LTS: Một hình thức cho vay kiểu “tín dụng đen” đang vươn vòi bạch tuộc len lỏi khắp các buôn làng trên địa bàn tỉnh. Nhiều hộ dân tộc thiểu số nghèo trót vay tiền, ứng phân bón, gạo… đã vô tình rơi vào “ma trận” của các chủ nợ. Từ đây, lãi mẹ đẻ lãi con, không ít gia đình rơi vào cảnh khốn cùng khi bị siết mất bò, lừa mất đất sản xuất… Chuyện thật như đùa này đang diễn ra tại nhiều buôn làng dân tộc thiểu số ở Gia Lai.
Chỉ vì vướng vào “ma trận” cho vay của các chủ nợ, hàng ngàn hộ dân tộc thiểu số vốn đã nghèo nay lại thêm trắng tay khi mảnh đất sản xuất cuối cùng của họ cũng bị đem ra gán nợ. Tình trạng này đang “nóng” tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh như Krông Pa, Ia Pa, Chư Sê, Kbang…
Theo thống kê chưa đầy đủ, tại huyện Ia Pa có 52 đầu mối cho vay và 2.250 hộ đồng bào dân tộc thiểu số vay với số tiền khoảng 33 tỷ đồng, lãi suất 5%/tháng; huyện Krông Pa cũng có gần 100 đầu mối cho vay với lãi suất từ 3 đến 5%/tháng và số hộ đồng bào dân tộc thiểu số vướng vào “tín dụng đen” cũng không hề nhỏ…
Món nợ truyền đời
Trời nắng như đổ lửa. Giữa cánh đồng buôn Liết (xã Chư Đrăng, huyện Krông Pa) mênh mông có một căn chòi rẫy bé xíu, rách nát nằm trơ trọi. Bên trong, đôi vợ chồng trẻ Ksor Tep-Nay H’Thoa (buôn Đúc, xã Chư Gu) đang chuẩn bị bữa ăn trưa muộn. Đó là một nồi cơm trắng, chén muối ớt giã, vài con cá khô bằng ngón tay, gần đó là 2 chai nước mới lấy từ suối còn đục ngầu. Không có đất sản xuất, nhà cũng chẳng có, 2 vợ chồng đành ở tạm bợ nơi chòi rẫy đang làm thuê.
Đôi vợ chồng trẻ Nay H'Thoa-Ksor Tep hàng ngày phải đi làm thuê trên chính mảnh đất mà ông bà mình đã gán cho chủ nợ để trừ nợ. Ảnh: M.T |
Nay H’Thoa 23 tuổi, “bắt” chồng được gần 2 năm. Theo phong tục bao đời của người Jrai, mảnh đất, con bò hay căn nhà… là những tài sản quý giá mà cha mẹ cho con khi lập gia đình. Thế nhưng, với Nay H’Thoa, những thứ ấy chỉ là mơ ước quá xa vời. Câu chuyện bắt nguồn từ việc ông bà H’Thoa vay phân bón trồng mì, nợ tiền cày đất, vay gạo ăn chờ đến mùa thu hoạch. Cứ đến cuối vụ, thu được bao nhiêu mì chủ nợ đến chở về hết nhưng mãi không trừ được nợ. Tiền vay gốc cộng tiền lãi cứ thế tăng lên theo cấp số nhân, ông bà H’Thoa chết rồi mà số nợ vẫn còn đó. Đến đời bố mẹ H’Thoa tiếp tục trả vẫn không hết nợ, đành gán 4 ha đất cho chủ đầu tư. Và giờ đây, 2 vợ chồng trẻ chịu cảnh làm thuê ngay trên chính mảnh đất bố mẹ mình gán nợ.
Theo chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến nơi chị Nay H’roen-mẹ của H’Thoa, đang làm thuê cách đó không xa. Thấy người lạ, chị dừng cuốc đất, tháo bịt mặt ra rồi dùng nó lau vội những mồ hôi đang chảy vào mắt. Trên gương mặt đen sạm khắc khổ, những nếp nhăn nơi khóe mắt co giãn liên hồi theo câu chuyện vay nợ của gia đình. Chị kể, không rõ bố mẹ mình vay mượn từ khi nào, nhưng cách đây 3 năm, chủ nợ thông báo món nợ giờ đã lên đến 80 triệu đồng. “Hàng năm, đến vụ thu hoạch mì, chủ nợ đến thu hết không chừa một bao, nhưng không hiểu sao món nợ vẫn tăng lên đến chừng ấy. Bị thu hết mì, gia đình mình nếu có túng thiếu gì thì lại tìm chủ nợ vay tiếp”-chị Nay H’roen kể về cái vòng luẩn quẩn mà chị không biết thoát ra bằng cách nào.
Theo chị Nay HRoen, gia đình không còn khả năng trả nợ đành chấp nhận để chủ nợ lấy hơn 4 ha đất trong thời gian 10 năm, xem như đã trả hết nợ. Ảnh: M.T |
Không còn khả năng trả nợ, gia đình chị đành chấp nhận để chủ nợ lấy hơn 4 ha đất trong thời gian 10 năm, xem như đã trả hết nợ. Đến thời điểm hiện tại, chủ nợ đã lấy đất cho người khác thuê được hơn 3 năm. Mất đất sản xuất, vợ chồng chị hàng ngày phải từ xã Chư Gu sang Chư Đrăng làm thuê cho người khác.
