(GLO)- Ngày 18-3, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Đề án “An ninh lương thực Quốc gia đến năm 2020”. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cùng chủ trì. Tại điểm cầu Gia Lai có các đồng chí: Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh Ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Kpă Thuyên-Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Lê Nam |
Báo cáo tại hội nghị, ông Lê Quốc Doanh-Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết: Sau 10 năm thực hiện Đề án, nước ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, giai đoạn 2009-2019, GDP toàn ngành nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá, đạt 2,61%/năm. Trong đó, trồng trọt đạt giá trị sản xuất tăng 2,9%/năm, kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân gần 9%/năm, đã có 7 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm; chăn nuôi đạt giá trị sản xuất tăng 5,2%/năm, sản lượng thịt hơi các loại tăng 35,8% so với năm 2009; thủy sản đạt giá trị sản xuất tăng 3,91%/năm; sản lượng thuỷ sản tăng từ 4,85 triệu tấn lên 8,2 triệu tấn năm 2019. Hệ thống thủy lợi được cải tạo, nâng cấp, đảm bảo tưới cho 7,2 triệu ha trồng lúa (chiếm 95% diện tích lúa) và tiêu nước cho 1,72 triệu ha đất nông nghiệp. Về khoa học công nghệ, đã nghiên cứu, công nhận 685 giống cây trồng, 26 dòng/tổ hợp lai vật nuôi mới, 13 giống thủy sản mới. Đẩy mạnh chế biến, ứng dụng cơ giới hóa giúp giảm mức tổn thất sau thu hoạch lúa từ 13% xuống còn 10%. Thị trường xuất khẩu lúa gạo không ngừng mở rộng, năm 2018 được xem là cột mốc quan trọng với mức xuất khẩu 6,16 triệu tấn, giá trị 3,06 tỷ USD. Gạo Việt Nam đã xuất khẩu đến 150 quốc gia và vùng lãnh thổ...
Người dân thu hoạch lúa. Ảnh: Lê Nam |
Tại Gia Lai, tình hình an ninh lương thực tương đối ổn định, đáp ứng nhu cầu của các tầng lớp nhân dân, chất lượng lương thực ngày càng được nâng cao. Trên cơ sở phát huy lợi thế từng vùng, tỉnh ta đã quy hoạch các vùng sản xuất như: Quy hoạch 3 loại rừng; Quy hoạch phát triển cao su trên địa bàn tỉnh đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; Quy hoạch trồng trọt gắn với công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020; Quy hoạch cấp nước sạch nông thôn tỉnh đến năm 2020; Quy hoạch thủy lợi vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh; Quy hoạch thủy sản; Quy hoạch phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn trên địa bàn tỉnh. Các loại cây trồng, vật nuôi với quy mô lớn đã phát triển theo chiều hướng hình thành các vùng tập trung chuyên canh gắn với cơ sở chế biến nông lâm sản. Nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, năng suất lúa trên địa bàn tỉnh năm 2019 đạt 50,4 tạ/ha, tăng 9,2 tạ/ha so với năm 2009. Sản lượng đạt 373.226 tấn, tăng 29,5% so với năm 2009. Toàn tỉnh hiện có 165 cánh đồng lớn, diện tích 8.840,93 ha với 3.607 hộ dân và 8 doanh nghiệp tham gia.
Mô hình sản xuất rau thủy canh của ông Nguyễn Văn Hưng, thôn An Tân Sơn, xã Tân An, huyện Đak Pơ. Ảnh: Lê Nam |
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc-nhấn mạnh: Đảng ta luôn luôn quan tâm đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp tăng trưởng nhanh, ổn định, đa đạng các loại thực phẩm và cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Chúng ta đa tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát huy lợi thế, tăng cường khai thác thị trường xuất khẩu. Phát triển cơ sở hạ tầng và khoa học công nghệ, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành nông nghiệp. Đã nghiên cứu ra nhiều ứng dụng giống mới, phương pháp mới, cách làm mới trong nông nghiệp… cho nên trong hoàn cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh vẫn đảm bảo cho cân đối sản phẩm nông nghiệp. Qua 10 năm thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về an ninh lương thực quốc gia đã góp phần quan trọng an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo của nước ta.
Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh trong triển khai Đề án an ninh lương thực chúng ta còn có những tồn tại như: liên kết sản xuất chuỗi, gắn với chế biến, thị trường còn yếu, nhất là khâu công nghệ chế biến nông sản nên giá trị sản xuất nông sản thấp, tiêu thụ còn bấp bênh; năng suất lao động còn thấp, sản xuất quy mô nhỏ, manh mún; phát triển cơ sở hạ tầng và khoa học công nghệ vẫn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất nông nghiệp theo quy trình tiên tiến; năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, dịch bệnh, cạnh tranh, hội nhập chưa cao. Thủ tướng nhấn mạnh: “Trước tình hình dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai… nên phải giữ vững an ninh lương thực vững chắc trong mọi tình huống. Phải “chốt cứng” diện tích trồng lúa và sản lương lương thực hàng năm”. Đồng thời, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cần phải thực hiện một số mục tiêu quan trọng trong thời gian tới: Phải làm sao đáp ứng cho nhu cầu dinh dưỡng, cơ cấu thực phẩm hợp lý trong từng giai đoạn cho người dân để tránh thể trạng “thấp bé” của người Việt Nam. Thúc đẩy tái cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp, tăng cường xuất khẩu, mở rộng thị trường; phát huy lợi thế từng vùng, tăng thêm diện tích rừng để tăng hệ số che phủ rừng…
Lê Nam