Vì sao nhiều thanh niên có nguy cơ khó kết hôn, không lấy được vợ?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam đang ngày một tăng cao. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, đến năm 2034, Việt Nam có khoảng 1,5 triệu nam thanh niên không lấy được vợ.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn những nguyên nhân khác khiến nhiều thanh niên kết hôn muộn hoặc có nguy cơ không lấy được vợ.

Ngoài 30 tuổi vẫn chưa lấy được vợ…

Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, thuộc Bộ Y tế, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam tuy xuất hiện muộn hơn một số nước, nhưng tăng nhanh và lan rộng, xảy ra ở cả thành thị và nông thôn. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2023, tại Việt Nam, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn ở mức cao, 112 bé trai/100 bé gái.

Từ đó dẫn đến việc nam giới trẻ tuổi sẽ bị dư thừa so với nữ giới. Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Đào Lưu, giảng viên Trường ĐH Văn Lang, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính là nhiều gia đình muốn sinh con trai để nối dõi. "Mặc dù các cơ quan chức năng, tổ chức, xã hội đã và đang đẩy mạnh việc tuyên truyền về bình đẳng giới, tuy nhiên đâu đó vẫn còn không ít người có tư tưởng thích sinh con trai để nối dõi. Điều này gây ra rất nhiều hệ lụy như mất cân bằng giới tính, bạo lực gia đình, áp lực, căng thẳng cho chính người phụ nữ. Đây là một trong những quan điểm, tư tưởng cần được kịp thời thay đổi”, bà Lưu cho hay.

Một trong những hệ lụy của việc mất cân bằng giới tính là nhiều nam giới có thể phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng khi tìm kiếm bạn đời. Mặc dù ngoại hình ổn, lo làm ăn và công việc ổn định nhưng nhiều thanh niên vẫn chưa cưới được vợ dù ở thành phố hay nông thôn.

Nhiều thanh niên có nguy cơ khó kết hôn do mất cân bằng giới tính

Nhiều thanh niên có nguy cơ khó kết hôn do mất cân bằng giới tính

“Nhà tôi có 3 anh em trai, tôi là con đầu và cũng là cháu đích tôn nên khá áp lực chuyện lập gia đình. Mỗi lần gọi điện thoại về nhà là ba mẹ lại hối thúc chuyện cưới xin. Nếu ba mẹ sốt sắng thì mình cũng mong mỏi không kém vì đâu ai muốn bị gắn mác ế vợ. Bây giờ công việc ổn định, tài chính cũng khá vững và tôi cũng muốn kết hôn nhưng vẫn chưa tìm được bạn đời”, anh Võ Anh Tú (33 tuổi), ngụ tại đường Hoàng Hoa Thám, Q.Tân Bình (TP.HCM) tâm sự.

Nam thanh niên này cho biết, sở dĩ đến hiện tại vẫn còn độc thân có thể là do tính chất công việc. "Tôi làm việc trong lĩnh vực xây dựng, công việc bận rộn và phải đi công tác thường xuyên nên ít có cơ hội tiếp xúc với người khác giới. Hơn nữa, mình là đàn ông nên muốn sự nghiệp vững vàng trước rồi mới nghĩ đến chuyện kết hôn. Trước kia vì ngại chưa có tài chính nên không dám yêu. Thế nhưng đến khi công việc ổn định thì nhìn lại đã ngoài 30. Bây giờ muốn tìm một người phù hợp để đi đến hôn nhân nhưng không dễ dàng gì”, anh Tú chia sẻ.

Éo le hơn, có những “đấng mày râu” còn bị nghĩ rằng không phải là trai thẳng chỉ vì vẫn chưa cưới được vợ. Anh N.V.H (30 tuổi), làm việc trên đường Hoàng Việt, Q.Tân Bình (TP.HCM), tâm sự: “Bạn bè xung quanh đều lập gia đình cả, có đứa đã 2 đứa con rồi, còn mình thì vẫn đi về lẻ bóng, chưa có ai để điền vào dấu cộng trên thiệp mời cưới. Lần nào về quê cũng bị hỏi bao giờ cưới vợ, sao không thấy dẫn cô nào về ra mắt. Cay đắng hơn có người còn nghĩ mình không phải trai thẳng”.

