Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 khiến cho những chủ nhân trẻ của đất nước, những sinh viên thời 4.0 cũng thấy mình không thể đứng yên.
Những sinh viên đầy nhiệt huyết và sức trẻ tại đại hội đại biểu Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM. Ảnh: MỸ QUYÊN |
Tại Đại hội đại biểu Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM diễn ra sáng nay 27.12, vấn đề sinh viên thời 4.0 cần chuẩn bị gì để có thể tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đã được đặt ra như một định hướng quan trọng.
Nhiều vấn đề đặt ra cho giáo dục ĐH
PGS-TS Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc thường trực ĐH Quốc gia TP.HCM, có mặt tại đại hội, đã đưa ra những con số đáng suy ngẫm đối với giáo dục ĐH về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
PGS-TS Vũ Hải Quân cho biết: “Theo dự báo của tổ chức McKinsey công bố năm 2018 thì đến năm 2030, 70% công ty khắp thế giới sẽ sử dụng trí tuệ nhân tạo và GDP toàn cầu sẽ tăng 13 nghìn tỷ USD. Đến năm 2030, tỷ lệ tự động hóa đối với tất cả các công việc ở Hoa Kỳ sẽ là 38%, ở Nhật Bản là 24% và ở Hàn Quốc là 22% và trung bình ở các nước thuộc OECD (Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế) sẽ là 14%. Điều này có nghĩa là nhiều việc làm sẽ được tự động hóa, robot hóa, tỷ lệ thất nghiệp sẽ gia tăng”.
PGS Quân nhấn mạnh trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn sẽ có vị trí quan trọng nhất, cụ thể trí tuệ nhân tạo góp phần làm tăng tuổi thọ trung bình thêm 3 tuổi, nâng độ chính xác chuẩn đoán bệnh lên 95%, tăng năng xuất lao động thêm 10%, cải tiến độ chính xác dự báo tài chính lên 95%; nâng tỷ lệ điều tra, phá án thành công lên 90% và giảm diện tích rừng bị tàn phá 10%...
“Từ đó, giáo dục ĐH trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 phải vận động để giải quyết rất nhiều câu hỏi. Sự thay đổi quá nhanh của công nghệ khiến cho nghề nghiệp nào bị biến mất, nghề nghiệp nào sẽ xuất hiện mới và nghề nghiệp nào sẽ được xã hội ghi nhận? Đâu là chuẩn kiến thức tối thiểu của người tốt nghiệp ĐH trong thế kỷ 21, là cơ sở để chuẩn bị cho hành trình tự học tập của sinh viên sau này? Đặc biệt là trong bối cảnh máy móc ngày càng có thể thực hiện nhiều công việc hơn. Liệu là trong 50 năm tới, sự sáng tạo của con người sẽ bị ảnh hưởng bởi vì chúng ta luôn đặt mọi thứ phải nhanh hơn, chính xác hơn, hoàn hảo hơn? Và cuối cùng chúng ta sẽ hành xử như thế nào, theo các chuẩn mực gì? Trên một lượng lớn dữ liệu lớn xuyên biên giới, xuyên văn hoá, liệu máy tính có thể hiểu và phân biệt được nhân phẩm, sự đồng cảm của mỗi người khác nhau là khác nhau?”, PGS-TS Vũ Hải Quân nêu vấn đề.
Sinh viên không thể đứng ngoài cuộc
Sau khi tiếp nhận rất nhiều thông tin về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 từ PGS-TS Vũ Hải Quân, Đinh Thanh Toàn, sinh viên năm 3 ngành khoa học máy tính, Trường ĐH Công nghệ thông tin – ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết: “Là sinh viên thì càng không thể đứng ngoài cuộc. Vì thế, ngay từ bây giờ sinh viên tụi em phải chuẩn bị tâm thế để sẵn sàng tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Để không bị tụt lại phía sau, không bị đào thải, em nghĩ mỗi bạn phải tự mình cập nhật thêm những tri thức mới, kỹ thuật, công nghệ mới của nhân loại. Đồng thời đề cao tinh thần sáng tạo, tìm tỏi, học hỏi để có thể áp dụng được những kiến thức mới đó vào đời sống thực tế”.
Đinh Thanh Toàn cho rằng sinh viên cần cập nhật kiến thức, công nghệ mới. Ảnh: MỸ QUYÊN |
Theo Toàn, bên cạnh đó sinh viên phải năng động, trải nghiệm thật nhiều mới đón nhận và rèn luyện được những kỹ năng mới. Bản thân Toàn tham gia rất nhiều hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng như Xuân tình nguyện, Mùa hè xanh… Từ đó, các kỹ năng như làm việc nhóm, quản lý thời gian, xử lý tình huống… được nâng cao rõ rệt. Không những thế còn giúp Toàn nhận ra vai trò của mỗi cá nhân trong cộng đồng và có ý thức trách nhiệm hơn với xã hội.
Trong khi đó, Trần Mỹ Phương, sinh viên ngành công nghệ thủy văn, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 khiến cho sự cạnh tranh về việc làm ngày càng gay gắt hơn. Vì vậy, sinh viên cần phải chuẩn bị cho mình một hành trang thật tốt.
Trần Mỹ Phương mong muốn sinh viên chủ động, sáng tạo, nhiệt huyết. Ảnh: MỸ QUYÊN |
“Em nghĩ sinh viên cần chủ động cập nhật kịp thời những công nghệ, kỹ năng mới. Ngoại ngữ cũng vô cùng quan trọng vì có ngoại ngữ mới có cơ hội tiếp cận những tri thức tiên tiến của nước ngoài. Trang bị kỹ năng mềm cũng là một yếu tố cốt lõi vì chính nó góp phần quyết định năng lực làm việc, hiệu quả công việc. Chủ động, sáng tạo, nhiệt huyết và không ngừng học hỏi sẽ là những tố chất mà một sinh viên trong thời đại 4.0 cần có để đáp ứng yêu cầu của thực tế”, Mỹ Phương nhìn nhận.
Hoàng Trọng Nhân, sinh viên năm 3 ngành quan hệ quốc tế Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết mình chủ động tìm hiểu rất kỹ về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và nhận thấy sinh viên thời 4.0 cần phải nghĩ khác, làm khác, chứ không thể “an phận đứng nhìn”. “Em tham gia rất nhiều các hoạt động trong trường và ngoài trường học, các cuộc thi, các dự án… Em học tiếng Anh, tiếng Đức và tận dụng mọi cơ hội để tham gia các cuộc giao lưu với doanh nghiệp, với sinh viên nước ngoài… Đó là cách mà em tự định hướng cho mình để có thể trang bị các kiến thức, trải nghiệm quý giá, nắm bắt thời cuộc, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của thực tế sau khi ra trường”, Nhân chia sẻ.
Theo Mỹ Quyên (TNO)