Hoài niệm Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thế là tôi đã có gần 40 cái Tết với Pleiku rồi. Không biết như thế là dài hay ngắn nhỉ? Dài ngắn chả biết nhưng đã có đến 3 thế hệ nhà tôi ăn Tết ở đây. Thế hệ đầu tiên là tôi, tất nhiên. Ăn 3 cái Tết cô đơn ở Pleiku thì… lấy vợ. Và sinh ra thế hệ thứ 2. Hai đứa con gái dẫu giờ làm việc ở Sài Gòn nhưng gần như Tết nào cũng về Pleiku. Nói gần như vì đã có Tết chúng tôi vào Sài Gòn và phải nói thật, buồn ơi là buồn. Dường như nơi ấy không dành cho mình. Giờ thế hệ thứ 3 là cháu ngoại cũng vẫn tụ tập về Pleiku ăn Tết.

Pleiku thành quê rồi.

 

Ảnh: Lê Anh Tuấn
Ảnh: Lê Anh Tuấn

Tết Pleiku vừa đa thanh, đa sắc. Rộng hơn là một cái Tết đa dạng, đa phong cách, đa văn hóa. Nó chứa trong mình nhiều mảng văn hóa để tạo nên một cái Tết nhiều màu sắc, từ hình thức đến nội dung, từ tâm linh đến vật chất.

Bản thân Pleiku so với 2 đô thị thủ phủ cấp tỉnh bên cạnh là Buôn Ma Thuột và Kon Tum cũng có nhiều cái khác. Pleiku được hình thành bởi nhu cầu của chiến tranh, là một thị xã của lính. Trong khi đó, Kon Tum ra đời sớm hơn và dấu ấn kiến trúc Pháp khá rõ. Kon Tum và Buôn Ma Thuột có chiều sâu và trầm tích, có truyền thống và nối tiếp…

Đặc trưng cơ bản của Pleiku một thời là những dãy phố ngắn, hẹp, nhà vách ván mái tôn, nhiều khu gia binh ở những con đường chính, ngăn cách bằng những hàng rào kẽm gai và cọc sắt. Ít có những gia đình từng nhiều thế hệ ở đây.

Thế nhưng, chỉ mấy chục năm, nó đã khác hoàn toàn. Nhiều thế hệ được sinh ra và lớn lên. Cư dân ở khắp nơi đổ về đây và chọn đây là quê với cách thiết kế cuộc sống vững bền, lâu dài. Mỗi người từ mỗi nơi lên mang theo văn hóa vùng miền của mình. Truyền thống quê hương, truyền thống gia đình, truyền thống dòng họ… giao thoa với hàng xóm, với cư dân bản địa tạo thành nhiều mảng văn hóa trong một văn hóa tổng thể.

Và Tết là cách, là lúc, là nơi người ta bộc lộ văn hóa truyền thống của gia đình, quê hương một cách rõ rệt nhất.

Cũng khó nói là bây giờ văn hóa Gia Lai nói chung, Pleiku nói riêng chịu ảnh hưởng nhiều nhất của vùng miền nào.

Loại trừ yếu tố văn hóa bản địa thì một thời Pleiku mang đậm sắc thái văn hóa miền Trung, mà gần nhất là Bình Định. Đơn giản thôi, cư dân Bình Định ở đây đông hơn, lâu hơn và bản thân Bình Định cũng là một vùng văn hóa mạnh. Những cư dân Bình Định đầu tiên men theo đèo An Khê lên vùng đất Tây Sơn Thượng đạo theo 3 anh em nhà Tây Sơn lập căn cứ kháng chiến, để rồi từ đấy chiêu mộ quân sĩ lập thành một đội quân hùng mạnh thẳng tiến Thăng Long, mở ra một thời kỳ mới của dân tộc. Điều ấy ai cũng biết, nhưng tôi lại đặc biệt chú ý đến một chi tiết thấm đẫm chất văn hóa, hết sức lãng mạn và nhân văn, ấy là việc vua Quang Trung cho ngựa trạm xuyên đêm chạy về Phú Xuân mang cành đào xứ Bắc về cho công chúa Ngọc Hân, chứng tỏ một tình yêu nồng nàn của vị vua áo vải với cô công chúa Hà thành cành vàng lá ngọc.

