Tháng 11 trên cao nguyên xanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tháng 11 trên cao nguyên, khúc hoan ca giao mùa làm lòng người xốn xang. Mùa của lá vàng rơi chao, chồi non mầm biếc nhấp nhú. Xanh biêng liêng bầu trời, gió heo may vờn vợn, vừa ánh tia nắng hồng đã vời vợi cao xanh. Có phải quá chiều lòng, vừa ý hay không mà lá hoa đáp tình bung bẩy sắc thắm, khiến con người cũng yêu lây khoảnh khắc giao mùa!
Vườn trong phố, công viên trong lòng Phố núi, ngoại ô thoáng đãng xanh mát luôn mời gọi lúc ta thấy lòng rêu phong, mệt mỏi. Cái căn cốt của con người yêu thiên nhiên, gắn bó với thiên nhiên dường như chưa bao giờ mất đi hoặc ít nhất khi nhu cầu gắn bó với thiên nhiên bị đe dọa con người càng có nhu cầu trở về trong vòng tay Mẹ thiên nhiên. Để che dịu phố hẹp, phố đông, phố chật chội người nêm, ta trồng cây trên mái nhà, trồng cây ngoài ban công, gom một rẻo đất bên hè thành vườn nhỏ xinh phủ bóng cây xanh, đủ tắm mát hồn ta những ngày oi ả, bức nồng.
Âu lo dịch bệnh bó hẹp chúng ta quanh bốn bức tường thô cứng. Ta giải phóng ngột ngạt bức bối bằng những vòm xanh của tán cành, bằng chăm chút, tỉa tót và… chiêm nghiệm, có nỗi buồn nào trong khoảnh khắc hương đưa từ nụ hoa vừa hé, chợt tan biến hư không. Vườn trong phố đôi khi chỉ thuần là một khoảnh đất nhỏ xinh, lọt thỏm trong nghênh ngang nhà cửa, là nơi trẻ con được nghịch đất, chơi đùa hay đạp xe trên cỏ mỗi cuối tuần. Vườn trong phố đôi khi chỉ trồng thuần một loại hoa yêu thích, như hoa hồng với đủ loại hồng bụi, hồng chùm, hồng leo, bán leo, thân gỗ... bung sắc hương mỗi độ đông về. Mồ hôi làm vườn giữa trưa chưa kịp thấm đã vội se mát, như cảm được cái thanh tao vừa nồng nàn của loài hoa Ngỗng Tuyết giữa chiều đông… Thiên nhiên hào phóng ban cho ta những sắc màu kỳ diệu, hương thơm huyền ảo không trùng lặp bao giờ. Vườn trong phố có khi là hàng cây ăn quả, quanh năm cành lá sum suê, trái ngọt mát lành. Vườn cây ăn quả trong phố, có thể xem là vẻ đẹp riêng của Phố núi, gọi cả ký ức tuổi thơ tôi trở dậy, những trưa hè không ngủ, í ới gọi nhau đi vặt quả, chuyền cây từ vườn nhà này sang vườn nhà kia. Dái mít, xoài non, mận chát… kết vị ngon lành trong êm dịu tuổi thơ. 
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Phố núi quê tôi đâu chỉ có vườn trong phố, còn có làng trong phố như một nỗi yêu thương, gần gũi. Làng mênh mang lúa chín, xanh mát cổ thụ, non tơ ngổn ngang bầu bí trĩu trịt giàn. Mồ hôi thấm xuống, bao cần mẫn nhọc nhằn nhú lên bằng mầm xanh, bằng tiếng cồng chiêng rộn rã, bồi hồi, thúc giục, nhắc nhớ những mùa lễ hội đã xa…
Tháng 11 về trên cao nguyên xanh, bát ngát gió, dã quỳ thắm ruộm triền đồi, uốn lượn trên những cung đường rực vàng nhấp nhô Phố núi, thấy se xót một mùa lễ hội dang dở như nỗi luyến tiếc của những người tình đau đáu nhớ nhau, mong nhau trong lỗi hẹn, cách xa. Dở dang đó mà vẫn cứ mong ngóng ngày bình yên cũ trở về, để những cái hẹn thôi không còn bóng khói. Ta về ngắm lại lòng mình, giữa bộn bề chênh chao, giữa bao day dứt không yên, giữa bức bối âu lo, tìm chút tươi xanh hiền hòa, bình yên với lá thắm hoa cười.
Bằng cách nào đó, giữa màu xanh của vườn, màu xanh của phố, của đồng bằng ngoại ô, ta đã nối kết tâm hồn và thể chất mình với thiên nhiên để tìm niềm an ủi, tìm sự an yên và chữa lành. Tôi muốn gọi đó là màu xanh nhân văn, màu xanh của tâm hồn mà sự hồi sinh nào cũng cần phải có… Dù vô thức hay tiềm thức, vô ý hay hữu tình, mấy ai không từng chút một thấm hút sắc xanh nuôi dưỡng tâm hồn, như một sự bù đắp và được đắp bù, vì chắc chắn một điều “thiên nhiên sẽ chẳng bao giờ phản bội trái tim yêu thương nàng!” (William Wordsworth).
KIM THOA

Có thể bạn quan tâm

Về Đak Trôi khám phá thác Ya Gloong

Về Đak Trôi khám phá thác Ya Gloong

(GLO)- Ẩn sâu trong núi rừng và có phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, thác Ya Gloong (thuộc địa phận làng Đăk Bớt, xã Đak Trôi, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) là điểm đến lý tưởng của du khách gần xa khi đến khám phá, chiêm ngưỡng.