(GLO)- Ngày 14-11, tại TP. Pleiku, Hội Đông y tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học “Dược liệu Gia Lai thực trạng và định hướng tạo sản phẩm từ dược liệu; cách sử dụng dược liệu trên cơ sở khoa học”.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Như Nguyện |
Hội thảo có sự tham dự của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Vũ Khánh-Cục trưởng Cục Quản lý Y Dược cổ truyền (Bộ Y tế); lãnh đạo các viện, trường, bệnh viện ở Trung ương; Hội Đông y 5 tỉnh Tây Nguyên; Hội Đông y một số tỉnh Tây Nam bộ; đại diện các sở, ban, ngành, Hội Đông y và hội viên trong tỉnh.
Theo thống kê, Gia Lai có khoảng 573 loài cây dược liệu quý hiếm, có giá trị, được sử dụng rộng rãi, có tiềm năng lớn để phát triển trở thành sản phẩm chủ lực, góp phần trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế-xã hội. Các vùng trọng điểm về dược liệu trên địa bàn tỉnh gồm: Kbang, Đak Đoa, An Khê, Chư Sê, Chư Pưh… Tuy nhiên, đứng trước sự khai thác tràn lan, mang tính tự phát, chưa có kế hoạch bảo tồn và nhân rộng, nguồn tài nguyên dược liệu tự nhiên đang ngày càng cạn kiệt, trữ lượng suy giảm, nhiều loài đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Tại hội thảo, đại biểu đã có một số tham luận đánh giá về thực trạng dược liệu ở Gia Lai nói riêng, cả nước nói chung; tình hình khai thác và sử dụng dược liệu; phát triển cây dược liệu và sản phẩm từ dược liệu… Hội thảo cũng dành nhiều thời gian để thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm trong việc sử dụng dược liệu phục vụ chữa bệnh, đồng thời đề xuất giải pháp phát triển dược liệu bền vững trong thời gian tới.
Như Nguyện