Khi dịch Covid-19 bùng phát, xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm - Hội An) cũng bị 'bế quan tỏa cảng' dù chỉ cách TP.Hội An chừng 20 phút đi ca nô.
Đại dịch xảy ra, xã đảo vắng lặng - Ảnh: H.T |
Xã đảo một thời nhộn nhịp du khách thập phương, giờ bình lặng đến khó tin...
Ra đảo phải có giấy phép
8 giờ sáng, chúng tôi rời cảng Cửa Đại. Cảng một thời đông đúc là thế với hàng trăm lượt tàu thuyền, ca nô xuất bến mỗi ngày đưa hàng ngàn du khách, người dân ra vào đảo. Nhưng giờ vắng hoe. Chúng tôi được xuất bến cũng phải sau một thời gian chờ đợi được “cấp phép”.
Chỉ có những chuyến chở hàng hóa, nhu yếu phẩm cung cấp cho người dân trên đảo còn qua lại. Những người làm việc tại cảng lấy làm vui khi còn nhìn thấy những chiếc xe chở hàng để tin rằng hoạt động bán mua còn hiện diện trong mùa dịch bệnh Covid-19. Nhắc lại, kể từ giữa tháng 3.2020, đặc biệt từ khi Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm) càng thêm nghiêm ngặt. Tất cả người dân muốn rời đảo hoặc đến xã đảo đều phải có giấy phép do Chủ tịch UBND xã cấp. Tất cả phương tiện tàu thuyền, ca nô du lịch đều bị cấm hoạt động, duy nhất chỉ có tàu hàng vận chuyển nhu yếu phẩm, 3 ngày được ra đảo một lần.
Tàu chuẩn bị khởi hành cũng là lúc bác tài và phụ xe lần lượt chuyển những thùng hàng, có ghi đầy đủ rõ ràng họ tên, số điện thoại người nhận, lên tàu. Anh Lê Khởi Minh (ở thôn Bãi Ông, xã đảo Tân Hiệp) vào Hội An làm nghề lái taxi. Gần một tháng tròn, anh chưa về thăm nhà. Hôm nay muốn ra đảo, nhưng đành bất lực đứng nhìn, vì không có “giấy phép”...
Không riêng gì anh Khởi, mà nhiều người bà con, họ hàng thân thích với cư dân xã đảo cũng không ra được trong ngày hôm ấy. “Đây là quy định bắt buộc. Vì mình cũng là vì sự an toàn của bà con xã đảo, nên chấp hành thôi. Cố gắng chờ vài bữa hết dịch, hết kiểm tra rồi về thăm nhà cũng được. Ai cũng cố gắng mới tốt cho xã hội, cho gia đình mình”, anh Khởi bộc bạch.
Kiểm tra y tế trước khi cho lên đảo Cù Lao Chàm - ẢNH: C.N |
Khi tàu cập cảng, các nhân viên y tế ở xã đảo phun tiêu độc, khử trùng ngay. Tất cả hành khách bắt buộc phải khai báo y tế, lịch trình di chuyển và kiểm tra thân nhiệt. Một số người dân đi khám bệnh hoặc có công việc gia đình rời đảo dài ngày, khi trở lại đảo được khuyến cáo cách ly tại gia đình 14 ngày, để đảm bảo an toàn cho cộng đồng. Ông Trần Văn Đức (thôn Bãi Ông) vào Hội An chữa bệnh, khi trở lại đảo đã khai báo y tế đầy đủ, thân nhiệt ổn định nhưng vẫn được bác sĩ Bệnh viện Quân dân y trên đảo khuyên nên cách ly ở nhà, hạn chế tiếp xúc cộng đồng. Bà Phạm Thị Mỹ Hương, Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp, giải thích rằng việc cấp phép ra/vào đảo là chuyện... không thể không làm.
“Vì đảo thì nhỏ mà nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh từ nơi khác xâm nhập lại rất lớn. Chúng tôi bắt buộc phải thực hiện quy định người dân rời đi và quay lại đảo phải có giấy phép. Đáng mừng là người dân đồng thuận, chấp hành tốt, mặc dù lúc đầu còn trở ngại do bà con chưa hiểu hết tác hại của đại dịch”, bà Hương nói thêm.
Nhàn nhã nhịp sống cũ
Mỗi ngày, Cù Lao Chàm đón trên 2.000 lượt du khách đến tham quan, nghỉ ngơi và tắm biển. Con số này cộng với dân cư hiện sinh sống trên đảo nhỏ trở thành áp lực nặng nề cho ngành du lịch, nhất là đối với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An. Ở đảo, nhà nhà chuyển từ ngư nghiệp sang làm dịch vụ, du lịch. Hàng loạt homestay, rồi nhà hàng, quán xá chuyên bán thủy hải sản ào ạt mọc lên “cuốn” cư dân xã đảo cũng vào guồng phục vụ du lịch...
