Thái Lan giành 4 điểm sau 2 trận, tuyển Việt Nam chịu sức ép không nhỏ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những thắng lợi đầu tiên của Thái Lan, UAE và Malaysia tạo thành áp lực vô hình đè nặng lên đôi vai các tuyển thủ Việt Nam tại vòng loại thứ hai World Cup 2022.

 


Thái Lan dẫn đầu với 4 điểm. UAE và Malaysia xếp kế tiếp với cùng 3 điểm. Trong nhóm 4 ứng viên (quá nhiều cho một bảng đấu có 5 đội), Việt Nam là cái tên duy nhất chưa có chiến thắng và đang bị bỏ lại phía sau.

Áp lực vô hình từ điểm số

3 điểm nhiều hơn của Thái Lan, 2 điểm nhiều hơn của UAE, Malaysia tạo ra một áp lực vô hình đè nặng lên HLV Park Hang Seo và đội tuyển Việt Nam trên chặng đường còn lại tại vòng loại World Cup 2022. Có nhiều điểm hơn Việt Nam nghĩa là Thái Lan (và cả Malaysia lẫn UAE) không buộc phải thắng khi đối mặt chúng ta.

Lợi điểm của Thái Lan tới từ việc họ đã thi đấu hai lượt trận còn khi tuyển Việt Nam mới ra sân một lần trong tháng 9. Đương nhiên, do bảng G có 5 đội nên Thái Lan cũng sẽ tới lúc nghỉ thi đấu như Việt Nam. Nhưng cách biệt ở vạch xuất phát, khi mọi thứ chưa bước vào giai đoạn căng thẳng rõ ràng là ưu thế lớn.


 

 Indonesia (áo đỏ) bị đánh giá là đội bóng yếu nhất bảng G. Ảnh: Getty.
Indonesia (áo đỏ) bị đánh giá là đội bóng yếu nhất bảng G. Ảnh: Getty.



Lợi điểm ban đầu ấy sẽ giúp Thái Lan được quyền tính toán trong những trận gặp đối thủ trực tiếp. Trước Malaysia, UAE hay Việt Nam, Thái Lan thắng thì tốt, hòa cũng không sao. Họ chỉ cần không thua nên sở hữu lợi thế tâm lý lẫn chiến thuật đáng kể so với một đội bóng buộc phải thắng.

Muốn xóa đi lợi thế của đối thủ, cách nhanh nhất là tuyển Việt Nam phải thắng Malaysia trong trận đấu ngày 10/10 và thắng tiếp Indonesia trên sân khách sau đó 5 ngày. Nhưng đây lại là một thử thách khác dành cho HLV Park Hang-seo bởi ba lần gặp nhau gần nhất ở các giải chính thức, Việt Nam đều không thắng nổi Indonesia.

Khả năng lấy điểm của đội cuối bảng

Dựa trên kết quả hai lượt trận đầu, có thể sớm kết luận Indonesia là đội bóng yếu nhất tại bảng G. Nhưng cũng vì vậy, họ là đội nắm giữ chìa khóa cho cuộc đua tới vòng loại thứ ba.

Thể thức vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á cho phép 8 đội nhất bảng và 4 đội hạng nhì có thành tích tốt nhất vào vòng trong. Nếu không thể giành ngôi đầu bảng, các đội hạng nhì cần tích lũy nhiều điểm nhất có thể. Khả năng giành điểm của họ sẽ liên quan trực tiếp tới sức mạnh của đội bóng cuối bảng, cụ thể ở đây là Indonesia.

Tại vòng loại World Cup 4 năm trước, Iraq, Syria, UAE và Trung Quốc là bốn đội nhì bảng đã giành vé đi tiếp. Họ đều nằm ở những bảng đấu mà các đội bét bảng Đài Loan (Trung Quốc), Campuchia, Bhutan, Timor-Leste không giành nổi điểm nào.

Ở chiều ngược lại, Yemen, Lào, Ấn Độ và Bangladesh là bốn đội cuối bảng đã giành được ít nhất 1 điểm. Bốn bảng đấu họ hiện diện, không một đội nhì bảng nào có vé đi tiếp.

Vì vậy, nếu Indonesia giành được dù chỉ 1 điểm, đội nhì bảng G, nơi Việt Nam hiện diện, sẽ tạm biệt giấc mơ World Cup.

