(GLO)- Khi nhà nhà đoàn viên quây quần bên mâm cỗ cuối năm thì những người trồng dưa “du mục” phải đón Tết ở nơi đồng không mông quạnh, trong những căn lều bạt tuềnh toàng bên ly rượu nhạt.
Những nhà nông…du mục
Người trồng dưa chăm bẵm dưa như đứa con của mình nên không thể đón Tết cùng gia đình. Ảnh: Văn Ngọc |
Họ tự nhận mình là những người du mục. Cả năm, họ đi từ vùng này đến vùng khác ngắm nghía những thửa ruộng phì nhiêu rồi thuê đất, dựng lều. Cái lều ấy họ gọi nó là nhà. Họ vẫn có những ngôi nhà đúng nghĩa như bao gia đình khác nhưng nó ở Bình Định, ở Phú Yên – nơi quê hương chôn rau cắt rốn. Cái nghiệp nông trang buộc họ phải khăn gói đến những vùng đất lạ, những vùng đất để cây dưa hấu có thể cho quả ngọt. Năm trước họ đi Kông Chro, năm sau họ đến Ia Pa, rồi Krông Pa, rồi vùng biên giới Ia Lâu, Ia Mơr của huyện Chư Prông hoặc qua đến tận Đak Lak… Họ cứ đi, đi mãi đến quên tháng ngày. Cái lịch ngày tháng của họ được mặc định đổi theo lịch của những cây dưa kể từ ngày ươm hạt, nảy mầm. Bởi thế, đã từ lâu họ không được đón một cái Tết sum vầy bên gia đình nữa mà chỉ là mâm cơm cúng đơn sơ vội vã với con gà, ly rượu. Với những lão nông quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” ấy thì Tết có lẽ chỉ là ngày ruộng dưa cho một mùa màng bội thu.
Những ngày cuối năm, Tết vẫn ở đâu đó chưa về tới cánh đồng xã Ia Tul, huyện Ia Pa. Sáng sớm tinh mơ, bước ra khỏi căn lều nhỏ, thấy từng cơn gió lạnh lạ lẫm thốc vào tấm bạt, ông Nguyễn Văn Đa (trú huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) bỗng cảm thấy chạnh lòng. Ở trong những ngôi làng sau cánh đồng, người dân đã rục rịch sắm Tết với chậu cúc, cành mai. Ông hiểu rằng, Tết đã đến gần lắm rồi. Và ông biết, mình sẽ lại phải đón một cái Tết hiu quạnh nơi đất khách quê người. Lão nông trạc ngoại ngũ tuần ấy sẽ đón Tết ở cái lều bạt tạm bợ nằm trơ trọi giữa ruộng dưa xanh ngát. Đã 4 tháng rồi, ông cùng vợ và hai con trai dắt díu lên mảnh đất nơi xứ lạ này để thuê đất trồng dưa. Dưa lớn đã ra đôi ba nhánh, bỗng dòng nước lũ đổ về khiến hơn 2,2ha dưa hấu chìm trong nước lũ. Hàng vạn gốc dưa bị cuốn trôi, ông đành phải dằn lòng làm bầu trồng lại lứa dưa mới trên đống hoang tàn.
Tết của những người trồng dưa là ở những cánh đồng. Ảnh: Văn Ngọc |
Sáng 28 Tết, trò chuyện với ông bên chén trà, trong cái căn chòi thông thốc gió lùa, ông kể cho chúng tôi nghe về những tháng ngày du mục nay đây mai đó của mình. Ông bảo vợ chồng ông đã gắn bó với cái nghề trồng dưa đã hàng chục năm nay. Ở vùng quê Tây Sơn, nhà ông chỉ có vài sào lúa, quanh năm bám vào đó và đôi con bò không đủ cho bốn miệng ăn nên “bụng đói thì cái chân phải bò”. Vợ chồng ông buộc phải tìm lên miền ngược, đi khắp vùng cao nguyên để kiếm kế sinh nhai bằng nghề trồng dưa này. Ban đầu chỉ có hai vợ chồng, sau ông kéo theo con trai cả và bây giờ cậu út mới học lớp 11 thì bỏ học giữa chừng ông cũng đưa đi. Ông bảo: “Phải đưa nó đi để nó đi để nó biết ba má nó khổ như thế nào để kiếm đồng tiền, chứ nhiều người trồng dưa, để con cái ở nhà tụi nó đàn đúm hư hỏng hết”.