Vắng khách, người dân Cù Lao Chàm quay lại nghề cũ: vá lưới, đi biển… - ẢNH: C.N |
Vậy mà, từ sau Tết Canh Tý đến nay, đảo Cù Lao Chàm vắng bóng du khách. Tất cả hoạt động kinh doanh đều ngưng trệ. Thu nhập giảm sút.
Nhiều gia đình không chịu khoanh tay đứng nhìn, kêu than để được hỗ trợ. Họ nhanh chóng chuyển đổi, trở lại nghề xưa - ngư nghiệp, để cải thiện đời sống. Những năm trước, gia đình ông Hồ Thương (ở thôn Bãi Làng) có thu nhập khá ổn định nhờ vào kinh doanh homestay và làm dịch vụ cho du khách, thu mỗi năm cả trăm triệu đồng. Khi dịch bệnh bùng phát, chính quyền Hội An cấm du khách ra đảo, ông chuyển sang đánh cá, nghề truyền thống mà bà con trên đảo Cù Lao Chàm vốn dĩ quen tay.
“Thời điểm này năm ngoái làm chi có chuyện ngồi mà đan lưới như ri? Ai cũng bận rộn đón khách. Nhưng bữa ni dịch bệnh, vợ chồng tôi chuyển qua đan lưới để chuẩn bị ra khơi kiếm con cá về bán”, ông Thương trải lòng. Có điều, giá bán ra cũng thấp hơn trước. Thời điểm du khách đông đúc, mỗi ký cá bán được hơn 100.000 đồng, giờ chỉ còn phân nửa. “Chủ yếu kiếm thêm thực phẩm cho bữa ăn và bán cho bà con. Rứa là tự lo cho mình được rồi”, ông nheo mắt.
Rời Bãi Làng, chúng tôi đến Bãi Hương và bất ngờ chứng kiến cảnh nhiều phụ nữ ngồi dọc bờ biển, dưới bóng dừa xanh mát, để đan lưới. Cảnh đan lưới này trước đây hiếm lắm, bởi Bãi Hương luôn thu hút lượng khách đông đảo tìm đến vì nguồn thủy hải sản tươi ngon, nên phụ nữ nơi đây luôn bận rộn với chuyện bán buôn. Giờ, bỗng chốc nghề đan lưới như được hồi sinh. Người người trong thôn cùng giúp nhau những công việc nặng nhọc.
Chị Phạm Thị Bê kể, từ ngày xảy ra dịch bệnh, vắng du khách nên người dân thất thu đáng kể. “Mình làm con cá, con mực bán mua đồng ra đồng vô cũng nhờ khách du lịch. Hồi có khách, thu nhập tốt thì gia đình tiêu thoải mái chút, chừ thì tiện tặn lại. Bà con ai cũng cố gắng”, chị Bê chia sẻ.
Thời xã đảo yên bình, UBND xã đảo Tân Hiệp thống kê bình quân mỗi ngày một người dân địa phương làm dịch vụ cũng dễ bỏ túi 200.000 đồng. Nay nhiều người đành quay lại bám biển mà sống. “Sản xuất không có gì to tát, nhưng được duy trì nên xã đảo không có trường hợp nào quá khó khăn. Thực tế là bà con ai cũng có việc nên yên tâm với cuộc sống hiện tại. Hy vọng dịch bệnh sớm qua, khách du lịch lại đến với hòn đảo xinh đẹp này”, bà Phạm Thị Mỹ Hương nói.
Qua rồi thời “náo nhiệt” với đông đúc du khách, những hộ dân ở xã đảo đẩy thuyền ra biển. Hộ nào không có thuyền thì rủ nhau đi bắt ốc, vú nàng, vú sao... Ở thôn Bãi Ông, những ngày nắng ráo, người dân còn tranh thủ lên rừng hái lá, phơi khô tích trữ để bán làm nguyên liệu nấu nước uống khi du lịch phục hồi, số khác tỉ mẩn đi hái rau rừng chuyển vô đất liền bán. Ở thôn Bãi Hương, nhiều người quay lại nghề đan lưới... Vắng du khách, nhịp sống Cù Lao Chàm như quay về những năm 90 của thế kỷ trước, đều đều, nhàn nhã, không nặng nề bon chen. Bà con nhẹ nhàng giúp nhau, cùng hít thở bầu không khí tươi mát ở khu dự trữ sinh quyển thế giới...
|
Theo Hữu Trà (thanhnien)