(GLO)- Chỉ trong 2 ngày, Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh) đã liên tiếp phát hiện và xử lý 2 cơ sở chế biến mỡ bẩn trên địa bàn TP. Pleiku và huyện Đak Đoa. Điều đáng nói, cho đến thời điểm bị phát hiện, 2 cơ sở này đã hoạt động trong một thời gian dài và không ai biết đã có bao nhiêu tấn mỡ bẩn được tuồn từ đây ra thị trường.
Kiểm tra cơ sở chế biến mỡ của bà Lê Thị Thông. Ảnh: H.T |
Vào lúc 15 giờ 30 phút ngày 30-4, qua các biện pháp nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh) đã phát hiện một cơ sở chế biến mỡ bẩn tại nhà ông Võ Phương (thôn 7, xã An Phú, TP. Pleiku). Theo Đại tá Nguyễn Văn Minh-Trưởng phòng Cảnh sát Môi trường, người trực tiếp chỉ huy tổ kiểm tra, ngôi nhà của ông Phương nằm ở một khu vực khá hoang vắng. Khi tổ công tác có mặt, bên ngoài sân nhà ông Phương đang bày một đám mỡ bò đã bốc mùi hôi thối, bên trên đầy ruồi nhặng. Một phần số mỡ này đã biến đổi màu. Cùng thời điểm này, một nam thanh niên dùng xe rùa (loại xe nhỏ chở vật liệu xây dựng) đang bốc số mỡ này bỏ vào 2 chiếc chảo to trên bếp.
Kiểm tra tại khu vực bếp nấu nhà ông Phương, tổ công tác của Phòng Cảnh sát Môi trường phát hiện có 7 chiếc chậu nhôm loại lớn đựng nước mỡ đang được làm đông để đựng vào bao tải. Ngoài ra, tổ công tác còn phát hiện 7 bao tải đựng mỡ mới đông và một đám xác mỡ trải dưới nền bếp. Mở rộng kiểm tra tại dãy nhà chăn nuôi (chuồng heo cũ) gần đó, tổ công tác phát hiện 52 bao tải đựng mỡ đông. Đại tá Nguyễn Văn Minh cho biết, khối lượng mỡ đông bị phát hiện tại nhà ông Phương là 3,6 tấn và số xác mỡ là 1,6 tấn.
Theo xác minh, cơ sở chế biến mỡ động vật này là của bà Lê Thị Thông (SN 1959, trú tại thôn 5, xã An Phú). Tại thời điểm kiểm tra, bà Thông không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số mỡ tươi và mỡ đông trên cũng như giấy phép kinh doanh chế biến thực phẩm, giấy cam kết bảo vệ môi trường. Qua đấu tranh, bà Thông khai nhận, cơ sở này đã hoạt động từ đầu năm 2016 đến nay. Hàng ngày, bà Thông đi thu mua mỡ nguyên liệu tại các cơ sở giết mổ gia súc trên địa bàn TP. Pleiku đem về chế biến. Sau đó, bà Thông bán số mỡ đông và xác mỡ này cho một số tài xế xe tải ở ngoài tỉnh. Số mỡ và xác mỡ này, các tài xế chở đi đâu và sử dụng làm gì thì bà Thông không biết.
Từ ngày 16-11-2015 đến nay, Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh) đã phát hiện 16 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Phòng đã ra quyết định xử phạt 13 vụ với số tiền gần 65 triệu đồng; chuyển cơ quan chức năng xử phạt 1 vụ với số tiền 32 triệu đồng và đang điều tra làm rõ 2 vụ. |
Mở rộng đấu tranh với bà Thông, vào lúc 10 giờ 30 phút ngày 1-5, Phòng Cảnh sát Môi trường tiếp tục kiểm tra và phát hiện một cơ sở chế biến mỡ bẩn khác tại khu nhà rẫy của bà Lê Thị Thông tại thôn 2, xã Ia Băng (huyện Đak Đoa). Ngôi nhà rẫy này, bà Thông đã giao cho con trai mình đứng tên. Theo Trung tá Phạm Viết Xuân-cán bộ Phòng Cảnh sát Môi trường, tại thời điểm kiểm tra, tổ công tác phát hiện trên sân xi măng của cơ sở này đang bày 200 kg mỡ bò mới lấy về. Số mỡ này nhiều chỗ còn dính phân và bên trên đầy ruồi nhặng. Kiểm tra bên trong bếp, tổ công tác phát hiện 2 chiếc chảo gang loại lớn đang đun nấu mỡ bò và 3 bao tải chứa mỡ lỏng, 1 chiếc thau chứa mỡ đã đông. Tiếp tục kiểm tra bên trong ngôi nhà, tổ công tác phát hiện 33 bao tải đựng mỡ đông (tổng trọng lượng 2.145 kg) và 23 bao xác mỡ (tổng trọng lượng 1.035 kg). Qua đấu tranh, bà Thông khai nhận, cơ sở này đã hoạt động từ tháng 11-2015 và cũng không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số mỡ tươi và mỡ đông; không có như giấy phép kinh doanh chế biến thực phẩm, giấy cam kết bảo vệ môi trường.
Sau khi kiểm tra và phát hiện 2 cơ sở chế biến mỡ bẩn trên, Phòng Cảnh sát Môi trường đã tiến hành lập biên bản niêm phong toàn bộ số tang vật giao cho chủ cơ sở quản lý. Về việc số mỡ này được chuyển đi đâu và sử dụng vào mục đích gì, Đại tá Nguyễn Văn Minh cho biết, đơn vị sẽ điều tra làm rõ. Đồng thời, Đại tá Minh khẳng định, đơn vị sẽ tiếp tục xác minh và xử lý nghiêm hành vi vi phạm của bà Lê Thị Thông theo quy định của pháp luật.
Vĩnh Phúc-Hữu Trường