Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Thần tốc hơn nữa trong tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 20-1, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác y tế năm 2022. Dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí: Phạm Minh Chính- Thủ tướng Chính phủ, Vũ Đức Đam- Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo Bộ Y tế và đại diện các bộ, ngành Trung ương.
Dự tại điểm cầu tỉnh Gia Lai có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch, lãnh đạo Sở Y tế và đại diện một số sở, ban, ngành, đơn vị.
Theo báo cáo, năm 2021, ngành Y tế cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được Chính phủ giao tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 1-1-2021. Hệ thống thể chế, chính sách tiếp tục được hoàn thiện, rà soát, bổ sung kịp thời các biện pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và chính sách, pháp luật; tham mưu Chính phủ trình Quốc hội cho phép thực hiện một số cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách; xây dựng hàng trăm văn bản hướng dẫn chuyên môn để đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng-chống dịch Covid-19. Bên cạnh phòng-chống dịch Covid-19, ngành Y tế tập trung phòng-chống dịch bệnh khác, không để tình trạng dịch chồng dịch. Số mắc, tử vong của hầu hết các dịch bệnh truyền nhiễm phổ biến, HIV/AIDS, ngộ độc thực phẩm giảm so với năm 2020.
Tính từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam đã trải qua 4 đợt bùng phát dịch Covid-19. Quy mô, địa bàn và mức độ lây lan qua mỗi đợt đều có xu hướng phức tạp hơn. Sau hơn 5 tháng xảy ra đợt dịch thứ 4, đến hết ngày 10-10-2021 dịch đã cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc với trên 835 ngàn ca mắc tại cộng đồng ở 62 tỉnh, thành phố, trong đó có 20.520 ca tử vong (tỷ lệ chết/mắc là 2,4%). Cũng trong đợt dịch lần thứ 4, tính đến thời điểm hiện tại cả nước cũng đã ghi nhận 68 ca nhiễm biến thể Omicron. 
Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 về việc ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, Bộ Y tế cũng đã ban hành Quyết định số 4800/QĐ-BYT hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ. Theo đó từ ngày 11-10-2021, sau khi triển khai mạnh mẽ công tác tiêm chủng, chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, đến nay dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Tất cả các tỉnh, thành phố đều đã chuyển sang trạng thái “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Quang cảnh hội nghị trực tuyến điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: Như Nguyện
Quang cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: Như Nguyện
Tại hội nghị, các bộ, ngành, địa phương đã có những tham luận về triển khai công tác y tế, đặc biệt là công tác phòng-chống dịch trong năm qua; nhiệm vụ, giải pháp công tác y tế trong thời gian tới. Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương những kết quả, thành tựu ngành Y tế đạt được trong năm 2021. Kết quả nổi bật của y tế trong năm qua là công tác phòng-chống dịch, nước ta chuyển từ trạng thái không Covid-19 sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch, đồng thời thực hiện hiệu quả nguyên tắc "5K + vắc xin", thuốc điều trị + công nghệ + ý thức của Nhân dân. Trong đó tập trung vào các trụ cột chính: xét nghiệm, tiêm chủng, điều trị và đề cao ý thức của người dân trong công tác phòng-chống dịch.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Dù những kết quả đạt được rất khả quan nhưng chúng ta không được lơ là, chủ quan. Ngành Y tế cũng cần phải phân tích, đánh giá tìm hiểu nguyên nhân để khắc phục bằng được những tồn tại, hạn chế; tiếp tục hoàn thiện thể chế; cần phải khắc khục ngay y tế dự phòng và y tế cơ sở, đưa ra lộ trình phát triển và tăng cường kiểm tra, giám sát. Tiếp tục rà soát lại chính sách, chế độ để thu hút được nguồn lực phục vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân. Thủ tướng Chính phủ đề nghị ngành Y tế tiếp tục thu hút nguồn lực y tế tư nhân; các địa phương phải có các giải pháp huy động các nguồn lực cho công tác y tế. Tiếp tục đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số; có chiến lược đào tạo về nhân lực y tế, nâng cao năng lực của cán bộ y tế, có chính sách thu hút học viên ngành Y; thu hút bác sĩ, nhân viên y tế về cơ sở nhất là vùng sâu, vùng xa…
Thủ tướng Chính phủ lưu ý công tác phòng-chống dịch cần kiên trì, kiên quyết với mục tiêu chung là bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân là trên hết, trước hết; quyết liệt phòng-chống dịch Covid-19 trên nguyên tắc linh hoạt, sáng tạo, không máy móc, cứng nhắc, tùy từng thời điểm, từng nơi, từng địa phương, địa bàn, cơ quan, đơn vị để lựa chọn ưu tiên phù hợp giữa phòng-chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội. Bên cạnh đó, ngành Y tế cần dự báo, bám sát tình hình để kịp thời tham mưu cho các cấp trong thực hiện nhiệm vụ y tế. Đặc biệt cần phải thần tốc hơn nữa tốc độ bao phủ vắc xin phòng Covid-19 theo nguyên tắc an toàn, hiệu quả. Thủ tướng cũng thông tin tới đây sẽ thay mặt Chính phủ phát động phong trào “tiêm vắc xin xuyên Tết” trong kỳ nghỉ kéo dài 9 ngày.  
Ngoài ra, ngành Y tế cần tăng cường quản lý F0 tại nhà từ sớm, từ xa, từ cơ sở; tiếp tục phối hợp kiểm soát dịch bệnh xâm nhập qua biên giới, nhập cảnh… Các biện pháp phòng-chống dịch phải linh hoạt, thống nhất chung trên toàn quốc. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh thông tin truyền thông nâng cao ý thức người dân; tăng cường giám sát, kiểm tra, khen thưởng kịp thời động viên lực lượng tuyến đầu chống dịch. Ngành Y tế cần chú trọng thực hiện các công tác khác như đảm bảo an toàn thực phẩm, công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình, các công tác phòng-chống dịch bệnh khác…
NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm

4 lợi ích sức khỏe khi chạy bộ 2 km/ngày

4 lợi ích sức khỏe khi chạy bộ 2 km/ngày

Chạy bộ là một trong những hình thức tập luyện phổ biến nhất. Lợi thế của bài tập này là không cần thiết bị tập luyện và bất kỳ ai cũng có thể tập. Tùy vào thể lực của từng người mà có thể chạy với cự li bao xa.

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế, chiều 2711. Ảnh Media Quốc hội. Nguồn vnexpress.net

Người mắc bệnh hiểm nghèo sẽ được chuyển bảo hiểm y tế lên thẳng cấp chuyên sâu

(GLO)- Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, trong đó có điểm mới về thông cấp khám-chữa bệnh với quy định một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu.

Cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh sởi

Cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh sởi

(GLO)- Những ngày gần đây, số ca mắc sởi trên địa bàn tỉnh Gia Lai có chiều hướng tăng nhanh. Trước tình hình đó, ngành Y tế đang triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng ngừa, quyết tâm không để bệnh sởi bùng phát và lây lan trên diện rộng.