"Thắp lửa" cho nghề rèn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nghề rèn luôn có vai trò quan trọng trong sản xuất và đời sống. Thời kỳ hội nhập, nghề rèn vẫn còn khẳng định vị trí trong các nghề truyền thống ở nhiều nơi, trong đó có huyện Chư Prông, Gia Lai. 
Một trong những hộ mở lò rèn lâu đời nhất ở xã Ia Drăng (huyện Chư Prông) là gia đình ông Hoàng Xuân Trường ở thôn Hợp Hòa. Ông Trường (quê tỉnh Hà Nam) năm nay bước sang tuổi 56 và bền bỉ “giữ lửa” nghề rèn truyền thống của dòng họ suốt hơn 40 năm qua. Hơi nóng lửa than, tiếng ống bễ phì phò, tiếng búa nện xuống đe chát chúa, tiếng mài ken két của kim loại đã trở thành một phần cuộc sống thường ngày của người thợ này.
 Hàng ngày ông Trường vẫn chuyên tâm bên lò rèn để sản xuất nông cụ. Ảnh: H.P
Hàng ngày ông Trường vẫn chuyên tâm bên lò rèn để sản xuất nông cụ. Ảnh: H.P
Từ sáng sớm, lò rèn của ông Trường đã đỏ lửa. Trong gian nhà rộng chừng 20 m2, 3 người đàn ông thoăn thoắt tay búa, đều và nhịp nhàng như múa. Để làm ra một sản phẩm, người thợ rèn phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ cắt sắt tạo hình, nung, đập, luyện, rồi lại nung, đập cho tới khi định hình sản phẩm thì đến khâu mài, giũa... Dường như những công đoạn ấy đã “ngấm vào máu” nên chẳng ai bảo ai mà thao tác vẫn thuần thục, thoăn thoắt.
Ông Trường và một người nữa phụ trách nung, gò sắt thành phôi. Khi chiếc quạt khò thổi lò than hồng rực, ông Trường nhanh tay cời than rồi cầm cây kẹp dài gắp từng lưỡi dao đưa vào, xoay trở vài lần cho nóng đỏ rồi chuyển ngay ra đe, quai từng nhát búa uy lực mà đầy khéo léo. Còn cháu trai ông Trường thì đảm nhận công đoạn mài chuốt cho lưỡi dao thật sắc. Cứ thế, “2 người làm nóng, 1 người làm nguội” rất nhịp nhàng.
Anh Chinh-cháu trai ông Trường-chia sẻ: “Đầu tiên, chú Trường nhờ tôi làm giúp một số việc ở đây. Tuy nhiên, càng làm, tôi càng thấy mê, rồi tự đến với nghề lúc nào không hay. Bây giờ, tôi cũng đã làm được một số công đoạn sau rèn như mài giũa sản phẩm”. Ông Trường cho biết thêm: “Ở đây chủ yếu làm sản phẩm dao cạo mủ cao su cho công nhân, ngoài ra cũng làm một số nông cụ khác cho bà con dân tộc thiểu số”. Nói về thu nhập từ nghề này, ông Trường quệt mồ hôi trả lời: “Chỉ đủ cho con cái ăn học thôi, chứ chẳng dư dả gì”.
Tranh thủ lúc nghỉ tay, ông Trường tâm sự: Từ bé, ông đã thấy ông nội, bố và các chú làm nghề rèn. Người dân trong vùng, thậm chí từ vùng khác cũng tìm đến đặt làm những vật dụng cần thiết trong gia đình và dụng cụ lao động như: dao, liềm, cuốc, rựa, xẻng, lưỡi cày… tùy theo nhu cầu. “Chẳng có món đồ nào làm khó được tay nghề của ông cụ thân sinh tôi cả. Cái khó nhất lúc ấy có lẽ là nguyên liệu sắt thép để rèn rất hiếm chứ không nhiều như bây giờ”-ông Trường kể. Nhờ siêng năng, chịu khó, năm 15 tuổi, ông Trường đã tự mình rèn hoàn chỉnh một sản phẩm, từ việc lựa chọn sắt, nổi lửa bếp lò cho đến nung, đe búa, hàn gò, cưa, mài…
Chiều muộn, chị H'Nul (công nhân Nông trường Cao su Đoàn Kết, Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông) ghé qua nhà ông Trường lấy dao cạo mủ. Khi tôi hỏi vì sao lại đặt làm ở đây, chị H'Nul tươi cười cho biết: “Chú Trường đánh dao tốt lắm, dao vừa sắc mà lại bền, cạo ra nhiều mủ. Người làng mình cũng hay lên đây đặt mà”.
Theo nghề suốt mấy chục năm nay nhưng chính ông Trường cũng phải ngậm ngùi: “Thực tâm, chúng tôi luôn muốn giữ lấy nghề rèn gia truyền, bởi đây là tâm huyết của cha ông mình để lại, là văn hóa và lịch sử của quê hương. Nhưng quả thực làm nghề “thổi lửa nung sắt” này rất cực nhọc, chỉ người sức dài vai rộng và kiên nhẫn với nghề thì mới theo được. Vậy nên con cháu không muốn nối nghiệp thì cũng khó trách”.
Theo ông Phạm Quý Ứng, Trưởng phòng Tài chính-Kế hoạch huyện Chư Prông, trên địa bàn hiện có 6 hộ làm nghề rèn. Tuy nhiên, đây chưa phải là con số chính xác vì có một số cơ sở không đăng ký. Địa phương cũng ghi nhận nghề này mang lại thu nhập chính cho hộ gia đình, giải quyết việc làm tại chỗ. Nhưng giờ đây, nói đến nghề rèn, đa số lớp trẻ đều lắc đầu. Đã thấy rõ sự mai một bởi sự thờ ơ của lớp người kế cận. Nên chăng địa phương cần quy hoạch nghề rèn thành một trong những nghề truyền thống cần được lưu tâm để đảm bảo tính kế thừa bền vững?
 HÀ PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp thành công ở tuổi 60

