Tung còn đầu Xuân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Mỗi độ Tết đến Xuân về, đồng bào người Nùng ở thôn Đăk Xuân, xã Đăk Ngọk, huyện Đăk Hà lại tổ chức tung còn đầu Xuân. Thông qua trò chơi dân gian truyền thống này, bà con gửi gắm ước vọng về một năm mới no ấm, bình an và đoàn kết.

Sáng sớm mùng 1 Tết, ngay giữa hội trường trung tâm thôn Đăk Xuân, mọi người cùng nhau dựng cột tung còn.

Loại cây được chọn làm cột còn thường là cây luồng hoặc cây lồ ô, thân to, cứng cáp và thẳng, cao từ 15 – 20m. Trên ngọn cây, người ta gắn cố định một vòng tròn gỗ được dán kín bằng giấy màu sặc sỡ. Tại vị trí được chọn để dựng cột còn, mọi người đặt lễ vật cúng thổ địa gồm đĩa bánh kẹo và 3 ly rượu gạo.

Người dân thôn Đăk Xuân tung còn đầu năm. Ảnh: TL
Người dân thôn Đăk Xuân tung còn đầu năm. Ảnh: TL


Già làng Luân Quang Phượng đại diện cho dân làng thắp hương bắt đầu cầu khấn: “Năm mới, ngày mùng 1, mấy con cháu mình tung còn vui vẻ, mỗi người đều khỏe mạnh, đoàn kết, làm ăn gặp nhiều may mắn, được nhiều lúa, nhiều cà phê, con cháu mọi người đều mạnh khỏe, vui vẻ”.

Xong nghi thức cầu khấn, cột còn mới được dựng. Nếu dựng cột còn là công việc đòi hỏi sự khỏe mạnh của những người đàn ông, thì làm quả còn lại là phần việc cần đôi tay khéo léo của người phụ nữ. Những quả còn sặc sỡ được khâu bằng vải nhiều màu sắc. Quả còn khâu thành hình vuông, chia làm 4 múi, bên trong được nhồi cát để tạo ra sức nặng có thể tung đi xa. Mỗi quả còn được treo trên một sợi dây vải bện chắc chắn, mỗi sợi vải treo còn được đính thêm những mảnh vải nhiều màu sắc, giúp quả còn dễ định hình khi được tung lên cao.

Già làng Luân Quang Phượng cho biết: Từ Cao Bằng vào đây sinh sống tại quê hương mới, bà con ở thôn Đăk Xuân luôn phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Mỗi năm, lễ hội tung còn đều được tổ chức để thể hiện sự đoàn kết, giao duyên với nhau, duy trì phát huy để con cháu sau này biết bản sắc dân tộc mình.

Thường thì ở trò chơi tung còn sẽ chia thành 2 phe nam và nữ, bắt cặp, đứng về 2 bên, lấy cột còn làm trung tâm và tung còn qua lại với nhau. Bên nào tung quả còn lọt qua tâm vòng tròn sẽ được bên kia trao tặng tiền lì xì hoặc tín vật.

Theo quan niệm, khi quả còn được tung lên, vượt qua được vòng tròn trên cao sẽ xua đi mọi bất hạnh trong năm cũ, mang lại may mắn cho chính người tung trúng và cho dân làng.

Bà Luân Thị Bay ở thôn Đăk Xuân cho biết, khi còn ở quê hương Cao Bằng, bà đã được nguời lớn dạy cách tung còn. Chính từ những lễ hội tung còn đầu Xuân này đã se duyên cho những cô gái thuở đôi mươi như bà Bay tìm được người tâm đầu ý hợp.

Với vị trí đứng cách xa hàng chục mét, để tung một quả còn trúng tâm vòng tròn trên cây cột cao 15 – 20m là thử thách không hề nhỏ đối với người chơi. Ngoài sự may mắn thì cần những kỹ thuật riêng từ cách quay dây còn cho đến lực tay và ngắm mục tiêu.

Anh Hoàng Quốc Trường ở thôn Đăk Xuân cho biết: Ném còn không dễ, tôi đã mất khoàng 3 - 4 tuần để tập luyện thành thạo kĩ năng ném còn. Mong muốn của tôi là tìm được một cô gái để trở thành ý trung nhân của mình.

Là trò chơi dân gian lâu đời gắn liền với lao động, đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào người dân tộc Nùng, tung còn không chỉ thể hiện sự khỏe mạnh, khéo léo và nhẫn nại của người chơi, mà còn là sợi dây kết nối tình làng nghĩa xóm, gắn kết tình cảm giữa con người trong những ngày đầu Xuân năm mới.