Nhiều bà mẹ cũng đứng ngồi không yên vì lo con trai ế vợ. Nhà có 3 người con trai nhưng chưa ai lập gia đình, bà Võ Thị Hoa (59 tuổi), ngụ tại H.Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam) không khỏi sốt ruột. “Tôi có 4 đứa con. Cô con gái đầu đã lập gia đình và tôi có cháu ngoại rồi nhưng 3 thằng con trai vẫn không thấy động tĩnh gì. 2 trong 3 đứa đã trên 30 tuổi, còn thằng út năm nay cũng đã 29. Tôi cũng muốn chuyện tình cảm để cho tụi nó tự quyết định, nhưng ở quê tuổi đó là đã yên bề gia thất mà con tôi vẫn chưa có gì nên cứ lo. Tôi thấy bây giờ con gái thì hiếm mà thanh niên chưa vợ thì nhiều. Tôi cũng mong tụi nó có vợ để lo làm ăn chứ không thì cứ lông bông”, bà Hoa chia sẻ.

Việc lựa chọn đối tượng kết hôn cũng mang tính cạnh tranh rất cao

Theo bà Lưu, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc nam giới ế vợ, khó kết hôn và mất cân bằng giới tính chỉ là một trong số đó. Ngoài ra còn có những nguyên nhân khác như tư tưởng của các bạn trẻ ngày càng tiến bộ, họ có cái nhìn đa chiều hơn về cuộc đời và không nhất định lựa chọn theo mô típ “trai lớn dựng vợ, gái lớn gả chồng”.

“Nhiều người lựa chọn cuộc sống độc thân vì họ cảm thấy chưa hoặc không sẵn sàng để bước vào mối quan hệ hôn nhân. Phái nữ cũng ngày càng tự do thoải mái trong việc lựa chọn kết hôn. Họ không bị áp lực tuổi tác mà phải kết hôn với một ai đó. Bên cạnh đó, mặc dù về mặt luật pháp chưa công nhận hôn nhân đồng giới tại Việt Nam nhưng cũng không ít cặp đôi đồng giới sống với nhau như vợ chồng… Như vậy, có thể thấy nam giới ngày nay khó kết hôn hoặc chậm kết hôn xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau”, bà Lưu cho hay.

Mất cân bằng giới tính dẫn đến việc lựa chọn đối tượng kết hôn cũng mang tính cạnh tranh rất cao

Mất cân bằng giới tính dẫn đến việc lựa chọn đối tượng kết hôn cũng mang tính cạnh tranh rất cao

Còn thạc sĩ tâm lý Nguyễn Anh Khoa, giảng viên Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, thì cho rằng một trong những lý do khiến nam giới kết hôn muộn có thể vì áp lực về kinh tế, tài chính. “Nam giới vốn dĩ là trụ cột của gia đình, từ đó ảnh hưởng đến quyết định kết hôn của họ. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có 1 số trường hợp không muốn kết hôn vì họ chưa sẵn sàng bước vào mối quan hệ hôn nhân ràng buộc. Vì khi đã kết hôn, đòi hỏi nam giới có nhiều trách nhiệm hơn với gia đình 2 bên và bạn đời của mình”, ông Khoa cho hay.

Theo bà Lưu, hiện nay do tỉ lệ nam giới và nữ giới đã mất sự cân bằng nên việc lựa chọn đối tượng kết hôn cũng mang tính cạnh tranh rất cao. Như thế muốn tăng cơ hội tiến tới hôn nhân thì bản thân mỗi người cần trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng và thái độ thật tốt.

“Quan trọng nhất vẫn là một sự trưởng thành, chín chắn và khi chính bản thân các bạn ý thức được về đời sống hôn nhân. Yêu đương rất dễ nhưng để đi đến hôn nhân lại là một câu chuyện đòi hỏi sự nghiêm túc và trưởng thành. Khi bạn đủ cam kết trách nhiệm, kỹ năng hóa giải những mâu thuẫn giữa vợ, chồng, có thể giải quyết những vấn đề nảy sinh khác thì hãy kết hôn. Đừng vì sự thúc ép của những người xung quanh hay áp lực tuổi tác mà kết hôn vội”, bà Lưu chia sẻ.