Khởi nghiệp thành công ở tuổi 60

(GLO)- Sau 36 năm làm cô giáo mầm non, năm 2017, bà Nguyễn Thị Cảm (SN 1961, thôn Thanh Giáo, xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ) nghỉ hưu theo chế độ. Thay vì chọn cuộc sống an nhàn, bà Cảm lại bước vào hành trình khởi nghiệp để xây dựng các sản phẩm cà phê mang thương hiệu của riêng mình khi đã ở tuổi 60.

Ksor Chiến quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương

Ksor Chiến quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương

(GLO)- Nhiều người trẻ rời quê lên phố tìm kiếm cơ hội việc làm, còn anh Ksor Chiến (SN 1996, làng Bía, xã Ia Chía, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) lại “bỏ phố về quê” để khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, hiện thực hóa ước mơ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Chị Nay H’Hiên-Bí thư Chi đoàn buôn Rưng Ma Nhiu-là điển hình làm kinh tế giỏi tại địa phương. Ảnh: Vũ Chi

Bí thư Chi đoàn Nay H’Hiên làm kinh tế giỏi

(GLO)- Không chỉ năng nổ, nhiệt tình với công tác Đoàn, chị Nay H’Hiên-Bí thư Chi đoàn buôn Rưng Ma Nhiu (xã Ia Rbol, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) còn là tấm gương tiêu biểu dám nghĩ, dám làm, quyết tâm khởi nghiệp, làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Anh Kpuih Xuân chăm sóc vườn cà phê của gia đình. Ảnh: M.K

Chàng trai Jrai trồng cây gì, nuôi con gì mà kiếm gần nửa tỷ đồng/năm?

(GLO)- Sau một thời gian làm công nhân tại tỉnh Bình Dương, năm 2020, anh Kpuih Xuân (28 tuổi, làng Tol, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã trở về làng khởi nghiệp từ nông nghiệp. Nhờ chịu khó học hỏi, cần cù và sáng tạo trong sản xuất, chàng trai Jrai đạt lợi nhuận gần nửa tỷ đồng/năm.

Chị Nguyễn Thị Thu Trang bên vùng nguyên liệu trồng hoa cúc chi hữu cơ. Ảnh: T.D

Cô gái 9X thành công với dòng trà “tiến vua”

(GLO)- Với mong muốn nâng cao giá trị cây dược liệu, năm 2023, chị Nguyễn Thị Thu Trang (SN 1990, trú tại thôn Tân Phong, xã Tân An, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) đã xây dựng vùng nguyên liệu hữu cơ và nghiên cứu cho ra đời dòng sản phẩm trà "tiến vua" từ hoa cúc chi.

Rmah Minh: Cán bộ trẻ năng động, nhiệt huyết

Rmah Minh: Cán bộ trẻ năng động, nhiệt huyết

(GLO)- Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Gào (TP. Pleiku) kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận làng C, Rmah Minh là nữ cán bộ trẻ năng động, nhiệt huyết. Chị đã tích cực làm công tác dân vận, giúp đỡ người dân nghèo vươn lên trong cuộc sống.

Thợ chụp ảnh kiếm cả triệu đồng mỗi ngày nhờ dịp tết

Thợ chụp ảnh kiếm cả triệu đồng mỗi ngày nhờ dịp tết

Khắp các địa điểm nổi tiếng ở TP.HCM như: Nhà văn hóa Thanh niên, chợ Bến Thành, Hội trường Thống Nhất… đều tấp nập người dân tham quan, chụp ảnh. Nhu cầu lưu giữ những khoảnh khắc đẹp dịp đầu xuân giúp các thợ chụp ảnh trở nên bận rộn, thậm chí kiếm được tiền triệu chỉ trong một buổi sáng.