An Khê có thể gọi là đất trung chuyển của Bình Định và Gia Lai, những cư dân Bình Định đầu tiên tiếp tục di chuyển lên đến Pleiku.

Bánh tráng, bénh tét củ kiệu, bánh khô, bò thưng, mai, vạn thọ… là một phần của văn hóa ấy. Kèm với nó là bài chòi, tuồng, lô tô… đến giờ đã dần mất đi bởi rất nhiều yếu tố khách quan chi phối.

Những cư dân Bình Định đầu tiên quần tụ thành xóm, người già truyền cho người trẻ, nếp quê và gia phong, văn hóa và phong tục… Họ giữ ngọn lửa truyền thống của quê hương, đời này lưu cho đời khác…

Nhóm cư dân thứ 2 mang văn hóa Bắc vào. Ban đầu là dăm gia đình di cư năm 1954 rồi được đưa lên cao nguyên trung phần làm ăn sinh sống. Đến sau năm 1975 thì từng nhóm cộng đồng lớn đổ vào. Đi kinh tế mới theo chính sách thời bấy giờ có, di dân tự do có, vào nhận công tác sau khi tốt nghiệp các trường đại học có, bộ đội chuyển ngành có… Họ tạo thành một tiểu vùng văn hóa. Bánh chưng, giò thủ, dưa hành, tranh Đông Hồ, đặc biệt là hoa đào, pha vào phong vị Tết cao nguyên những màu sắc mới, vừa hòa quyện vừa tách bạch, vừa uyển chuyển vừa tự tôn, vừa giữ gìn vừa phá cách, trộn lẫn mà vẫn rõ ràng, có cái gì đấy tươi mới trên nền truyền thống để phù hợp với miền đất mới.

Dân tộc Việt là dân tộc phải di dân nhiều, chủ yếu là về phương Nam. Trong quá trình ấy, người Việt vừa khai phá vừa ngóng chờ, vừa đi tới vừa dùng dằng, vừa hăm hở vừa lưỡng lự… những trạng thái của người phải rời bỏ quê cha đất tổ đi kiếm ăn, đi mở cõi. Tôi cho rằng, bài ca hay nhất của người Việt về chia cắt là bài Lý Hoài Nam, dân ca Quảng Bình. Thời Trịnh Nguyễn, Quảng Bình là đất được chọn để chia đôi đất nước. Những người con đất Việt, nhìn dải Hoành Sơn dằng dặc, đèo Ngang ngút ngát, chỉ đành ngẩng mặt lên trời ngắm mây bay và… khóc: “Chiều ơ chiều là chiều ơ chiều, dắt ơ bạn ơ dắt ơ bạn ơ đèo qua đèo tà là đèo qua đèo, chim ơ kêu chim ơ kêu tình kêu chi bên nớ úy... óa... chi rứa...chi rứa ức ức, con vượn trèo tà là trèo con vượn trèo đi bên đi ơi hỡi con vượn trèo là đi bên ni…”. Những câu lý khiến người thời nay dẫu chả phải chia ly gì, chả cách biệt gì lớn nhưng mỗi lần nghe hò lên là lại xao xuyến quặn thắt.

Những người ở Gia Lai, ở Pleiku bây giờ cũng thế. Cứ Tết là nhớ, cứ Tết là về. Nói là Bắc nhưng trong ấy cũng có nhiều tiểu vùng khác nhau nữa. Nghệ khác Thanh, Thanh khác Hà Nam, Hải Dương, Hà Nội... Bình Định cũng là nói chung thế, trong ấy còn nhiều vùng nữa. Tất cả giờ là cư dân Pleiku, cư dân Gia Lai. Và, Tết bao giờ cũng 2, 3 quê. 2 thành phố lớn ở 2 đầu đất nước là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cứ Tết là vợi hẳn người, khiến nhiều người sáng 30 Tết ra đường dụi mắt: Mình có mơ ngủ không, hôm qua mới nghìn nghịt người nhích từng bước, hôm nay thênh thang. Nhưng Pleiku không thế, ít người ở quê đến khi qua Tết, mà phần lớn là chọn trước hoặc sau Tết mới về quê thăm viếng bố mẹ ông bà, còn lại những ngày chính Tết thì ở Pleiku, bởi đấy bây giờ là quê họ, dẫu là quê thứ 2 nhưng lại là chính, bởi vợ con gia đình ở đấy. Nhà ai cũng có bàn thờ, ngày 30 và mùng 1 Tết (Âm lịch) cũng cúng như ở quê, dẫu là cúng vọng. Chỉ cần lệch giờ đi một tí, các cụ sum vầy với bà con ở quê xong là… bay vào với con cháu ở Pleiku. Giờ thế giới phẳng. Ngày xưa các cụ đã đằng vân rất giỏi rồi, giờ thêm phương tiện hiện đại, enter phát, các cụ có mặt ngay.