Mùa xuân trên cánh đồng
Chép miệng để cảm nhận vị đắng chát của loại chè thứ cấp, ông lại cười xuề xòa: “Đời trồng dưa nay đây mai đó thế mà hay, thằng lớn theo tui lên đây mà lấy được vợ ở Ayun Pa, tui tự dưng cũng có thông gia ở chỗ này, vậy là lời to rồi chi nữa”. Nhưng trong ánh mắt xa xăm nhìn về những ngôi làng thấp thoáng, ông vẫn đượm buồn về những ngày tháng đón Tết xa nhà. “Chòi của tui có 9 người thì có 3 cô xin về ăn Tết với chồng con, còn lại 6 người vẫn phải ở lại “trực chiến” vì dưa đang tuổi lớn, cần công để ghim dây lại không gió nó tạt đi. Cũng muốn về ăn Tết ở quê chứ, vui lắm, đi thăm bà con xóm giềng rồi uống vài ly rượu nói chuyện khề khà. Nhưng giờ công việc bù đầu thế này bận đến nỗi chả còn nhớ đến Tết, chỉ buổi tối trước khi đi ngủ thì buồn thật, lại phải nhờ ông nội qua thắp giùm nén nhang cho nhà đỡ hiu quạnh…” – ông Đa buồn bã.
Căn chòi tuềnh toàng 9 người ở của gia đình ông Nguyễn Văn Đa. Ảnh: Văn Ngọc |
Sáng 28 Tết, khi những người làm công đã khăn gói về quê ăn Tết, vợ chồng anh Lê Tiến Văn vẫn phải nai lưng trên ruộng dưa thuộc cánh đồng xã Chư Mố. Đôi vợ chồng trẻ nhưng cũng đã ngót 5 năm bám trụ với nghề này cũng đã quá thấu hiểu nỗi cô quạnh cũng như vất vả khi không được đoàn tụ với gia đình. Trước ngày đi, vợ chồng anh đành phải gửi gắm hai đứa con nhỏ cho ông bà rồi hẹn một ngày về no ấm. Anh Văn chia sẻ: “Nếu dưa lớn đều thì giờ quả đã lớn cả, chỉ cần một mình tui ở lại trông coi còn vợ về với lũ nhỏ, ăn Tết ở quê sẽ vui hơn. Nhưng mất mấy sào bị lũ lụt, giờ phải trồng lại nên công nhiều mà người làm họ về cả rồi mình đâu có thể về được, gia sản cả mà. Cũng không ai muốn cuộc sống nay đây mai đó thế này, nhưng vì mưu sinh, để kiếm miếng cơm manh áo mà thôi. Xa quê hương, xa gia đình cũng nhớ thật nhưng riết rồi cũng quen. Chỉ mong xong vụ dưa bán được nhiều tiền mang về quê là vui rồi”.
Bên cạnh chòi của anh Văn là 5-6 căn chòi khác của các “đồng nghiệp”. Cười tâm sự rằng, tối tối anh em vẫn hay ngồi lại với nhau để kể chuyện đời san sẻ bớt nỗi buồn, niềm vui. Ngày Tết, họ cũng đã bàn với nhau sẽ gom góp mua con gà luộc rồi thắp nén nhang cúng gia tiên, mua tấm bánh tét cho có vị Tết rồi sẽ cùng nhau đón Xuân ở nơi xa với những người lạ này. Sẽ lại thêm một cái Tết không trọn vẹn nữa với những người trồng dưa du mục như ông Đa, như anh Văn. Và sẽ lại là cái Tết mà món quà quý giá nhất họ nhận được, có lẽ chỉ là lời chúc một mùa vụ thuận buồm xuôi gió, từ những người như chúng tôi…
Lê Văn Ngọc