Mặc dù đa số người dân khi được hỏi đều đồng tình với việc thu phí cách ly người về từ vùng dịch để có thể cùng chia sẻ, đồng hành cùng Nhà nước chống dịch Covid-19 lâu dài, tuy nhiên, chủ trương này ở tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng vẫn khiến dư luận băn khoăn.
Đồng hành cùng chính quyền
Sau khi 2 tỉnh, thành là Đà Nẵng và Quảng Nam ban hành quyết định thu phí cách ly đối với những người trở về từ TP.HCM và TP.Hà Nội đã dấy lên nhiều băn khoăn trong dư luận. Tuy nhiên, đa số người dân đều đồng ý với chủ trương này.
Chị Lê Mai Anh (quận Hải Châu, Đà Nẵng) chia sẻ: “Tôi hoàn toàn đồng ý việc thu chi phí ăn, ở tại khu cách ly. Công tác phòng chống dịch Covid-19 còn cả chặng đường dài, tốn kém nhiều chi phí, nên những người ở khu cách ly tập trung cần chung sức đồng hành với chính quyền”.
Chiều nay (5/4), ghi nhận của PV Dân Việt tại các chốt kiểm tra đo thân nhiệt tại các cửa ngõ thành phố, lực lượng chức năng đã cho thắt chặt đối với người điều khiển xe ô tô vào thành phố.
Theo cán bộ tại chốt thuộc phường Hoàn Hải, quận Ngũ Hành Sơn, những ngày qua lượng ô tô vào TP.Đà Nẵng giảm đáng kể. Mọi người đều chấp hành tốt việc đeo khẩu trang và khai báo y tế theo đúng quy định.
Trao đổi với PV Dân Việt, trung tá Phan Quang Pháp - Phó trạm CSGT cửa ô Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn - cho biết: “Ngày đầu tiên thực hiện chỉ thị của thành phố về việc người dân từ TP.HCM và Hà Nội đến Đà Nẵng sẽ đóng phí cách ly tập trung còn nhiều người vẫn chưa nắm được, lực lượng chức năng phải trình bày và giải thích để người dân hiểu và mọi người đều chấp nhận với chủ trương này”.
Tại Ga Đà Nẵng, ghi nhận của PV, công tác kiểm soát dịch tại đây vẫn đang được siết chặt dù lượng khách rất thưa vắng. "Một tuần trở lại đây, lượng khách đi tàu giảm mạnh, chỉ tầm 1-2 chuyến/ngày. Sau chỉ đạo của thành phố, rất nhiều hành khách đã gọi điện thoại đến nhà ga để hỏi về việc cách ly và thu phí như thế nào, chúng tôi cũng đã giải thích rõ", đại diện nhà ga Đà Nẵng cho hay.
“Vùng có dịch hiện nay được xác định là Hà Nội và TP.HCM, nơi có 2 ổ dịch lớn và đã lây lan ra cộng đồng, nhiều người về từ vùng dịch và có nguy cơ mang theo mầm bệnh nên phải bị cách ly và thu phí theo quy định. Việc thu phí ăn, ở tại khu cách ly là biện pháp nhằm giảm tải gánh nặng kinh tế lên Chính phủ, Nhà nước. Để từ đây, chúng ta có nguồn lực chi viện cho những hoạt động phòng chống dịch Covid-19”, ông Nguyễn Hoài Nam (Quảng Nam) cho hay.
Chủ tịch Đà Nẵng, Quảng Nam nói gì?
Như Dân Việt đã phản ánh, từ ngày 5/4, thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP.Đà Nẵng, người dân từ TP.HCM và Hà Nội đến Đà Nẵng sẽ đóng phí cách ly tập trung, ngoại trừ các trường hợp đặc biệt và người đã hoàn thành cách ly.
Theo đó, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.Đà Nẵng yêu cầu cách ly tập trung có thu phí đối với người dân từ TP.HCM và Hà Nội đến Đà Nẵng từ ngày 5/4. Việc này áp dụng với cả người dân Đà Nẵng từ hai địa phương trên trở về. Thời gian cách ly là 14 ngày kể từ ngày rời khỏi Hà Nội và TP.HCM.
Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ kiểm tra tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. |
Phí cách ly gồm phí ăn, sinh hoạt thu theo quy định hiện hành. Tiền ở thu theo chi phí của cơ sở cách ly. Đối với người đến Đà Nẵng từ Hà Nội, TP.HCM và các vùng có dịch lây lan trong cộng đồng từ ngày 1 đến ngày 4/4 sẽ áp dụng cách ly tại nhà, tại nơi lưu trú. Việc cách ly không áp dụng với người đã hoàn thành cách ly tại địa phương khác trước đó, có giấy xác nhận đã hoàn thành cách ly; người có công tác đặc biệt như chuyên gia, tư vấn, người làm nhiệm vụ chỉ huy, điều hành dự án, công trình trọng điểm tại Đà Nẵng. Người thuộc diện này phải có giấy đề nghị của cơ quan quản lý và giấy xác nhận tình trạng sức khỏe, tiền sử dịch tễ.