Chả biết có phải là do giao thoa văn hóa không mà ngay thời tiết cao nguyên mỗi Tết cũng mỗi khác. Có Tết lạnh xuýt xoa xứ Bắc, có lãng đãng chút sương mù nữa. Lại có Tết nắng chang chang đặc sản phương Nam, lại có năm se se như thu, không nắng không mưa, gió the thẩy trong ảo mờ nắng mảnh, người ảo mờ trong mắt nhau, trong cái rạo rực thiêng liêng mỗi năm chỉ một lần được hưởng, để cứ như chỉ một bước nữa thôi là không bao giờ có nữa, chỉ một chút nữa thôi là mãi mãi không bao giờ còn khoảnh khắc vừa thiêng liêng vừa thần tiên ấy.

 

Gói bánh tét. Ảnh: Lê Anh Tuấn
Gói bánh tét. Ảnh: Lê Anh Tuấn

Tết chung cho mọi người, cho cả dân tộc này. Nhưng cũng có Tết cho từng con người cụ thể. Tết rất giống nhau nhưng Tết cũng rất khác nhau.

Đã từng có những cái Tết ở Pleiku mà chúng tôi… đói. Ấy là Tết độc thân nhưng không về quê. Hồi ấy mua vé xe rất khó, thi thoảng cơ quan cho một chuyến xe IFA chở anh em về quê. Xe IFA không có ghế, ngồi và đứng lổn nhổn sau thùng mà chạy ra tận Nam Hà, Hải Dương, còn lại thì tự xếp hàng mua vé mà đi. Mua không được thì ở lại. Các anh chị có gia đình ở tập thể cơ quan thì một là cũng khổ, hai là ai cũng tưởng có người mời chúng tôi rồi nên... thôi. Bếp ăn tập thể nghỉ từ 28 Tết, lúc này ở Pleiku hàng quán cũng nghỉ từ 23 tháng Chạp, phải sau rằm mới bán lại, chả như giờ bán đến tận tối 30 rồi chiều mùng 1 đã mở lại. Có tí tiêu chuẩn Tết thì chén từ… trong Tết, thế là mấy ngày Tết đành lang thang, nằm nghĩ đến nhà ai có thể được mời ăn cơm uống rượu. Mì tôm thời ấy cũng hiếm. Có hôm nghĩ mãi đến một giờ chiều chả ra ai bèn dậy nấu cơm ăn với… nước mắm. Có năm mùng 2 Tết phi xuống làng họa sĩ Xu Man. Làng không ăn Tết Nguyên đán nhưng có cơm và rượu cần. Ở lút đấy cho đến ngày đi làm lại mới về.

Tết, cho đến bây giờ vẫn luôn thiêng liêng và ấm cúng. Giữ được không khí thiêng liêng, nhất là lúc Giao thừa và sự ấm cúng của sum họp, của gặp gỡ những ngày đầu năm, cả cái bâng khuâng của một chiều cuối năm, khi mà chỉ mấy tiếng đồng hồ nữa, năm cũ sẽ qua, năm mới sẽ tới, vừa khó mà vừa dễ. Khó vì ngày càng hiện đại, lớp trẻ bây giờ chỉ cần một lúc ra siêu thị, rồi về một cú điện thoại kêu dịch vụ nhà sạch đến là nhà cửa sạch tưng, đồ đạc đầy nhà. Thích nữa thì có luôn dịch vụ làm cỗ mang đến, cả nhà chỉ việc ngồi vào ăn. Cũng là một cách. Nhưng tôi vẫn thích cái không khí chiều 30, cả nhà tíu tít, mỗi người một tay sửa soạn nhà cửa, rồi làm cỗ thắp hương ông bà, rồi có một khoảng riêng trong cái chiều 30 tấp nập ấy mà ngồi với vài bạn thân, thật thân, có khi chỉ ngồi, chả nói gì, nghe chiều chầm chậm trôi giữa mùi hương ngan ngát và ly rượu cuối năm vừa ngọt vừa cay, như tiễn đi một khúc thời gian mà mỗi người được quyền có trên đời. Đấy là điều dễ. Dễ là, trong mỗi chúng ta vẫn có một góc thiêng liêng dành cho Tết và vì thế mà Tết mãi mãi trường tồn trong tâm thức người Việt.

