Tăng thu nhập từ bán sản phẩm truyền thống dịp Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)-Nắm bắt nhu cầu của người dân thường mua các sản phẩm truyền thống để sử dụng, tặng người thân hoặc trang trí nhà cửa đón Tết, nhiều nghệ nhân, hộ biết dệt thổ cẩm và đan lát đẹp trên địa bàn tỉnh đã tăng cường sản xuất để cung ứng ra thị trường. 

Chúng tôi đến làng Chuét Ngol (xã Chư Á, TP. Pleiku) khi các thành viên của Tổ dệt thổ cẩm của làng đang miệt mài dệt các sản phẩm để kịp giao cho khách trước Tết Nguyên đán. Trò chuyện với chúng tôi, ai nấy đều phấn khởi vì đây là thời điểm họ có thu nhập cao nhất trong năm từ nghề dệt thổ cẩm.

ba-hyut-va-em-gai-tranh-thu-det-tho-cam-ban.jpg
Bà H'Yứt và em gái tranh thủ dệt thổ cẩm bán trong dịp Tết. Ảnh: H.T

Bà H’Yứt (làng Chuét Ngol) cho biết: Năm nào cũng vậy, cứ từ tháng 9 âm lịch, nhu cầu mua sản phẩm thổ cẩm để mặc hoặc tặng cho người thân, bạn bè vào dịp Lễ Giáng sinh và Tết nguyên đán của người dân tăng cao. Do đó, công việc dệt thổ cẩm của các thành viên đều hơn và thu nhập cũng cao hơn nhiều so với các tháng trước. Riêng năm nay, người dân đặt mua sản phẩm thổ cẩm do các thành viên trong tổ dệt nhiều gấp đôi so với năm trước.

“Tổ dệt thổ cẩm làng Chuét Ngol hiện có 6 thành viên. Để đảm bảo số lượng sản phẩm giao cho khách, tổ chia làm 2 nhóm để dệt các sản phẩm. Riêng nhóm của tôi từ đầu tháng 9 đến nay đã dệt được hơn 100 bộ váy nữ, 20 áo nam, 10 khố nam, trừ chi phí, lãi hơn 160 triệu đồng”-bà H’Yứt cho hay.

Còn chị Ksor H’Nguyệt thì phấn khởi cho biết: “Các tháng trước, thu nhập từ dệt thổ cẩm của tôi chỉ khoảng 3 triệu đồng/tháng. Những tháng gần đây, ngoài dệt thổ cẩm bán, tôi cũng nhận may váy thổ cẩm cho người dân trong làng nên thu nhập đạt từ 12-15 triệu đồng.

tu-thang-9-den-nay-nhom-cua-ba-hyut-da-det-ban-hon-100-bo-vay-tho-cam-cung-nhieu-kho-ao-nam.jpg
Từ tháng 9 đến nay, nhóm của bà H'Yứt đã dệt bán hơn 100 bộ váy thổ cẩm cùng nhiều khố, áo nam. Ảnh: H.T

Thường xuyên đặt mua sản phẩm thổ cẩm của Tổ dệt thổ cẩm làng Chuét Ngol, bà Ksor Krố (làng Pleiku Roh, phường Yên Thế, TP. Pleiku) cho hay: Sản phẩm thổ cẩm do các thành viên của tổ dệt có chất liệu bền và hoa văn sắc sảo nên tôi thường xuyên đặt mua về cho cả nhà mặc. Dịp này, tôi đặt mua 10 bộ váy thổ cẩm cho người thân cùng mặc trong những ngày vui xuân.

