(GLO)- Cùng với tình trạng khai thác lâm sản trái phép, nạn xâm chiếm, phá rừng lấy đất sản xuất là 2 vấn đề nổi cộm nhất trong công tác quản lý bảo vệ rừng ở tỉnh ta hiện nay.
Liên tiếp xảy ra phá rừng
Những tháng đầu năm 2016, tình trạng phá rừng, xâm chiếm rừng lấy đất sản xuất liên tiếp xảy ra tại các lâm phần thuộc các ban quản lý rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh.
Vào ngày 21-2, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND huyện Ia Grai, lực lượng quản lý bảo vệ rừng của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Ia Grai và các đơn vị liên quan đã tiến hành tuần tra và phát hiện 1 vụ phá rừng trái phép tại lô 2 khoảnh 5 tiểu khu 292 thuộc khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn. Tại đây, 2 vợ chồng Kpă Thuận và Siu Liu (trú tại làng Jăng Krái 2, xã Ia Khai, huyện Ia Grai) đã dùng cưa máy cắt hạ 54 cây cầy, bình linh, bằng lăng, thành ngạnh thuộc rừng tự nhiên, đường kính từ 10 cm đến 35 cm, diện tích phá mở rộng gần 5 sào.
Đến ngày 14-3, cũng qua tuần tra, lực lượng chức năng đã phát hiện vụ phá rừng tại tiểu khu 290 của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Ia Grai. Đương sự phá rừng là Ksor Leh và vợ Puih Hồng (trú tại làng Ó, xã Ia Krái, huyện Ia Grai). Diện tích rừng bị phá gần 6 sào cũng thuộc rừng tự nhiên. Lực lượng chức năng đã lập hồ sơ cả 2 vụ phá rừng trên chuyển qua Công an huyện Ia Grai để điều tra, truy tố.
Tại huyện Chư Prông, vào giữa tháng 3, qua công tác kiểm tra, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Púch cũng phát hiện 8 hộ dân ở làng Goong, xã Ia Púch kéo nhau vào 2 tiểu khu 930 và 933 thuộc Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Púch phá hơn 1 ha rừng lấy đất sản xuất. Đây là diện tích rừng sản xuất đã bàn giao cho Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai để chuyển mục đích đất rừng sang trồng cao su theo chủ trương của Chính phủ.
Thủ đoạn ngày càng tinh vi
Tình trạng phá rừng lấy đất sản xuất đã và đang diễn ra thường xuyên. Nhiều vụ vi phạm đã được các đơn vị chủ rừng phát hiện và báo cáo kịp thời về Sở Nông nghiệp và PTNT, chính quyền địa phương chỉ đạo xử lý hoặc chuyển qua Công an địa phương củng cố hồ sơ để truy tố nhưng tính chất răn đe chưa cao. Điển hình như tại Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Púch, năm 2015, đơn vị đã chuyển 3 vụ phá rừng trái phép cho các ngành chức năng khởi tố để răn đe, giáo dục nhưng tình trạng xâm chiếm đất rừng vẫn còn tiếp diễn và diễn biến ngày càng phức tạp.
Tình trạng xâm chiếm đất rừng để lấy đất sản xuất ngày càng nghiêm trọng, diện tích ngày càng lớn, thủ đoạn phá rừng ngày càng tinh vi. Nếu lực lượng quản lý rừng không đông người, không có phương tiện hỗ trợ thì người dân chạy vào rừng trốn, không thể bắt được. Cộng thêm địa hình đồi núi chia cắt rất khó cho công tác quản lý bảo vệ rừng của các đơn vị chủ rừng.
Ngoài việc các đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi thì trách nhiệm của cán bộ quản lý rừng cũng cần nói đến. 2 vụ phá rừng liên tiếp tại xã Ia Krái diễn ra gần chốt cửa rừng của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Ia Grai nhưng chậm phát hiện và ngăn chặn kịp thời; diện tích rừng bị phá lớn. Ông Nguyễn Trường Hải-Trưởng ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Ia Grai cho biết: Sau khi sự việc xảy ra, đơn vị cũng đã kiểm điểm cho nghỉ việc ông Lê Văn Duẩn-Trạm trưởng của chốt cửa rừng xã Ia Krái.
Anh Khoa