Hoàng Hương Giang

Có thể bạn quan tâm

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cùng kiều bào thả cá chép tiễn ông Táo

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cùng kiều bào thả cá chép tiễn ông Táo

Chiều 26/1, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân cùng đông đảo kiều bào về dự chương trình Xuân quê hương 2019, đã thực hiện nghi thức thả cá chép tại Hồ Gươm, theo truyền thống của dân tộc Việt Nam, nhân dịp Tết ông Công ông Táo (23 tháng Chạp hàng năm), cầu cho quốc thái dân an, đất nước thái bình, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc.
Món ăn ba miền đậm nét văn hóa ngày Tết cổ truyền

Món ăn ba miền đậm nét văn hóa ngày Tết cổ truyền

Đối với người Việt, Tết cổ truyền không chỉ là thời khắc được quay quần bên gia đình, người thân, bạn bè mà còn là nét văn hóa truyền thống đã có từ hàng ngàn năm nay. Dù cuộc sống có bộn bề, thiếu thốn thì mỗi gia đình người Việt Nam đều cố gắng chuẩn bị một cái Tết thật vui vẻ, tươm tất nhất có thể.
Rộn ràng chuẩn bị đón năm mới

Rộn ràng chuẩn bị đón năm mới

(GLO)- Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán 2018. Năm nay, dù kinh tế còn khó khăn nhưng người dân trên địa bàn tỉnh vẫn cố gắng chuẩn bị cho gia đình một cái Tết đủ đầy, ấm áp.
Áo dài xuống phố

Áo dài xuống phố

Vài năm gần đây, xu hướng người trẻ mặc áo dài tại các sự kiện như lễ, tết, sinh nhật… trở nên phổ biến.
Tết gần kề, ký ức ùa về

Tết gần kề, ký ức ùa về

Fountain Valley, nơi tôi định cư trong những năm qua, mỗi khi Tết đến là những ký ức lại hiện về.Ba cái Tết rồi xa nhà, nhịp sống những ngày đầu năm mới âm lịch dường như
Phong vị Tết cổ truyền

Phong vị Tết cổ truyền

(GLO)- Tết cổ truyền là lúc sum vầy, đoàn tụ, cũng là dịp để người dân có cơ hội thưởng thức phong vị, phong tục độc đáo trong đời sống văn hóa của các dân tộc, đặc biệt là ở xã Tơ Tung (huyện Kbang)-nơi tụ cư của 13 dân tộc anh em.
Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo 3 miền Bắc-Trung-Nam

Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo 3 miền Bắc-Trung-Nam

Theo quan niệm của người Việt, 3 vị Táo quân định đoạt phước đức cho gia đình. Vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch hằng năm, các gia đình lại chuẩn bị mâm cỗ để tiễn đưa ông Công ông Táo về trời. Tùy theo phong tục tập quán mà mâm cỗ cúng ông Công ông Táo 3 miền có sự khác nhau.
Tết sum vầy!

Tết sum vầy!

(GLO)- Năm nay, thời gian nghỉ tết Đinh Dậu 2017 kéo dài 7 ngày. Nhờ làm tốt tác chăm lo Tết cho nhân dân và trực sẵn sàng chiến đấu một cách chu đáo của các ngành, các cấp nên không khí vui Tết đón xuân thật đầm ấm; tình hình an ninh ở các địa phương cơ bản được giữ vững.
Chữ nghĩa ngày xuân biểu tượng tâm hồn Việt

Chữ nghĩa ngày xuân biểu tượng tâm hồn Việt

Dân tộc ta vốn nền văn hiến đã lâu, yêu cái chữ, trọng nhân nghĩa, học hành. Trong nhà nhiều khi không có của cải đáng kể, song ở phòng khách hay nơi làm việc lại luôn thấy những bức tranh chữ, câu đối, thơ phú với vô vàn lời hay - ý đẹp.