Ứng phó đợt mưa 150-200mm kéo dài, diện rộng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Những ổ mây dông rất lớn đang phát triển ở miền Bắc.

Dự báo từ chiều tối nay 24-6 còn mưa to hơn, không thể chủ quan với nguy cơ ngập lụt, lũ xối, sạt lở... do năm nay tính chất La Nina có xác suất cao gây mưa lũ lớn.

Sáng nay, 24-6, Hà Nội và nhiều nơi ở miền Bắc đã có mưa trên diện rộng, thời tiết khá xấu, trời nhiều mây, dự báo có thể mưa cả ngày. Trong khi, theo các chuyên gia khí tượng, từ thời điểm này đến chiều và tối 24-6, miền núi phía Bắc sẽ có mưa to đến rất to do đang hình thành những ổ mây dông lớn.

Mưa dầm dề ở Hà Nội. Ảnh: L.T.H.N

Mưa dầm dề ở Hà Nội. Ảnh: L.T.H.N

Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cũng cảnh báo, từ chiều tối 24-6 đến sáng 26-6, Bắc bộ có một đợt mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lưu lượng phổ biến 50-120mm, có nơi trên 200mm; Bắc Trung bộ mưa khoảng 30-70mm, có nơi trên 150mm.

Dự báo miền Bắc từ chiều tối nay 24-6 đến 26-6 có nơi mưa 200mm
Dự báo miền Bắc từ chiều tối nay 24-6 đến 26-6 có nơi mưa 200mm

Theo các chuyên gia khí tượng, với dự báo này, miền Bắc sẽ có mưa to nhiều ngày. Mặc dù trời dịu mát hẳn nhờ mưa, nhưng ở những nơi mưa lớn cục bộ thì cũng kèm theo nguy cơ lũ, ngập, sạt lở đất rất nguy hiểm trong bối cảnh “hễ mưa là ngập, hễ sạt lở là thiệt hại” như hiện nay.

Ảnh vệ tinh những ổ mây dông lớn ở miền Bắc và Bắc Trung bộ, trưa 24-6

Ảnh vệ tinh những ổ mây dông lớn ở miền Bắc và Bắc Trung bộ, trưa 24-6

Để ứng phó đợt mưa này, trưa nay 24-6, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã ban hành công văn gửi ban chỉ huy của các tỉnh, thành ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ đề nghị hướng dẫn kịp thời cho người dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại; sẵn sàng lực lượng tại chỗ để kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả (nếu có).

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia cũng đề nghị các địa phương ở 2 khu vực nêu trên triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động chủ động khơi thông dòng chảy, tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra.

Có thể bạn quan tâm