Mất bò, mất đất vì cái ăn
Chúng tôi đến nhà ông Nay Nam (buôn Ơi Múi, xã Chư Gu) đúng lúc ông vừa từ nhà chủ nợ trở về. Ông cho biết, năn nỉ mãi họ mới đồng ý cho vay tiếp 2 bao gạo. Nhà gần 10 miệng ăn, chắt chiu lắm số gạo này cũng chỉ được vỏn vẹn 1 tháng. Nay H’Chuông (con gái ông Nam) cho biết: Chị có vay chủ nợ 4 triệu đồng để trang trải chi phí sinh hoạt, cùng với số tiền nợ bố chị vay để đầu tư vào cây mì và lãi suất hàng năm. Đến nay, số tiền nợ đã lên đến gần 200 triệu đồng. Gia đình đã gán rẫy hơn 4.000 m2 nhưng không đủ nên đầu năm nay chủ nợ đến siết thêm 9 con bò. “Nhà em giờ chẳng còn gì nữa, bò cũng hết, nếu sang năm không trả hết nợ chắc người ta lấy mất căn nhà này. Em chỉ mong trả hết nợ, cuộc sống dù đói khổ, khó khăn thế nào em cũng không dám đi vay nữa”-Nay H’Chuông vừa nói vừa khóc.
Hộ anh Ksor Phú (buôn Ơi Múi, xã Chư Gu)vay nợ 59 triệu đồng, bị chủ nợ đến dắt đi 3 con bò, anh này bỏ nhà trốn lên rẫy ở không dám về. Ảnh: M.T |
Cách đó không xa, căn nhà ọp ẹp, xiêu vẹo của Nay Chua (cùng buôn) nhiều tháng nay vắng bóng người, cửa đóng im lìm. Sau khi bị chủ nợ đến dắt mất con bò, anh phải bán tháo 7 sào mì đang xanh tốt lấy tiền trả nợ rồi cùng vợ lên núi tìm đất làm rẫy, gửi lại 3 đứa con nheo nhóc cho người em gái chăm sóc. Món nợ của gia đình Nay Chua cũng bắt đầu từ việc vay gạo ăn dần chờ đến vụ thu hoạch mì sẽ trả. Nhưng nay số nợ này đã lên đến 100 triệu đồng. Tương tự, hộ anh Ksor Phú gần đó vay nợ 59 triệu đồng, bị chủ nợ đến dắt đi 3 con bò, anh này trốn hẳn lên rẫy và ở luôn trên đó, đến nỗi chủ nợ phải gửi đơn nhờ xã can thiệp. Hay như trường hợp của gia đình ông Rmah Rit trước đây cũng bị siết 4 con bò vì trót vay vài bao gạo, đến thời vụ chưa kịp trả.
Chuyện của gia đình ông Nay Phim (buôn H’ngôm, xã Chư Đrăng) càng buồn hơn. Đối lập với cảnh đầm ấm, yên bình trong ngôi nhà sàn, lòng vợ chồng ông Phim đang rối bời vì nợ. “Gia đình tôi vay tiền chủ nợ để mua gạo, mắm muối, tiền cày đất, phân bón. Mỗi năm chưa kịp trả hết, họ tính lãi suất gấp đôi nên không trả nổi. Chủ nợ siết 4 ha đất, giờ phải đi làm thuê để sống trong khi nợ thì vẫn chưa trả hết”-ông Nay Phim than thở. Cũng nghèo khó như bao gia đình khác, vợ chồng Nay Moa-Ksor Chép ứng tiền mua gạo, mắm muối, tiền cày. Từ số tiền vay 25 triệu đồng ban đầu, sau 5 năm không trả được, gia đình anh bị chủ nợ cộng gộp tính tiền gốc lẫn lãi lên đến 110 triệu đồng và bị siết hơn 1 ha đất rẫy…
Ông Ksor Dák-Trưởng thôn Wôr (xã Chư Đrăng) cho biết: Cả buôn có 155 hộ thì có trên 100 hộ vay các chủ nợ. Vừa bị lãi suất cao, vừa bị ép giá nông sản nhưng vì người dân cần cái ăn buộc phải vay, dẫn đến nghèo càng nghèo thêm. Còn tại buôn Ơi Múi (xã Chư Gu), theo tìm hiểu của P.V, buôn có 185 hộ dân thì cũng có đến hơn 100 hộ đang nợ chủ đầu tư. Theo họ, vay 1 triệu thì mỗi tháng phải trả từ 30 đến 70 ngàn đồng tiền lãi. |
Giờ đây, tại nhiều địa phương ở Krông Pa, nhìn người nông dân cần mẫn bên những rẫy mì xanh tốt, bạt ngàn, ai cũng nghĩ họ sẽ có một mùa màng bội thu. Nhưng ít ai biết rằng họ chỉ là những người đang làm thuê ngay trên chính mảnh đất của mình. Tương lai của họ như cái vòng lẩn quẩn vay-trả, trả-vay và nợ chồng nợ.
Minh Triều