Trong mùa tết năm nay, ở một số địa phương, nhiều sự kiện tết bị hủy hoặc không tổ chức vì dịch Covid-19 khiến thu nhập của các ông đồ trẻ sụt giảm.
Thất thu vì sự kiện tết
Mọi năm, hội chợ xuân, sự kiện dịp tết là dịp để các bạn trẻ làm nghề viết thư pháp có thể tranh thủ kiếm thêm thu nhập. Còn năm nay do tình hình dịch bệnh nên một số địa phương không tổ chức đường hoa và nhiều sự kiện bị cắt giảm từ quy mô cho đến số lượng, làm ảnh hưởng đến thu nhập của các ông đồ trẻ.
Ông đồ Bùi Thiên Phúc trong một sự kiện gần đây. Ảnh: NVCC |
Chẳng hạn, anh Bùi Thiên Phúc, 31 tuổi, ông đồ trẻ ngụ tại Q.Tân Phú, TP.HCM chỉ tham gia được một sự kiện trong dịp tết năm nay, giảm nhiều so với những năm trước. Anh cho biết đây là hoàn cảnh chung của nhiều ông đồ khác trong mùa tết năm nay.
Đến nay là năm thứ 7 anh Phúc gắn bó với thư pháp. Dịp tết những năm trước, anh cùng gia đình đều tất bật chuẩn bị gian hàng tại phố ông đồ ở quê nhà tỉnh Ninh Thuận.
“Tuy nhiên năm nay do tình hình dịch nên phố ông đồ ở quê cũng không được tổ chức. Trước đó, tôi cũng đã chuẩn bị trước tranh ảnh, hàng hóa để bán và phục vụ bà con ở quê nhưng cũng bị đình lại do dịch bệnh. Tết về nhưng không thấy ông đồ cho chữ thì không khí tết quê trở nên trầm lặng”, anh Phúc bồi hồi chia sẻ.
Tương tự, ông đồ Vũ Trung Thành (25 tuổi, ở Tuyên Quang) trước đây thường “chạy show” các sự kiện tết nhưng năm nay thì không do ảnh hưởng của dịch bệnh.
“Tôi đã về quê trước khi dịch bùng phát nên không thể dự bất kỳ sự kiện nào vào dịp tết. Còn bạn bè trong câu lạc bộ thư pháp của tôi ở Hà Nội đến thời điểm hiện tại cũng chỉ dự được 3 - 4 sự kiện”, anh Thành cho biết thêm.
Anh Thành trong một sự kiện tết năm trước. Ảnh: NVCC |
Sôi động tranh thư pháp trực tuyến
Dù tình hình dịch bệnh ảnh hưởng ít nhiều đến kinh tế nhưng nhu cầu được chưng tranh thư pháp ngày tết không giảm. Vì thế, hình thức kinh doanh tranh thư pháp trực tuyến trở nên sôi động hơn.
Anh Bùi Thiên Phúc cho biết: “Có nhiều khách liên hệ mình đặt tranh qua mạng thay vì đến trực tiếp. Vì vậy cũng đỡ phần nào thu nhập cho các anh em viết chữ trong tết năm nay”.
Theo anh Phúc, nhu cầu mua tranh thư pháp trực tuyến ngày càng được “nâng cấp” hơn khi nhiều khách hàng yêu cầu quay video clip lại quá trình viết. “Bởi vì nhiều khách thích tận mắt quan sát quá trình tác phẩm của họ được thể hiện như thế nào và một số khách muốn quay lại clip để giữ làm kỷ niệm”, anh Phúc lý giải.
Anh Lê Xuân Tấn (ngoài cùng bên phải) tại phố ông đồ, Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM. Ảnh: NVCC |
Phố ông đồ tại Nhà văn hóa Thanh niên (Q.1, TP.HCM) đã chính thức khai mạc từ ngày 16.1 đón nhiều bạn trẻ đến chụp ảnh, tham quan và mua sắm.
Là một trong những ông đồ trẻ tại đây, anh Lê Xuân Tấn (28 tuổi) cho biết: “Sau dịch, người dân đa số còn đang ổn định lại cuộc sống nên tôi lo ngại việc mua tranh cũng hạn chế. Thế nhưng khi phố ông đồ mở cửa, tôi nhận thấy tình hình năm nay sẽ khả quan, vì ai cũng muốn mua sắm món gì đó treo trong nhà dịp tết”.
Đây là năm thứ 7 anh Tấn tham gia Phố ông đồ, anh cảm nhận không khí năm nay vẫn khá nhộn nhịp. “Các bạn trẻ có thể tranh thủ đến đây vui chơi sau thời gian dài ở nhà vì giãn cách xã hội phòng dịch Covid-19 và mọi cũng dần thích nghi với cuộc sống có dịch nên kỹ càng hơn trong việc phòng tránh”, ông đồ trẻ chia sẻ.
Phố ông đồ năm nay được tổ chức công phu và mới mẻ hơn các năm, những gian hàng bài trí đẹp mắt, đặc biệt là với khoảng 30 ông đồ, bà đồ rất trẻ... Rất nhiều bạn trẻ tham gia phố ông đồ là tín hiệu vui về việc truyền thông thư pháp của dân tộc được người trẻ yêu thích và gắn bó.
Theo Thái Duy (TNO)