Cán bộ Đoàn: Trăn trở từ cơ sở

Kỳ 2: “Điểm nghẽn” trong quy hoạch, luân chuyển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Thực tế cho thấy, “cán bộ nào, phong trào ấy”. Muốn phong trào mạnh thì trước hết cán bộ Đoàn phải năng nổ, nhiệt huyết, trách nhiệm và ngược lại. Tuy nhiên, hiện nay, ở nhiều địa phương, thanh niên không mặn mà phấn đấu trở thành cán bộ Đoàn cơ sở vì sau nhiều năm cống hiến, khi quá tuổi lại không bố trí được “đầu ra”.

Vướng cơ chế, chính sách

Với đặc thù là tỉnh miền núi, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 46%, việc tạo nguồn cán bộ Đoàn kế cận tại các khu dân cư ở Gia Lai là điều không dễ dàng. Có nhiều nguyên nhân như đời sống kinh tế khó khăn, trình độ nhận thức của một bộ phận thanh niên dân tộc thiểu số còn hạn chế, tâm lý rụt rè, e ngại...

Chị Rơ Lan H’Đan-Bí thư Đoàn xã Ia Kla (huyện Đức Cơ) cho biết: “Lợi thế của cán bộ Đoàn người dân tộc thiểu số là hiểu phong tục tập quán, cùng ngôn ngữ nên gần gũi, hiểu đoàn viên, thanh niên (ĐVTN). Song phần lớn họ chưa qua đào tạo nên còn yếu về kiến thức, kỹ năng, chưa thể hiện được vai trò, tiếng nói trước ĐVTN và chưa thúc đẩy phong trào phát triển”.

Cũng theo chị H’Đan, ĐVTN hiện nay phần lớn đi làm ăn xa, số còn lại chưa tha thiết với công tác Đoàn. Do đó, việc tìm nguồn kế cận từ đội ngũ bí thư chi đoàn tại địa phương gặp nhiều khó khăn.

Cùng với nguyên nhân chủ quan thì yếu tố khách quan do vướng mắc về cơ chế, chính sách đãi ngộ cũng là bài toán nan giải trong công tác cán bộ Đoàn cơ sở. Theo số liệu của Tỉnh Đoàn, tính đến cuối tháng 2-2023, toàn tỉnh còn khuyết 9 bí thư Đoàn và 21 phó bí thư Đoàn cấp xã. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi tại cơ sở mà còn cho thấy sự khó khăn trong công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ Đoàn kế cận.

Dù đang hưởng lương cán bộ bán chuyên trách nhưng anh Đỗ Văn Tuấn (bìa trái)-Phó Bí thư Đoàn xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Păh) vẫn nỗ lực để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Ảnh: Phan Lài

Dù đang hưởng lương cán bộ bán chuyên trách nhưng anh Đỗ Văn Tuấn (bìa trái)-Phó Bí thư Đoàn xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Păh) vẫn nỗ lực để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Ảnh: Phan Lài

Đại hội Đoàn xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Păh) tổ chức vào tháng 4-2022 đã bầu đủ các chức danh: Bí thư, Phó Bí thư Đoàn xã. Tuy nhiên, tháng 8-2022, Bí thư Đoàn xã thi đậu chuyên viên ở Huyện Đoàn Chư Păh nên từ đó đến nay, Đoàn xã khuyết chức danh Bí thư. Trong khi đó, Phó Bí thư Đoàn xã Đỗ Văn Tuấn lại chưa đủ tiêu chuẩn để bầu bổ sung. Vì căn cứ theo Quyết định số 289-QĐ/TW ngày 8-2-2010 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về quy chế cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, để được cơ cấu, bầu giữ chức Bí thư Đoàn xã thì phải đáp ứng trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên, trình độ lý luận chính trị sơ cấp.

Mặt khác, Quy định số 80-QĐ/TW ngày 18-8-2022 của Bộ Chính trị cũng nêu rõ tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử chức vụ cao hơn phải có thời gian giữ chức vụ đang đảm nhiệm hoặc chức vụ tương đương ít nhất là 2 năm (trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định). Anh Tuấn đang theo học lớp sơ cấp lý luận chính trị để bổ sung hồ sơ. Tuy nhiên, trước Đại hội, anh là Bí thư Chi Đoàn thôn 8 nên xét về thời gian đảm nhận chức vụ Phó Bí thư chưa đủ 2 năm, không đáp ứng điều kiện để bầu Bí thư Đoàn xã theo quy định.

Theo ông Trần Ngọc Phong-Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nghĩa Hưng, việc tìm nguồn cán bộ Đoàn kế cận tại địa phương đang gặp nhiều khó khăn. Phần vì thanh niên thoát ly đi làm công nhân trong các doanh nghiệp; số có trình độ đại học, cao đẳng thì ở lại thành phố lập nghiệp; đội ngũ trưởng thành từ phong trào cơ sở có kinh nghiệm, kỹ năng song lại vướng cơ chế, chính sách.

