Sắp xếp, bố trí cán bộ lãnh đạo cấp xã sau sáp nhập ở Kon Tum

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum vừa ban hành Kết luận số 2593-KL/TU ngày 8/5/2025 về một số nội dung liên quan đến công tác nhân sự cấp ủy cấp xã (sau khi hợp nhất, sáp nhập, thành lập mới).

Kết luận với các định hướng, tiêu chuẩn được đặt ra hết sức cụ thể đã lần nữa khẳng định vai trò, tầm quan trọng của việc sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ là yêu cầu hết sức cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

sapxep.jpg
Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị trực tuyến thông báo kết quả Hội nghị Trung ương khóa XIII về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18 đến các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Ảnh: NP

Cùng với cả nước, tỉnh Kon Tum đang khẩn trương rà soát, sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức nói chung, cán bộ lãnh đạo các đơn vị hành chính cấp xã nói riêng sau khi hợp nhất, sáp nhập, thành lập mới. Với quan điểm thực hiện đầy đủ các quy định, hướng dẫn về công tác cán bộ, đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan, Kết luận số 2593-KL/TU quy định rõ phân cấp cán bộ quản lý cấp xã, định hướng bố trí cán bộ lãnh đạo cấp xã, về tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo cấp xã sau khi hợp nhất, sáp nhập, thành lập mới. Trong đó, tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo cấp xã cơ bản thực hiện theo Quy định số 89-QĐ/TW, ngày 4/8/2017 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 13/4/2025 của Bộ Chính trị, Quy định số 294-QĐ/TU, ngày 24/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và quy định của ban thường vụ các huyện ủy, thành ủy. Ngoài ra, cán bộ lãnh đạo cấp xã phải đảm bảo các tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn cụ thể. Trong đó, phải đảm bảo 5 tiêu chuẩn chung như: có bản lĩnh chính trị vững vàng; phẩm chất đạo đức, lối sống gương mẫu; có năng lực cụ thể hóa và tổ chức thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có tư duy đổi mới, tầm nhìn, phương pháp làm việc khoa học, hiệu quả, nói đi đôi với làm, năng động, sáng tạo, dám nói, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có thành tích, kết quả công tác và “sản phẩm” cụ thể trong địa bàn, lĩnh vực công tác được giao; có trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, quản lý nhà nước đáp ứng yêu cầu; đủ sức khỏe và bảo đảm tuổi bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử theo quy định.

Ngoài 5 tiêu chuẩn chung, Kết luận số 2593-KL/TU còn quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với ủy viên ban chấp hành, ủy viên ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, chủ tịch HĐND, phó chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND và phó chủ tịch UBND.

Rõ ràng, vào thời điểm này, khi toàn Đảng đang khẩn trương triển khai cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, tiến tới chính quyền địa phương 2 cấp (từ 1/7/2025) và tích cực chuẩn bị đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV thì Kết luận số 2593-KL/TU càng có ý nghĩa thiết thực trong việc sắp xếp, bố trí nhân sự cấp ủy cấp xã sau khi hợp nhất, sáp nhập, thành lập mới bảo đảm tiêu chuẩn, cơ cấu, thật sự tiêu biểu cho trí tuệ, phẩm chất, năng lực của đảng bộ.

Bác Hồ từng nhấn mạnh: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hay kém”. Từ các quy định của Đảng và Kết luận số 2593-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, việc sắp xếp, bố trí cán bộ có đạo đức, có năng lực, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã - cấp gần dân nhất và bước đầu, trực tiếp giải quyết các tâm tư, nguyện vọng của nhân dân - để bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp sau sắp xếp hoạt động hiệu lực, hiệu quả là nhiệm vụ hết sức quan trọng.

2sx.jpg
Cán bộ cấp xã thường xuyên thăm hỏi, động viên, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế. Ảnh: N.P

Với những cán bộ, đảng viên nhận được sự tin tưởng, tín nhiệm, bố trí tham gia nhân sự cấp ủy cấp xã sau khi hợp nhất, sáp nhập, thành lập mới là vinh dự lớn, song cũng là trách nhiệm rất nặng nề trước yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước nói chung, của tỉnh, của xã nói riêng trong thời kỳ mới. Bởi, cán bộ lãnh đạo cấp xã sau khi hợp nhất, sáp nhập, thành lập mới sẽ phải quản lý địa bàn rộng lớn, quy mô dân số đông hơn, khối lượng công việc nhiều hơn và quyết định nhiều vấn đề quan trọng, có quy mô, sức ảnh hưởng lớn hơn. Đặc biệt, trước những vấn đề thực tiễn cuộc sống đang đặt ra hiện nay, nhân dân ngày càng mong đợi nhiều hơn ở đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã, phải là những người thật sự xứng tâm, xứng tầm, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm, nói đi đôi với làm, phải là những người không chỉ có trí tuệ, năng lực, bản lĩnh mà còn là sự chân thành, gần gũi, gắn bó với nhân dân.

Dưới có vững thì trên mới bền chắc được. Nói cách khác, công tác cán bộ không phải chỉ chú trọng đến các cấp trung ương, cấp tỉnh, mà phải bắt đầu ngay từ cấp cơ sở, từ những cán bộ thường xuyên gần dân, sát dân, lắng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và trực tiếp, đầu tiên giải quyết những vướng mắc phát sinh từ cơ sở.

Từ các tiêu chí chung và tiêu chí cụ thể mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quy định, các địa phương khi “chọn mặt gửi vàng” đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã (sau khi hợp nhất, sáp nhập, thành lập mới) phải đảm bảo quy trình, quy định, chú trọng về tiêu chuẩn chính trị, trình độ, năng lực công tác, uy tín, phải thể hiện được vai trò hạt nhân lãnh đạo, là tấm gương mẫu mực về sự đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, đóng vai trò then chốt, quyết định sự phát triển của địa phương trong giai đoạn mới.

Theo Nguyên Phúc (baokontum.com.vn)

Có thể bạn quan tâm

Vì việc chọn người

Vì việc chọn người

Phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 11 BCH Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh đề nghị phải lấy tiêu chuẩn cao nhất là vì yêu cầu công việc, sau đó mới đến các tiêu chí khác, liên quan đến vấn đề sắp xếp nhân sự khi sáp nhập, hợp nhất và nhân sự Đại hội đảng bộ các cấp.