Thế nhưng, việc nam giới khó kết hôn có thể dẫn đến nhiều hệ lụy cho xã hội. Bà Lưu cho biết một trong những vai trò của hôn nhân là để duy trì nòi giống và tái cấu trúc xã hội. Cho nên việc người trẻ không kết hôn, trước mắt sẽ gây khó khăn cho xã hội về việc đảm bảo nguồn lao động trẻ trong tương lai.

Bà Lưu phân tích thêm: “Khi kết hôn, bạn có một người cùng sẻ chia buồn vui giúp tăng ý nghĩa của cuộc đời. Nếu không thể kết hôn, có thể lúc về già, họ sẽ không có người bầu bạn, không có con cháu quây quần giúp đỡ, yêu thương. Điều này dành cho những người tha thiết được gắn kết với một người nhưng vẫn chưa có cơ hội kết hôn. Riêng với một số ít bạn trẻ xem việc không kết hôn là một lựa chọn. Họ vui vẻ và hài lòng với sự lựa chọn của mình thì sẽ không có quá nhiều hệ lụy xảy ra”.

Vậy trong thời buổi khó tìm kiếm bạn đời như hiện nay thì với những người đàn ông đã có gia đình, làm thế nào để giữ gìn hạnh phúc hôn nhân? Ông Khoa đưa ra lời khuyên: “Nam giới cần ý thức được việc dành thời gian quan tâm, chăm sóc vợ của mình. Phân định đâu là thời gian dành cho công việc và gia đình. Nếu dành quá nhiều thời gian cho công việc sẽ dễ dẫn đến chuyện người bạn đời của mình cảm thấy không được quan tâm. Biết cách san sẻ những áp lực, nỗi vất vả của vợ, cùng chăm sóc con cái, xây dựng gia đình. Nên có những buổi hẹn hò lãng mạn, những chuyến đi ngắn ngày để hâm nóng tình cảm vợ chồng”.

Theo Thảo Phương (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Lặng lẽ trồng cây giữa thành phố ‏

Lặng lẽ trồng cây giữa thành phố ‏

Có những người con của phố thị, nhưng tâm hồn thì hướng về những ngọn đồi xanh thẳm. Đặng Công Lợi - một công dân trẻ của Đà Nẵng, vì yêu sắc xanh của cây lá, đang từng ngày nhân lên tình yêu trồng cây và gìn giữ môi sinh.

Áp lực từ 'flex, phông bạt'

Áp lực từ 'flex, phông bạt'

Sự bùng nổ công nghệ đã mở ra một thế giới trực tuyến rộng lớn, nơi các bạn trẻ có thể dễ dàng hòa mình vào mạng xã hội ngay từ sớm. Tuy nhiên, khi chưa đủ khả năng phân biệt rõ ràng giữa giá trị thật và giả, rất dễ bị cuốn hút bởi hình ảnh hào nhoáng, lối sống xa hoa của người nổi tiếng...

Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng lần thứ 12: Sân chơi ý nghĩa

Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng lần thứ 12: Sân chơi ý nghĩa

(GLO)- Trong số 23 sản phẩm và mô hình dự thi, 15 sản phẩm đã được vinh danh tại Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Gia Lai lần thứ 12-2024. Sân chơi này do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh Đoàn, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức.

Tìm ký ức thời gian qua sách hiếm

Tìm ký ức thời gian qua sách hiếm

(GLO)- Ấn hành cách đây trên dưới nửa thế kỷ và là bản lưu duy nhất, nhiều đầu sách hiếm tại kho Địa chí của Thư viện tỉnh Gia Lai đã đáp ứng nhu cầu nghiên cứu tài liệu của độc giả hay đôi khi chỉ là mong ước tìm về ký ức thời gian khi được cầm trên tay một cuốn sách xưa cũ.