(GLO)- Nếu như thời hoàng kim, cây hồ tiêu là “vàng đen” giúp nhiều gia đình trở thành triệu phú thì nay với diễn biến hồ tiêu chết, giá xuống thấp, hàng ngàn hộ đã lâm vào cảnh túng quẫn. Và từ đó, những cuộc di cư buồn đã diễn ra.
Vỡ nợ
Xã Ia Blang (huyện Chư Sê, GIa Lai) là nơi năm 1986 một số hộ dân đã vào tận Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) đưa cây hồ tiêu về trồng. Thời hoàng kim, người ta vẫn thường kể về những triệu phú, tỷ phú nông dân đi làm vườn bằng ô tô. Thế nhưng, những ngày này, nỗi buồn đang bao trùm lên các hộ trồng hồ tiêu. Theo ông Nguyễn Văn Khôi-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Blang: Trước đây, khi cây hồ tiêu lên ngôi, người dân trong xã còn sang các huyện như Chư Prông, Mang Yang, thậm chí sang tỉnh Đak Nông, Đak Lak thuê đất trồng. Nhưng giờ đây, theo thống kê sơ bộ, toàn xã đang nợ các ngân hàng hàng trăm tỷ đồng do vay vốn trồng hồ tiêu.
Rời Ia Blang, chúng tôi đến thị trấn Nhơn Hòa (huyện Chư Pưh, Gia Lai), nơi một thời được xem là “thủ phủ hồ tiêu”. Nhìn vườn hồ tiêu 2,5 ha đang chết dần, chị Nguyễn Thị Tuyết (thôn Hòa An) không giấu nổi tiếng thở dài: “Năm 2015, gia đình tôi vay 1,5 tỷ đồng để trồng hồ tiêu. Năm nay là năm thu đầu tiên nhưng giờ hồ tiêu chết hơn 1.500 trụ rồi, số còn lại thu chẳng được bao nhiêu. Mùa thu hoạch vừa rồi, nhân công rất hiếm, tôi phải vất vả lắm mới thuê được người hái nhưng họ lấy công rất cao, cứ 10 kg tiêu thì người hái lấy 6 kg. Chồng tôi trước đây là người trồng hồ tiêu giỏi của xã, nhưng từ khi hồ tiêu chết rồi rớt giá, vì quá buồn mà anh ấy phải đi Bệnh viện Tâm thần kinh tỉnh điều trị mấy đợt rồi”.
Sau khi hồ tiêu bị chết, nông dân trên địa bàn huyện Chư Sê phải cưa trụ để bán lấy tiền. Ảnh: V.H |
Cây hồ tiêu một thời giúp những làng quê trở nên trù phú thì nay cũng khiến bao gia đình phải oằn mình vì nợ nần. Nhiều hộ không chỉ vay ngân hàng mà còn vay nóng bên ngoài với lãi suất cao, lãi mẹ đẻ lãi con khiến cuộc sống của họ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. “Mình vay ngân hàng 150 triệu đồng để trồng hồ tiêu, nhưng giờ đây hồ tiêu chết hết, không có tiền trả lãi ngân hàng, mình phải vay nóng bên ngoài để trả bớt”-anh Rơ Lan Nhân (thôn Plei Lao, thị trấn Nhơn Hòa) rầu rĩ nói.
Theo thống kê, các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã cho nông dân vay gần 4.000 tỷ đồng để trồng hồ tiêu, trong đó nợ xấu là hơn 450 tỷ đồng.