“Anh Tuấn hiện hưởng lương cán bộ bán chuyên trách nhưng đảm nhận hết các phần việc như cán bộ chuyên trách. Địa phương cũng muốn luân chuyển cán bộ từ vị trí khác qua để kiện toàn chức danh nhưng lại vướng độ tuổi. Chưa kể, công tác Đoàn khá đặc thù, đòi hỏi năng khiếu, kỹ năng nên nếu không tìm được người phù hợp sẽ dễ “hụt hơi”, ảnh hưởng đến phong trào. Đảng ủy xã đã báo cáo với Huyện ủy để có giải pháp kiện toàn chức danh của Đoàn xã”-ông Phong cho hay.

Đoàn xã Ia Drăng (huyện Chư Prông) hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Anh Huy

Đoàn xã Ia Drăng (huyện Chư Prông) hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Anh Huy

Trao đổi về trường hợp Bí thư Đoàn xã sau khi hết tuổi, hết nhiệm kỳ chuyển xuống làm cán bộ bán chuyên trách tại địa phương, ông Phạm Văn Xứng-Bí thư Đảng ủy xã Ia Drăng (huyện Chư Prông) thông tin: Theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư số 13/2019/TT-BNV của Bộ Nội vụ về điều kiện, tuyển dụng công chức cấp xã trong trường hợp đặc biệt, Bí thư Đoàn xã khi thôi đảm nhận chức vụ được xem xét, tiếp nhận vào làm công chức cấp xã không qua thi tuyển nếu đáp ứng đủ các tiêu chuẩn. Tuy nhiên, trường hợp này lại không đủ thời gian giữ chức vụ cán bộ cấp xã ít nhất là 5 năm trở lên. Mặt khác, số lượng và vị trí chức danh công chức cấp xã cần tuyển dụng hiện tại cũng đã đủ.

“Đại hội Hội Nông dân xã trong tháng 2-2023 đã bầu nguyên Bí thư Đoàn xã làm Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã. Từ đảng ủy viên, cán bộ chuyên trách nay chuyển sang bán chuyên trách, thôi đảng ủy viên là thiệt thòi rất lớn cho đồng chí ấy. Thứ nhất là lương, thứ hai là lộ trình xét công chức khó khăn vì bị gián đoạn. Mặc dù đồng chí này vẫn trong cơ cấu cán bộ nguồn, song cũng khó bố trí vì đa phần cán bộ hiện nay đều trẻ hóa”-ông Xứng cho biết.

“Già hóa” cán bộ Đoàn

Trẻ hóa cán bộ Đoàn để hiểu thanh niên là phương châm mà các tổ chức cơ sở Đoàn đang hướng tới. Tuy nhiên, vì không chủ động công tác tuyển chọn, quy hoạch, luân chuyển nên tại một số địa phương, thay vì trẻ hóa thì đội ngũ này lại đang trong tình trạng... già hóa.

Tại hội nghị trực tuyến nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII (nhiệm kỳ 2022-2027), khi đề cập đến chuyên đề công tác tổ chức xây dựng Đoàn, anh Nguyễn Tường Lâm-Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, đó là việc luân chuyển cán bộ Đoàn quá tuổi theo quy chế cán bộ Đoàn, việc tuyển dụng cán bộ Đoàn gặp nhiều khó khăn, thiếu kịp thời. Chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, tạo nguồn cán bộ Đoàn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Quang cảnh hội nghị trực tuyến nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022-2027. Ảnh: Phan Lài

Quang cảnh hội nghị trực tuyến nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022-2027. Ảnh: Phan Lài

Thực tế tại Gia Lai, do khó tìm nguồn kế cận đã dẫn đến khuyết các chức danh bí thư, phó bí thư Đoàn xã, còn bí thư Đoàn cơ sở hết tuổi, quá tuổi cũng chưa thể luân chuyển, bố trí công việc phù hợp. Quyết định số 289-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng nêu rõ, tiêu chuẩn cán bộ Đoàn cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn) giữ chức vụ không quá 35 tuổi. Đối với vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, đối tượng chính sách, trình độ học vấn nói chung từ tốt nghiệp THPT trở lên, đã được bồi dưỡng chương trình lý luận chính trị sơ cấp và giữ chức vụ không quá 37 tuổi. Tính đến ngày 28-2-2023, toàn tỉnh có 30 bí thư Đoàn xã từ 35 tuổi trở lên chưa luân chuyển vị trí công tác do biên chế các chức danh có thể luân chuyển tại địa phương đều đã “đóng cứng”!

Tại Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Gia Lai lần thứ XV (nhiệm kỳ 2022-2027), Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung đề nghị: “Các tổ chức Đoàn cần tập trung xây dựng Đoàn vững mạnh toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và hành động. Trọng tâm là công tác cán bộ, xác định đây là nhiệm vụ then chốt đối với sự phát triển của tổ chức Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi trên địa bàn tỉnh. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ Đoàn có chất lượng, trưởng thành từ phong trào thanh niên, giỏi kỹ năng, nghiệp vụ, gắn bó với thanh niên, sâu sát cơ sở, góp phần thực hiện tốt phong trào Đoàn và nhiệm vụ chính trị của địa phương”.