Với bà con người dân tộc Nùng ở làng Đăk Xuân, xa quê hương, tổ chức hội tung còn đầu Xuân còn là cách để bà con nhắc nhớ về cội nguồn, quê hương.

Ông Trương Văn Học - Bí thư Chi bộ thôn Đăk Xuân tự hào: “Điều rất đáng mừng là bà con dân làng nơi đây luôn nâng cao ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Ngoài hội tung còn đầu Xuân, bà con dân làng còn giữ gìn tục báo hiếu cha mẹ, hội say mả và lễ hội chăn trâu”.

Người Nùng quan niệm, ngày mùng 1 đầu Xuân là ngày dựng cột còn khai hội. Trong 3 ngày tết, bất kể là người trong làng hay khách phương xa đến đều có thể tham gia trò chơi này. Và đến ngày 15 âm lịch, cột còn mới được hạ.

Tung còn ngày xuân không chỉ là một trò chơi dân gian giải trí đơn thuần trong mỗi dịp Tết đến Xuân về, ẩn trong mỗi quả còn sặc sỡ tung bay trong gió xuân còn là ước vọng của bà con người dân tộc Nùng ở làng Đăk Xuân về một năm mới ấm no, hạnh phúc.


https://www.baokontum.com.vn/van-hoa-the-thao-du-lich/tung-con-dau-xuan-22644.html
 

Theo THI LOAN (baokontum)

Có thể bạn quan tâm

Mùi hương kỷ niệm

Mùi hương kỷ niệm

Mạ tôi suy nghĩ chừng lung lắm rồi quả quyết rằng, bánh gừng hoàn toàn được làm từ bột nếp rây mịn, qua ba ngày ba đêm ủ trong thúng ba ang với lá thầu đâu mà không hề dùng một loại men nào.
Người Việt ăn tết, chơi xuân

Người Việt ăn tết, chơi xuân

Từ “tết“ bắt nguồn từ từ “tiết“, chỉ thời điểm chuyển đoạn mang tính chu kỳ của thời tiết/khí hậu. Các cư dân làm nông dựa theo các tiết khí, theo sự biểu hiện của thời tiết, khí hậu, như: nhiệt độ, độ ẩm, nắng, mưa, gió, bão... liên quan đến sự phát triển của cây trồng, vật nuôi để định nông lịch.
Đầu năm nói chuyện ăn thịt dê lấy may

Đầu năm nói chuyện ăn thịt dê lấy may

(GLO)- Trong 12 con giáp, dê được xem là biểu tượng của tính ôn hòa, bình yên. Vì vậy, hình ảnh con dê được chế tác thành nhiều vật phẩm phong thủy để trưng bày và đeo trên người nhằm giúp chủ nhân thu hút vượng khí, may mắn. Cùng với đó, các món ăn chế biến từ dê còn bổ sung cho thực khách nhiều dinh dưỡng.
Không phải đào hay quất, loại mai "quốc hồn quốc tuý" này mới khiến nhiều người mê mẩn dịp Tết Nguyên đán 2022

Không phải đào hay quất, loại mai "quốc hồn quốc tuý" này mới khiến nhiều người mê mẩn dịp Tết Nguyên đán 2022

Cây dáng nhỏ, gốc rễ xù xì, hoa chúm chím, cánh mỏng manh trắng muốt, nhất chi mai (mai trắng) được được ví là loại hoa tinh khiết nhất trong “thập đại danh hoa“. Nhiều “thượng đế“ sẵn sàng rút hầu bao để sở hữu một cây mai trắng chơi Tết.
Câu chuyện "Nhâm Nhi Dần"

Câu chuyện "Nhâm Nhi Dần"

Xuất phát từ tình yêu, đam mê mỹ thuật, được truyền cảm hứng mạnh mẽ từ văn hóa dân gian Việt Nam, năm nay các họa sĩ trẻ của Lamphong Studio tiếp tục xây dựng dự án con giáp thường niên. Điểm nhấn Tết Nhâm Dần năm 2022 chính là hình tượng hổ ôm hoa sen, còn được gọi với cái tên Nhâm Nhi Dần.
Đi chợ Tết ở thành cổ Đà Nẵng

Đi chợ Tết ở thành cổ Đà Nẵng

Nhân dịp chào xuân mới Nhâm Dần 2022, Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức chương trình “Phiên chợ ngày Tết“ với nhiều hoạt động thú vị. Đây là nơi công chúng có thể hòa mình vào khung cảnh tươi vui, hối hả, rực rỡ sắc màu cùng các phong tục, trò chơi truyền thống trong dịp lễ tết của dân tộc và đắm mình trong những ký ức, hoài niệm đẹp đẽ của tuổi thơ.