Về những ý kiến trái chiều, cho rằng trong thời điểm hiện nay TP.Đà Nẵng chưa nên thu phí đối với những người dân trở về từ TP.HCM, Hà Nội, hôm nay (5/4), trao đổi với PV Dân Việt, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho rằng, bất kỳ một quy định nào cũng có 2 mặt, việc thu phí cách ly đương nhiên sẽ gây tranh cãi. "Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay rất cần khuyến khích mọi người hạn chế đi lại, kể cả người dân Đà Nẵng từ các địa phương khác trở về, đặc biệt là từ 2 thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM. Đây là quy tắc của giờ vàng mà ai cũng phải ghi nhớ, áp dụng triệt để. Tất cả vì cái chung" - ông Huỳnh Đức Thơ nói.
Cũng trong hôm nay, trao đổi với Dân Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho hay, chủ trương ban ra là thế và lãnh đạo tỉnh cũng như Ban chỉ đạo đã trả lời rõ ràng trên công luận. "Hiện nay nhiều địa phương cũng áp dụng tương tự chứ không riêng gì Quảng Nam. Tuy nhiên, đến giờ này ngân sách vẫn đang chi hết, bà con chưa chi ra đồng nào. Về cơ bản sau này HĐND tỉnh quyết thế nào thì thực hiện như thế" - ông Thanh nói.
Cũng theo Chủ tịch tỉnh Quảng Nam, lãnh đạo tỉnh mong muốn người dân Quảng Nam xa quê làm ăn ở các thành phố nơi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên ở yên tại chỗ theo kêu gọi của Chính phủ để cùng chung tay, góp sức chống dịch, thể hiện tình cảm, trách nhiệm với quê hương mình trong lúc khó khăn này. Nếu ai quá khó khăn, tỉnh sẽ phối hợp với Hội đồng hương vận động hỗ trợ.
Trở về từ vùng dịch là "vi phạm pháp luật"?
Theo thông tin từ Ban chỉ đạo (BCĐ) phòng chống Covid-19 tỉnh Quảng Nam, đến thời điểm này, BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Nam đã tổ chức tiếp nhận 294 người từ TP.HCM và Hà Nội về Quảng Nam, đưa vào khu cách ly tập trung.
Trả lời báo chí về thu phí cách ly, BCĐ phòng chống Covid-19 Quảng Nam cho rằng, theo quy định của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Hình sự thì những người từ vùng dịch này (tức Hà Nội và TP.HCM - PV) cố ý đi đến địa phương khác sẽ bị xử phạt hành chính hoặc đến mức nguy hiểm phải xử lý hình sự theo hướng dẫn mới nhất của Toà án Tối cao (số 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 về xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19). Như vậy có thể khẳng định, người dân Quảng Nam từ Hà Nội và TP.HCM về quê sau ngày 1/4/2020 là vi phạm pháp luật. Do họ về từ vùng dịch và có nguy cơ mang theo mầm bệnh nên phải bị cách ly theo Điều 49 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm. Mặt khác, do họ vi phạm pháp luật và nằm ngoài kế hoạch đã được phê duyệt của tỉnh nên không thể lo cho họ toàn bộ các khoản chi phí tại nơi cách ly như các đối tượng bình thường khác được, nhất là trong điều kiện khu cách ly của chúng ta đang rất khó khăn, đội ngũ y - bác sĩ, lực lượng phục vụ còn hạn chế, ngân sách cũng có mức độ, trong khi tình hình dịch bệnh vẫn còn rất khó lường. Thực hiện như vậy sẽ không công bằng và sẽ dẫn đến tình trạng nhiều người chấp nhận vi phạm để trở về, không loại trừ trong số đó có nhiều đối tượng phức tạp.
"Chúng ta chắc chắn sẽ gặp muôn vàn khó khăn, rất dễ vỡ trận và không có cơ hội để khắc phục, thiệt hại vô cùng lớn trên mọi phương diện. Vì vậy tại mục 5 Công văn 1779 /UBND-KGVX, ngày 31/3/2020 của UBND tỉnh Quảng Nam đã nói sẽ có thu phí với những đối tượng này, tuy nhiên thu nội dung gì, mức thu bao nhiêu, miễn - giảm cho đối tượng nào… để đảm bảo hợp tình hợp lý, đúng quy định thì UBND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh xem xét quyết định tại kỳ họp sắp tới" - BCĐ phòng chống dịch Quảng Nam nêu rõ.
Những trường hợp chọn về cách ly tại khách sạn (có trong danh sách khách sạn đăng ký làm khu cách ly) thì chịu chi phí tại khách sạn đó và thực hiện cách ly theo Quyết định 1246/QĐ-BYT ngày 20/3/2020 của Bộ Y tế.
Theo Nam Cường - Diệu Bình (Dân Việt)