Tương tự, nhiều phụ nữ ở xã Ia Ka (huyện Chư Păh) cũng “ăn nên làm ra” nhờ dệt hoặc may các sản phẩm thổ cẩm bán dịp Tết Nguyên đán 2025. Bà Rơ Châm H’Ken-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ia Ka-cho hay: Với hơn 100 phụ nữ biết may, dệt thổ cẩm, hiện nay, xã đã thành lập được Câu lạc bộ Phụ nữ dệt thổ cẩm. Các thành viên tích cực hướng dẫn cho nhau kinh nghiệm dệt và tìm đầu ra sản phẩm. Những tháng gần đây, những hộ dệt hoặc may các sản phẩm thổ cẩm đẹp trên địa bàn xã đều nhận được nhiều đơn đặt hàng của khách hàng trong và ngoài tỉnh nên cũng có thu nhập đáng kể.

Bà Siu H’Phưl (làng Mrông Yố 1, xã Ia Ka) chia sẻ: “Hàng ngày, tôi mua vải do phụ nữ trong làng dệt để may các sản phẩm thổ cẩm như: váy, áo, khố, túi đựng điện thoại, ba lô, mũ.... Các tháng trước, mỗi tháng, tôi chỉ bán được 130-150 sản phẩm, trừ chi phí, lãi gần 10 triệu đồng/tháng. Từ cuối tháng 10 âm lịch đến nay, mỗi tháng tôi may bán được gần 200 sản phẩm thổ cẩm các loại. Trừ chi phí, tôi lãi từ 15-20 triệu đồng/tháng”.

Bên cạnh các sản phẩm thổ cẩm, thời điểm này, các sản phẩm đan lát của người Bahnar, Jrai tại một số làng đồng bào dân tộc thiểu số cũng thu hút nhiều khách hàng đặt mua để sử dụng hoặc trang trí nhà cửa, quán cà phê đón Tết Nguyên đán.

z6261524846224-5daaa943d249db9301450c21edc90a1b.jpg
Năm nay, ông Rinh nhận được nhiều đơn đặt hàng mua các loại gùi nhỏ để trang trí cho dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Nhật Hào

Nghệ nhân Rinh (làng Ngơm Thung, xã Ia Pết, huyện Đak Đoa) cho biết: Năm nay, lượng khách đặt mua gùi tăng cao, nhất là loại gùi có kích thước nhỏ để trang trí tại các quán cà phê. Để kịp có sản phẩm giao cho khách, ông phải huy động thêm vợ và con trai cùng đan. Tính từ tháng 9 âm lịch đến nay, gia đình ông bán được hơn 400 chiếc gùi với giá từ 100-200 ngàn đồng/chiếc. Sau khi trừ chi phí gia đình ông lãi gần 60 triệu đồng.

Cách đó không xa, gia đình ông Ngao (làng Ngơm Thung) cũng đang tranh thủ đan gùi để kịp giao cho khách trước Tết Nguyên đán. Ông Ngao cho biết: Do nguyên liệu đan gùi ngày càng khan hiếm nên gia đình tôi chỉ nhận một lượng đơn hàng phù hợp. Mỗi ngày, gia đình tôi đan 5 chiếc, với giá bán 180-200 ngàn đồng/chiếc, trừ chi phí, gia đình tôi lãi gần 800 ngàn đồng/ngày.

nha-rong-mo-hinh-nha-san-mo-hinh-cung-duoc-nhieu-nguoi-ua-chuong-dat-mua-trong-dip-giap-tet-nguyen-dan.jpg
Nhà rông mô hình, nhà sàn mô hình cũng được nhiều người ưa chuộng đặt mua trong dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Nhật Hào

Trao đổi với P.V, Ông Y Gia Long-Trưởng thôn Ngơm Thung-cho hay: Làng hiện có hơn 200 hộ biết đan gùi, trong đó có gần 100 hộ đan thường xuyên. Nhờ được các cấp, ngành hỗ trợ tìm kiếm đầu ra sản phẩm nên những năm gần đây các hộ đan lát có thu nhập ổn định. Riêng những tháng giáp Tết Nguyên đán năm nay, các hộ nhận được nhiều đơn đặt mua gùi của khách hàng trong và ngoài tỉnh, trong đó, có những hộ thu nhập từ 12-15 triệu đồng/tháng.

Có thể bạn quan tâm