Tiếp tục khẳng định vị thế trong cơ chế mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngày 6-2-1984, Tổng cục trưởng Tổng cục Cao su Việt Nam ban hành Quyết định số 10-QĐ/TCCS về việc thành lập Công ty Cao su Mang Yang. Đến năm 2001, trên tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khóa IX) về đổi mới và sắp xếp các doanh nghiệp nhà nước; ngày 1-7-2001, Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Quyết định số 1922-QĐ/BNN-PTNT sáp nhập Công ty Cao su Chư Sê II vào Công ty Cao su Mang Yang.
Ngày 4-5-2010, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam có Quyết định số 111/QĐ- HĐQTCSVN về việc phê duyệt phương án chuyển đổi Công ty Cao su Mang Yang thành Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang. Trên cơ sở đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư Gia Lai đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang. Công ty có ngành nghề kinh doanh là trồng trọt, công nghiệp hóa chất, sản xuất phân bón và cao su, thương nghiệp bán buôn và dịch vụ vận tải hàng hóa.
Tổng số vốn điều lệ hơn 348 tỷ đồng. Công ty đang quản lý 7.815 ha cao su. Công ty có 8 phòng, ban chuyên môn; 1 Trung tâm Y tế, 6 Nông trường trực thuộc; 1 Xí nghiệp Sản xuất phân hữu cơ vi sinh với công suất 20.000 tấn/năm; 1 Nhà máy Chế biến mủ cao su gồm 3 dây chuyền chế biến: Mủ tờ công suất 3.000 tấn/năm, mủ cốm công suất 4.500 tấn/năm và dây chuyền chế biến mủ đông tạp công suất 3.000 tấn/năm và một hệ thống xử lý nước thải tiên tiến công suất 1.100 m3/ngày-đêm được vận hành trên hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO: 9001-2008 và ISO 14.000 cho ra sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
Chế biến mủ cao su. Ảnh: Hà Tây
Chế biến mủ cao su. Ảnh: Hà Tây
Ngoài ra, Công ty còn thành lập công ty con là Công ty cổ phần Cao su Mang Yang- Rattanakiri để đầu tư phát triển cao su tại Vương quốc Campuchia và tỉnh Kon Tum. Bên cạnh đó, Công ty còn đầu tư tài chính vào các công ty cổ phần: Công ty cổ phần phát triển Đô thị và Khu Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty cổ phần Thủy điện Phú Yên, Công ty cổ phần Cao su Sa Thầy, Công ty cổ phần Thương mại Du lịch-Dịch vụ Cao su; Công ty cổ phần Cơ khí Cao su… với tổng số vốn đóng góp gần 150 tỷ đồng.
Để có sự lớn mạnh như hôm nay, ngoài sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, kịp thời của lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, sự quan tâm giúp đỡ, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả của cấp ủy, chính quyền địa phương và các sở, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn đứng chân, tập thể cán bộ, công nhân viên Công ty đã đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ngày đầu mới thành lập (năm 1984), Công ty chỉ vỏn vẹn có 71 người.
Hiện nay, tổng số cán bộ, công nhân viên- lao động của Công ty lên đến 3.106 người; trong đó lao động người dân tộc thiểu số chiếm gần 32%. Nếu năm 2001 năng suất mủ cao su chỉ đạt 6,7 tạ/ha thì đến năm 2002 năng suất đã tăng lên 8,6 tạ/ha, năm 2003 là 9 tạ/ha và hiện nay đã đạt 1,2 tấn/ha. Doanh thu của Công ty và thu nhập của người lao động cũng không ngừng tăng. Nếu năm 2003, Công ty khai thác được 3.100 tấn mủ quy khô, giá trị sản lượng thực hiện được 54,6 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 13,7 tỷ đồng, lương bình quân của cán bộ, công nhân- lao động 1 triệu đồng/người/tháng thì đến năm 2007, Công ty khai thác được 6.215 tấn mủ quy khô, doanh thu đạt 206 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 58,9 tỷ đồng và thu nhập bình quân của cán bộ công nhân- lao động bình quân 2,4 triệu đồng/người/tháng. 6 tháng đầu năm 2010, thời tiết diễn biến bất thường, song Công ty cũng đã chủ động nắm bắt thời cơ, tìm ra nhiều giải pháp, kích thích tinh thần làm việc của người lao động, sản phẩm mủ cao su làm ra tới đâu bán hết tới đó. Từ đầu năm đến nay, Công ty đã tiêu thụ được 1.185 tấn mủ cao su, tổng doanh thu đạt 72,27 tỷ đồng, tổng lợi nhuận từ các hoạt động sản xuất kinh doanh đạt gần 23,5 tỷ đồng…
Giờ đây, khi doanh nghiệp đổi sang mô hình hoạt động mới trong khuôn khổ pháp lý chung là Luật Doanh nghiệp thì ngoài những thuận lợi, Công ty cũng sẽ gặp không ít những khó khăn. Thời gian tới, Công ty đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là tập trung phát triển nguồn nhân lực, tranh thủ các điều kiện để mở rộng quy mô, diện tích cao su tại 2 tỉnh: Gia Lai, Kon Tum và Vương quốc Campuchia. Phấn đấu đến năm 2015, diện tích cao su trồng trong nước là 10.000 ha và ngoài nước là 12.000 ha. Bên cạnh đó, Công ty luôn chú trọng đến nâng cao năng suất vườn cây và chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn ISO: 9001-2008; mở rộng thị trường, tăng tỷ trọng xuất khẩu nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Trong quá trình kinh doanh luôn chú trọng thị trường truyền thống, giữ vững uy tín thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời hướng tới các thị trường mới…
Phát huy hiệu quả vốn góp liên doanh, liên kết, phát triển đầu tư đa ngành nghề, lĩnh vực giữ vững ổn định, chăm lo tốt đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động, đặc biệt lao động người dân tộc thiểu số nhằm góp phần giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ hộ đói nghèo góp phần giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn.
Lê Thành

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.