tuổi, ở Hưng Yên) cũng nhập viện với tình trạng thiếu máu do xuất huyết tiêu hóa, xơ gan do rượu.

Tại trung tâm chống độc của BV Bạch Mai cũng ghi nhận các trường hợp viêm gan, suy gan cấp do ngộ độc thuốc, nhiễm độc hóa chất.

Giảm tải cho “nhà máy hóa chất”

 

"Nhiều vị thuốc nam được người cung cấp sử dụng diêm sinh (lưu huỳnh) bảo quản. Chất này chống được nấm mốc cho các vị thuốc nhưng cũng là nguồn gây độc cho người dùng, mà gan là một trong những nơi chịu tác động đầu tiên, từ đó có thể dẫn đến viêm gan"-Bác sĩ Yên Lâm Phúc (Học viện Quân y)

Bác sĩ Yên Lâm Phúc (công tác tại Học viện Quân y) cho hay gan là nền tảng cho cơ thể sống với các chức năng quan trọng, trong đó có chức năng tiêu hóa thức ăn. Các thức ăn cung cấp đạm (thịt bò, heo) khi vào cơ thể được gan tổng hợp và chuyển hóa thành chất bổ “bồi đắp” cho hệ cơ vững chắc. Cơ thể có chất độc nội sinh (là các chất thải ra trong quá trình chuyển hóa) và chất độc ngoại sinh (do sử dụng rượu bia, thuốc lá, thực phẩm ô nhiễm hóa chất…). Để làm sạch độc chất cho cơ thể, gan thải độc bằng cách biến chất độc thành chất không độc. “Nhưng cần lưu ý, khả năng này chỉ có giới hạn, vì nếu chúng ta đưa vào quá nhiều chất gây độc (ví dụ như lạm dụng rượu bia) thì gan sẽ quá tải, dẫn đến viêm và suy yếu”, bác sĩ Phúc lưu ý.

Theo bác sĩ Phúc, thông thường gan có cơ chế tái tạo tế bào, nhưng khi gan viêm quá mức do nhiễm độc nặng, phần tái tạo tế bào gan không đủ bù đắp phần hư hỏng sẽ dẫn đến suy gan. Suy gan là khi chức năng gan không thể đảm bảo được tình trạng sống tối thiểu cho cơ thể, các độc chất tồn đọng, không được lọc thải ra khỏi cơ thể.

Bác sĩ Phúc khuyên: “Để giúp cho gan - “nhà máy hóa chất” trong cơ thể khỏe mạnh, mỗi người cần có thói quen tốt bảo vệ gan bằng cách: tránh thực phẩm chứa chất béo để tránh gan nhiễm mỡ; hạn chế thấp nhất thực phẩm chứa cholesterol vì đó là nguy cơ gây sỏi cholesterol, gây ứ mật. Tránh nhiễm độc cho gan bằng cách bỏ thuốc lá, không lạm dụng rượu bia. Sử dụng thuốc an toàn hợp lý, tăng cường thực phẩm từ rau quả”.

Không tùy tiện thải độc

Đặc biệt, bác sĩ Phúc lưu ý không tùy tiện mua, uống nước sắc từ các cây lá thảo dược để thải độc gan, làm mát gan. Những cây cỏ hoặc các sản phẩm không đảm bảo chất lượng thì tác dụng chưa thấy mà đã xuất hiện viêm gan, vàng da, vàng mắt sau thời gian tự điều trị.

Theo bác sĩ Phúc, tự điều trị bằng thảo dược không rõ nguồn gốc có thể bị nhiễm độc do một số thảo dược, vị thuốc có chứa độc tố và nhiễm độc do hóa chất bảo quản thảo dược đó gây nên. “Nhiều vị thuốc nam được người cung cấp sử dụng diêm sinh (lưu huỳnh) bảo quản. Chất này chống được nấm mốc cho các vị thuốc nhưng cũng là nguồn gây độc cho người dùng, mà gan là một trong những nơi chịu tác động đầu tiên, từ đó có thể dẫn đến viêm gan”, bác sĩ Phúc nhấn mạnh.

TS Vũ Trường Khanh cho biết thêm, việc sử dụng rượu ngâm thảo dược, “rượu thuốc” không rõ nguồn gốc không những không giúp tăng cường sức khỏe mà có thể là nguy cơ gây ngộ độc, viêm gan cấp do không kiểm soát được các chất có trong các “thuốc bổ” ngâm rượu.

Liên Châu (Thanhnien)

Có thể bạn quan tâm