(GLO)- 6 tháng đầu năm 2022, mặc dù tai nạn giao thông (TNGT) đã được kiềm chế và kéo giảm về số vụ và số người chết nhưng vẫn thiếu tính bền vững; tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) vẫn còn xảy ra ở mức cao. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, P.V Báo Gia Lai có cuộc phỏng vấn ông Lê Văn Hạnh-Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông-Vận tải, Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh.
![]() |
Ông Lê Văn Hạnh. Ảnh: Lê Anh |
- Ông LÊ VĂN HẠNH: 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 167 vụ TNGT, làm 124 người chết và 137 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2021, TNGT giảm 4 vụ, giảm 3 người chết nhưng tăng 2 người bị thương. Trong đó, TNGT liên quan đến người dân tộc thiểu số xảy ra 70 vụ, làm 54 người chết và 54 người bị thương (giảm 14 vụ, giảm 9 người chết và tăng 1 người bị thương so với cùng kỳ năm ngoái).
Đạt được kết quả trên là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh và tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể, địa phương trong triển khai các giải pháp bảo đảm TTATGT.
* P.V: Mặc dù TNGT toàn tỉnh đã được kiềm chế và kéo giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, đặc biệt, có một số địa phương tăng cao cả 3 tiêu chí. Vậy đâu là nguyên nhân chính, thưa ông?
- Ông LÊ VĂN HẠNH: Trong 6 tháng đầu năm 2022, có 3 địa phương tăng cả 3 tiêu chí TNGT so với cùng kỳ năm 2021 là huyện Kông Chro, Chư Prông và thị xã Ayun Pa. Riêng huyện Đak Đoa giảm số vụ, số người bị thương nhưng tăng cao số người chết do TNGT.
Nguyên nhân TNGT chủ yếu do ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của một bộ phận người dân chưa cao; kiến thức về an toàn giao thông, kỹ năng điều khiển phương tiện còn hạn chế. Tình trạng thanh-thiếu niên càn quấy, điều khiển xe mô tô sau khi đã uống rượu bia, không đội mũ bảo hiểm, chở nhiều người, phóng nhanh, vượt ẩu, cố tình vi phạm pháp luật vẫn còn diễn ra nhưng xử lý chưa triệt để. Lực lượng Cảnh sát Giao thông làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm còn mỏng, chưa khép kín địa bàn. Bên cạnh đó, sự vào cuộc của một số địa phương, nhất là ở cấp xã trong công tác bảo đảm TTATGT chưa thực sự quyết liệt. Công tác tuyên truyền còn đơn điệu, chưa có sự phối hợp hiệu quả giữa các ngành, cơ quan, đơn vị của địa phương; chưa bố trí hợp lý các lực lượng để tập trung tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đối với xe mô tô vào khung giờ cao điểm, trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ qua địa bàn.
* P.V: Để kiềm chế, kéo giảm TNGT một cách bền vững, theo ông thì các ngành, địa phương cần có những giải pháp cụ thể như thế nào?
- Ông LÊ VĂN HẠNH: Nhằm phấn đấu kéo giảm TNGT 5-10% cả 3 tiêu chí so với năm 2021, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo, triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 200/KH-UBND ngày 27-1-2022 của UBND tỉnh về Năm An toàn giao thông 2022; Thông báo số 63/TB-VP ngày 18-4-2022 về kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban An toàn giao thông tỉnh tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm TTATGT quý I-2022.
Cụ thể, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tập trung ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với đặc điểm cộng đồng dân cư; phát huy hiệu quả tuyên truyền của hệ thống thông tin cơ sở; chú trọng biện pháp tuyên truyền, giáo dục cá biệt và quản lý thanh-thiếu niên, nhất là thanh-thiếu niên dân tộc thiểu số. Bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông; tiếp tục rà soát, xử lý kịp thời các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT; đánh giá hiện trạng công tác bảo trì, nâng cao điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng đường bộ do địa phương quản lý. Tăng cường công tác theo dõi, xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải thông qua thiết bị giám sát hành trình và camera giám sát trên các phương tiện kinh doanh vận tải. Duy trì hoạt động hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn, người chưa đủ tuổi điều khiển mô tô, các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT; kiểm soát tải trọng phương tiện, kích thước thành thùng hàng. Cùng với đó, phát huy vai trò của thành viên Ban An toàn giao thông các cấp được phân công phụ trách địa bàn; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc triển khai nhiệm vụ bảo đảm TTATGT ở địa phương và lực lượng chức năng trong thực thi công vụ.
* P.V: Xin cảm ơn ông!
LÊ ANH (thực hiện)
![]() |