Viễn cảnh ấy hoàn toàn có thể xảy ra bởi so với Lào hay Bangladesh, Indonesia không hề yếu hơn. Họ thậm chí mạnh ngang Ấn Độ và chỉ thua kém chút ít so với Yemen.

Việc Indonesia rơi vào nhóm hạt giống số 5 là hệ quả từ án phạt cấm thi đấu ban hành bởi FIFA tại vòng loại World Cup 2018. Án phạt ấy khiến họ không được tham dự các trận vòng loại, không thể tích lũy điểm số, mất vị trí trên bảng xếp hạng FIFA và do đó rơi xuống nơi không tương xứng với thực lực nền bóng đá.

Đây là lý do nhiều người bảo bảng G là bảng đấu khó nhất vòng loại World Cup châu Á.


 

 Tới từ nhóm hạt giống số một nhưng UAE (trắng) không quá mạnh so với các đối thủ ở bảng G. Ảnh: Minh Chiến.
Tới từ nhóm hạt giống số một nhưng UAE (trắng) không quá mạnh so với các đối thủ ở bảng G. Ảnh: Minh Chiến.



Cục diện phức tạp của bảng G

Với tuyển Việt Nam, ngôi nhì bảng lại là mục tiêu theo đuổi hợp lý nhất. Đoàn quân của HLV Park Hang-seo đã rơi vào một bảng đấu quá phức tạp với các đội bóng có thực lực không khác biệt nhiều.

UAE dĩ nhiên là đội mạnh nhất bảng G. Đoàn quân Tây Á có mặt ở vòng loại cuối World Cup gần nhất, đã vào tới bán kết Asian Cup 2019 và đang được dẫn dắt bởi Bert van Marwijk lừng danh.

Dù vậy, họ cũng không thể áp đảo Malaysia ở trận đấu hôm 10/9 vừa qua. Trước đó, họ cũng bị Thái Lan cầm hòa khi đôi bên gặp nhau tại vòng bảng Asian Cup 2019.

Giống như Việt Nam, Thái Lan và Malaysia đều là những nền bóng đá đang vươn mình khỏi khu vực. Thái Lan hiện có ba cái tên chơi bóng ở Nhật Bản, góp mặt ở vòng 16 đội Asian Cup và đang được dẫn dắt bởi một trong những HLV vĩ đại nhất lịch sử châu Á. Malaysia sở hữu thành tích ở các giải châu lục chỉ kém Việt Nam, thắng chính Thái Lan trước khi giành á quân AFF Cup 2018.

Sự đồng đều của họ (và tuyển Việt Nam) khiến cơ hội cho từng cái tên ở bảng G bị chia đều. Tại vòng loại World Cup 2018, các đội nhì bảng phải giành tối thiểu 17 điểm sau 8 trận (không tính Iraq tại bảng H chỉ có 6 trận).

Với Việt Nam, giả định tốt nhất là Quang Hải và đồng đội kiếm được 1 điểm trước UAE, thắng Thái Lan ở Mỹ Đình và hạ Malaysia, Indonesia trong cả 4 trận còn lại. Chúng ta đã mất 2 điểm đầu tiên trước người Thái ở Thammasat.

Nói vòng loại World Cup 2022 là chiến dịch khó khăn nhất từ khi HLV Park Hang-seo có mặt tại Việt Nam cũng không hề sai.

 Nguồn: Zing News
 

Có thể bạn quan tâm

Cậu bé nghèo trở thành nhà vô địch ASEAN Cup 2024

Cậu bé nghèo trở thành nhà vô địch ASEAN Cup 2024

(GLO)- Châu Ngọc Quang cùng đội tuyển Việt Nam vừa lên ngôi vô địch tại ASEAN Cup 2024. Với tiền vệ của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), thành tích trên là trái ngọt sau những nỗ lực không ngừng của một cậu bé lớn lên từ vùng quê nghèo khó.

Đội tuyển Việt Nam và vận hội mới

Đội tuyển Việt Nam và vận hội mới

Chức vô địch AFF Cup 2024 không chỉ giúp hàng chục triệu người hâm mộ VN có được niềm vui sau nhiều năm bóng đá VN 'khát' danh hiệu, mà còn là bước khởi đầu mới đầy thuận lợi cho thầy trò HLV Kim Sang-sik hướng đến những mục tiêu quan trọng trong tương lai.