Công ty cổ phần Chè Bàu Cạn (được chuyển đổi từ Công ty TNHH một thành viên Chè Bàu Cạn) chuyên trồng, khai thác, chế biến, xuất khẩu chè, cà phê và các loại cây công nghiệp dài ngày. Tổng diện tích đất sản xuất hiện nay của Công ty là 887,835 ha, trong đó, diện tích chè gần 344 ha; cà phê trên 332 ha; đất cải tạo xen canh (bơ) là 100 ha.
Ông Đặng Thanh Trường-Kế toán trưởng Công ty-cho biết, để đảm bảo sản xuất-kinh doanh hiệu quả, trong những năm qua, Công ty đã chọn canh tác các loại cây trồng theo hướng hữu cơ và hiện là đơn vị đầu tiên của cả nước thực hiện sản xuất chè đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Theo đó, hàng năm, Công ty chủ động phối hợp với Trung tâm Chất lượng nông-lâm-thủy sản vùng 2 (Đà Nẵng) tư vấn, chuyển giao ứng dụng quy trình quản lý thực hành sản xuất chè và cà phê theo hướng VietGAP.
Trong quá trình sản xuất, Công ty hạn chế sử dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ để đảm bảo cây trồng phát triển bền vững, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, những năm gần đây, Công ty đầu tư trang thiết bị hiện đại nhằm ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và chế biến, trong đó, nhà máy chế biến chè được nâng cấp với công suất 740 tấn/năm.
Cùng với đó, Công ty chủ động cải tiến kỹ thuật, áp dụng quy trình chế biến, bảo quản chè, cà phê đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thông qua hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008, chứng chỉ an toàn vệ sinh thực phẩm ISO 22000:2005 và giấy chứng nhận VietGAP. Nhờ đó, chất lượng các sản phẩm của Công ty ngày càng được nâng cao.
Ngoài cung cấp cho thị trường Tây Nguyên, Công ty còn cung cấp sản phẩm chè và cà phê chưa qua chế biến làm nguyên liệu cho các đơn vị sản xuất khác trên cả nước. Những năm gần đây, số lượng chè tiêu thụ ổn định 600-740 tấn/năm. Năm 2020, Công ty đã được UBND tỉnh cấp chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Quá trình sản xuất kinh doanh, Công ty cổ phần chè Bàu Cạn đã thực hiện tốt các nghĩa vụ tài chính. Cụ thể, năm 2020, Công ty nộp ngân sách Nhà nước 1,971 tỷ đồng; năm 2021 là 4,95 tỷ đồng; năm 2022 là 2,496 tỷ đồng và năm 2023 là 2,451 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Công ty cũng thực hiện tốt các chương trình an sinh xã hội và tạo hiện đang tạo việc làm cho 711 lao động, trong đó, lao động nhận khoán vườn cà phê 468 người; lao động trực tiếp vườn chè 212 người; lao động gián tiếp 31 người.
Đưa chúng tôi đi thăm vườn cây của công ty, ông Trường cho biết thêm, bên cạnh kết quả đạt được, quá trình sản xuất-kinh doanh của Công ty trong những năm qua cũng gặp nhiều khó khăn. Nhất là trong 3 năm (2021-2023) do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá cả vật tư tăng cao, tiền thuê đất tăng, nhiều diện tích bị giảm năng suất do thời tiết hạn hán kéo dài dẫn đến doanh thu của Công ty không đạt.
“Riêng trong năm 2021, doanh thu của Công ty âm gần 2,9 tỷ đồng, năm 2022 âm gần 9,6 tỷ đồng. Do đó, rất mong Nhà nước giảm tiền thuê đất để Công ty vượt qua khó khăn, đảm bảo hoạt động sản xuất ổn định”-ông Trường kiến nghị.
Cũng theo ông Trường, hiện nay, trong tổng số 344 ha chè, có hơn 200 ha chè trồng từ năm 1937 đến năm 1945 đã quá già cỗi và mật độ thưa nên năng suất rất thấp. Trong đó, có khoảng 100 ha chè trồng từ năm 1937 đã không còn đem lại hiệu quả nên người dân trả lại, không nhận khoán và bị bỏ hoang dẫn đến nhiều cây chè bị chết. Do đó, Công ty đã đề nghị UBND tỉnh cho phép chuyển đổi 100 ha chè sang trồng cây ăn trái.
“Trước mắt, Công ty sẽ chuyển đổi sang trồng cây chuối già hương Nam Mỹ vì sản phẩm cây trồng này hiện đang được thị trường nhiều nước ưa chuộng, nhất là Trung Quốc. Bên cạnh đó, năm 2017, Công ty cũng đã trồng thử nghiệm 3 ha cây trồng này theo hướng ứng dụng công nghệ cao.
Kết quả, cây chuối già hương Nam Mỹ hợp với thổ nhưỡng tại đây với tuổi thọ cao (5 năm); sau 9 tháng trồng đã cho thu hoạch. Tuy năm đầu, chi phí đầu tư là 250 triệu đồng/ha nhưng các năm sau giảm dần nên lợi nhuận mang lại cao, trung bình 300-400 triệu đồng/năm. Trong khi đó, nếu tái canh cây chè thì thời gian kiến thiết cơ bản mất 4 năm,thời kỳ kinh doanh chỉ cho thu 50 triệu đồng/ha”-ông Trường phân tích.
Trao đổi với P.V, ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho hay: Sau khi thực hiện cổ phần hóa, Công ty cổ phần Chè Bàu Cạn đã nỗ lực thực hiện việc quản lý sử dụng đất và hoạt động sản xuất kinh doanh theo đúng phương án sử dụng đất và phương án cổ phần hóa. Trong đó, diện tích cây cà phê phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng cao và đạt hiệu quả; riêng cây chè được trồng từ thời thuộc Pháp đến nay đã già cỗi, hay bị sâu bệnh nên năng suất thấp, hiệu quả kém cần được tái canh hoặc chuyển đổi cây trồng.
Khi Công ty cổ phần Chè Bàu Cạn xin được chuyển đổi 100 ha chè kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT đã chủ trì phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT và UBND xã Bàu Cạn trực tiếp kiểm tra toàn bộ diện tích xin chuyển đổi của Công ty.
Qua kiểm tra hiện trạng và đối chiếu với hồ sơ liên quan cho thấy diện tích 100 ha chè xin chuyển đổi đã già cỗi và xuống cấp, một số đã chết. Do đó, Công ty cần tái canh hoặc thực hiện chuyển đổi cây trồng.
“Hiện nay, Sở Nông nghiệp và PTNT đang phối hợp với các sở, ngành để trình UBND tỉnh điều chỉnh kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất, trong đó, có điều chỉnh chuyển diện tích chè kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả (cây chuối già hương Nam Mỹ) của Công ty cổ phần Chè Bàu Cạn để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ”-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT khẳng định.