Những cuộc di cư buồn
Tuy nhiên, phân tích từ tình hình thực tế, ông Nguyễn Văn Khôi-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Blang (huyện Chư Sê) cho biết: Trên địa bàn xã có hơn 200 ha hồ tiêu bị chết nhưng không phải hộ nào có hồ tiêu chết cũng lâm vào cảnh nợ nần. Nhiều người dân trồng hồ tiêu từ hàng chục năm nay đã tích lũy được vốn và nguồn vốn dự phòng, đồng thời không chạy theo việc mở rộng diện tích nên việc hồ tiêu chết không ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống. |
Thời điểm cây hồ tiêu cho hiệu quả kinh tế cao, người trồng hồ tiêu không những thu về bạc tỷ mà còn giải quyết việc làm thời vụ cho hàng ngàn lao động. Thế nhưng, giờ đây, hàng ngàn nhân công trên địa bàn các huyện Chư Sê, Chư Pưh và Chư Prông đã phải bỏ vùng đất này đi nơi khác tìm việc làm.
Theo thống kê của UBND huyện Chư Pưh, tính đến tháng 4-2019, toàn huyện có 4.500 lao động rời quê hương đi đến các tỉnh khác mưu sinh. Qua 10 năm làm Trưởng thôn Hòa Hiệp (thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh), chưa bao giờ ông Trần Ngọc Thái thấy người dân thôn mình khó khăn như lúc này. Ông buồn bã cho hay: Thôn Hòa Hiệp hiện có đến 65% số người trong độ tuổi lao động phải đi nơi khác kiếm sống vì hồ tiêu chết, giá xuống thấp và nợ nần. Đặc biệt, trong thôn có 67 cặp vợ chồng bỏ nhà cửa, gửi con lại cho người thân hoặc dẫn con vào Bình Dương hoặc TP. Hồ Chí Minh tìm việc làm để kiếm tiền trả lãi ngân hàng.
Cùng chung hoàn cảnh cả gia đình ly tán vì cây hồ tiêu, chị Nguyễn Thị Kim Nga (thôn Hòa Hiệp) không giấu được nỗi chua xót: “Vợ chồng đứa em tôi đã phải bán nhà để trả nợ ngân hàng do vay tiền trồng hồ tiêu, thế nhưng vẫn không đủ. Năm 2018, vợ chồng nó đành gửi 2 đứa con cho tôi chăm sóc để vào miền Nam làm công nhân. Tôi thì ai thuê gì làm nấy, mỗi ngày công cũng chỉ được 100 ngàn đồng”.
Tại huyện Chư Sê cũng đã có hàng trăm lao động rời quê hương đi nơi khác kiếm việc làm do cây hồ tiêu chết và giá xuống thấp. Theo ông Nguyễn Văn Khôi-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Blang, xã có 2.335 hộ thì đến nay đã có 107 hộ đi khỏi địa bàn, ngoài ra còn có 300 lao động đi ra các tỉnh khác kiếm việc làm. Tuy nhiên, đây chỉ là con số mà xã thống kê được qua việc đăng ký tạm trú, tạm vắng cùng việc quản lý số người đến UBND xã làm các giấy tờ đi xin việc, còn các hộ tự ý ra đi thì xã không thể nắm hết.
Nhiều lao động thời vụ sống dựa vào việc thu hoạch hồ tiêu thuê cũng đành đi nơi khác tìm việc. Chị Ksor Blô (làng Tôn Vinh, thị trấn Nhơn Hòa) cho biết: “Trước đây dễ kiếm việc làm lắm, do người trồng hồ tiêu thuê cắt cành, bón phân, làm cỏ... được gần 200 ngàn đồng/ngày. Bây giờ không ai thuê nữa nên mình đành gửi 2 đứa con nhờ bố mẹ chăm sóc để vào miền Nam kiếm việc. Làng mình nhiều người đi miền Nam lắm”.
Những vùng đất trước đây trù phú nhờ hồ tiêu giờ đây đã xơ xác, tiêu điều. Trên đường từ huyện Chư Sê về Chư Pưh, chúng tôi gặp nhiều ngôi nhà đang treo biển bán. Nhiều ngôi nhà khang trang đã thưa vắng tiếng nói cười vì chủ nhân đã rời bỏ quê hương mưu sinh nơi đất lạ.
VĨNH HOÀNG-LÊ NAM