Ông Đoàn Bảy-nguyên Bí thư Huyện ủy Chư Păh, nguyên Phó Bí thư Tỉnh Đoàn khi đề cập đến phong trào Đoàn và công tác cán bộ Đoàn cơ sở đã nhấn mạnh: Cùng trong khối Mặt trận, đoàn thể song riêng cán bộ Đoàn lại giới hạn về độ tuổi. Hết tuổi theo quy định, dù có năng lực cũng phải luân chuyển sang vị trí công tác khác. Họ buộc phải bắt nhịp với công việc mới. Chưa kể, ở nhiều địa phương, các vị trí đều đã ổn định thành ra cán bộ Đoàn... hết chỗ, bơ vơ! Điều này tác động rất lớn đến tâm lý của cán bộ Đoàn đương chức và nguồn kế cận.

Mặt khác, phong trào Đoàn cần những hoạt động bề nổi, đòi hỏi cán bộ Đoàn phải có năng khiếu, kỹ năng điều hành, dẫn dắt đám đông, nếu không phong trào chỉ mang tính hình thức kiểu “đánh trống ghi tên”, “chuồn chuồn đạp nước”, không phát huy hiệu quả.

Đối mặt với áp lực của công việc và rào cản từ cơ chế, chính sách, một số cán bộ Đoàn đã buộc phải xin nghỉ việc giữa chừng. Tại huyện Đak Đoa, từ năm 2022 đến nay có 2 bí thư Đoàn xã và 1 phó bí thư Đoàn xã xin nghỉ việc.

Anh A Lân-nguyên Bí thư Đoàn xã A Dơk-nêu lý do nghỉ việc sau nhiều năm gắn bó: “Công việc áp lực, tổ chức và duy trì các phong trào thì gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí, ĐVTN ai cũng lo cuộc sống mưu sinh, ngại tham gia... Dù có tiếc nuối nhưng mình nhận thấy năng lực hạn chế nên xin nghỉ để các bạn trẻ khác có cơ hội cống hiến”.

Liên quan đến cán bộ Đoàn cơ sở xin nghỉ việc, anh Nguyễn Kim Quân-Phó Bí thư Huyện Đoàn Đak Đoa-cho biết: “Tình hình này ảnh hưởng rất lớn đến phong trào, hoạt động Đoàn nói chung và tâm lý của ĐVTN nói riêng”. Phó Bí thư Huyện Đoàn Đak Đoa cũng đề xuất cấp thẩm quyền nghiên cứu chế độ đãi ngộ đối với cán bộ Đoàn cơ sở; cơ chế, chính sách đặc thù cho từng địa bàn để cán bộ Đoàn yên tâm công tác, có động lực phấn đấu, tránh tình trạng xem tổ chức Đoàn chỉ là “trạm dừng chân” trong thời gian tìm kiếm công việc thích hợp.

Anh Thịnh Thương Tín (bìa phải)-Bí thư Đoàn phường Yên Đổ (TP. Pleiku) tặng gạo cho người dân trong chương trình Ấm áp mùa đông năm 2022. Ảnh: Phan Lài

Anh Thịnh Thương Tín (bìa phải)-Bí thư Đoàn phường Yên Đổ (TP. Pleiku) tặng gạo cho người dân trong chương trình Ấm áp mùa đông năm 2022. Ảnh: Phan Lài

Hơn 10 năm gắn bó với tổ chức Đoàn và hiện đã 36 tuổi, anh Thịnh Thương Tín vẫn đang đảm nhiệm chức danh Bí thư Đoàn phường Yên Đổ (TP. Pleiku). “Mặc dù rất tâm huyết với công tác Đoàn song theo quy định, tôi cũng phải chuyển sang làm việc khác. Tôi mong được bố trí công việc phù hợp, tạo điều kiện để người trẻ phấn đấu, trưởng thành. Điều này cũng đáp ứng yêu cầu thực tế về việc trẻ hóa, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ Đoàn cơ sở trong giai đoạn hiện nay”-anh Tín chia sẻ.

Mong muốn của anh Tín cũng là mong muốn chung của những cán bộ Đoàn quá tuổi. Họ là cán bộ chuyên trách, không phải công chức nên dù có năng lực, kinh nghiệm thực tiễn vẫn phải chờ cấp ủy, chính quyền địa phương bố trí, sắp xếp hoặc làm hồ sơ chờ tham gia thi tuyển công chức khi có đợt. Mà việc ấy còn phụ thuộc vào chức danh có còn khuyết, biên chế có còn thiếu hay không!

Có thể bạn quan tâm

Bồi đắp lòng tự hào dân tộc cho thiếu niên, nhi đồng

Bồi đắp lòng tự hào dân tộc cho thiếu niên, nhi đồng

(GLO)- Nhằm bồi đắp lòng tự hào dân tộc, tình yêu với Đội TNTP Hồ Chí Minh cho thiếu niên, nhi đồng, từ ngày 19 đến 21-4, tại Nhà Thiếu nhi TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai), Thành Đoàn phối hợp với Phòng GD và ĐT TP. Pleiku tổ chức hội thi tuyên truyền ca khúc măng non với chủ đề “Giai điệu tự hào”.