Từ 15 năm qua, chương trình Tiếp sức đến trường cho tân sinh viên, một chương trình thấm đẫm tấm lòng của bạn đọc, đã tiếp sức cho trên 15.000 bạn trẻ có hoàn cảnh nghèo khó trên khắp cả nước bước vào giảng đường.
Niềm vui của ông bà ngoại với thành quả học tập của Nguyễn Hà Quang (xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi) sẽ trở thành tân sinh viên ngành công nghệ thông tin Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM). |
Hầu hết các bạn giờ đây đã tốt nghiệp, đã trưởng thành, đang đứng ở nhiều vị trí góp phần đóng góp cho xã hội ở khắp các lĩnh vực...
Con số cụ thể ấy tự nó đã nói lên sức sống, sức lan tỏa của một chương trình làm ấm lòng biết bao nhiêu người...
Nhưng cũng từ chương trình này, có một dòng chảy khác, một sự lan tỏa khác không thể gom lại thành những con số, thành những số liệu thống kê được, đó là lòng yêu thương.
15 năm qua, Tiếp sức đến trường đã trở thành “chương trình” tiếp lòng yêu thương. Nó như một dòng chảy cứ thầm lặng thấm vào nhiều ngóc ngách trong cuộc sống.
Làm đậm thêm tình bạn, tình thầy trò, tình xóm giềng, tình người... dành cho những cô cậu học trò nghèo có nghị lực, có ý chí vươn lên.
Có quá nhiều hình ảnh mà những người thực hiện chương trình không thể quên được. Một lần ở Tuyên Quang, sau khi trao học bổng, một em nữ sinh có phần rụt rè đến hỏi: “Các anh ơi, em... chia cái học bổng này ra được không ạ?”.
Rồi em giải thích: hai bạn em cũng vừa đậu đại học, cũng “nghèo tận như em” nhưng điểm thấp hơn em tí nên không được xét, giờ em muốn “chia ba được không ạ?”.
Rồi năm trước chương trình tổ chức ở Tây Nguyên, một nam sinh trúng tuyển vào ĐH Y Tây Nguyên, nhận được học bổng cũng đến gặp ban tổ chức: “Cho em gửi một phần học bổng cho bạn em để mua chiếc xe lăn...”.
Và mới đây, vào đầu tháng 7, ngay sau khi nhận 10 triệu đồng học bổng, em Lê Hữu Hiếu (thí sinh đạt ba điểm 10 tại kỳ thi THPT quốc gia, ở Yên Định, Thanh Hóa) đã trích 5 triệu đồng tặng Hồng, người bạn cùng lớp vì “bạn ấy mồ côi bố, nhà nghèo lắm...”.
Cứ như vậy, Tiếp sức đến trường như một mảnh đất màu mỡ làm nở thêm những đóa hoa thắm sắc tình bạn.
Có rất nhiều lá thư gửi về chương trình giới thiệu những học trò nghèo vừa trúng tuyển ĐH, CĐ. Hầu hết họ đều là “người dưng nước lã”, chỉ xuất phát từ lòng yêu thương, quý mến những học trò nghèo.
Như chuyện anh chạy xe ôm ở Giá Rai (Bạc Liêu) viết những dòng chữ không ngay ngắn trên trang giấy tập vở học trò:
“Cái xe đạp của cháu bị tanh bành không có tiền sửa. Cháu đi bộ thấy thương quá, tôi thường chở đến trường. Cháu đậu vô Trường ĐH Cần Thơ rồi. Quý báo cho cái học bổng cho cháu đi học...”.
Nhiều lắm những lá thư như vậy. Như một cụ ông 84 tuổi ở La Gi (Bình Thuận) chỉ viết vài dòng gửi về: “Nó mồ côi mẹ, cha bịnh lên bịnh xuống, đi học không có cái áo lành mặc, vậy mà nó đậu ĐH...”.
Rồi anh khu phố trưởng Nguyễn Đức Sanh ở một khu phố nghèo nằm ven TP Đông Hà (Quảng Trị) đã tất tả chạy đến những gia đình nghèo khó mà anh nghe tin có con vừa đậu ĐH, CĐ để lập danh sách gửi cho Tuổi Trẻ.
Đơn giản, anh nói: “Học bổng các em nhận, nhưng tui còn vui hơn các em nữa”...
Nhưng yêu thương nhiều nhất có lẽ vẫn là tấm lòng của thầy cô giáo. Cứ sau mỗi mùa thi, rất nhiều thầy cô đã theo dõi những học trò nghèo khó của mình có trúng tuyển hay không và lặn lội về tận nơi các em ở để động viên, hướng dẫn các em viết thư cho Tuổi Trẻ.
Cũng có nhiều thầy cô như cô Hồng Phượng ở Dương Minh Châu (Tây Ninh), dạy cấp hai nhưng năm nào cũng “đi lùng” học sinh cũ của mình vừa trúng tuyển các trường rồi chụp ảnh, ghi chép về các em để “thuyết phục” chương trình cấp học bổng.
Tên tuổi nhiều thầy cô đã trở thành quen thuộc với Tiếp sức đến trường, như cô Như Quỳnh ở TP. Yên Bái, như thầy Ngô Khắc Vũ ở Mộ Đức (Quảng Ngãi)...
Và cứ mỗi mùa chương trình Tiếp sức đến trường khởi động thì hàng trăm bạn đọc lại thầm lặng đến tòa soạn góp “chút tình cho các em, các cháu”. Lại có thêm nhiều công ty, nhiều doanh nghiệp tham gia tài trợ chương trình.
Nhưng không chỉ dừng lại ở đó: nhiều mạnh thường quân, nhiều doanh nghiệp còn giúp nhiều tân sinh viên của chương trình chỗ ở, chỗ làm thêm, phương tiện đến trường... để các em vượt qua khó khăn trên con đường học vấn.
Cứ như vậy, 15 năm qua có một dòng chảy yêu thương cứ âm thầm chảy. Càng lúc càng lan rộng, càng thấm sâu...
Hàng Chức Nguyên (tuoitre)