Gia Lai giải tỏa áp lực giải ngân vốn đầu tư công

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Ngay từ đầu năm nay, UBND tỉnh Gia Lai quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, xem đây là một trong các tiêu chí để đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu và cán bộ, công chức liên quan.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), thời điểm đầu năm 2023, các chủ đầu tư chủ yếu tập trung thanh toán vốn đầu tư các dự án thuộc kế hoạch năm 2022. Tính đến đầu tháng 2-2023, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 của tỉnh mới chỉ đạt 76,3% kế hoạch, trong đó, vốn ngân sách địa phương giải ngân đạt 73,4%, vốn ngân sách trung ương trong nước đạt 86%, vốn nước ngoài đạt 54,3%, vốn năm 2021 kéo dài sang năm 2022 đạt 66,9%.

Đối với chủ đầu tư là các huyện, thị xã, thành phố thì tỷ lệ giải ngân đạt 88,6%. Trong đó, giải ngân trên mức trung bình chung có 8 đơn vị gồm: huyện Đức Cơ đạt 98%, Chư Prông 97,6%, thị xã An Khê 97%, TP. Pleiku 96%, Kông Chro 95,7%, Mang Yang 94,4%, Chư Păh 92%, Krông Pa 90,6%; giải ngân ở mức thấp có các huyện: Chư Pưh 66,2%, Phú Thiện 65,2%, Chư Sê 64,8%. Đối với chủ đầu tư là các sở, ban, ngành của tỉnh thì tỷ lệ giải ngân đạt 78,6%. Trong đó, các đơn vị giải ngân cao gồm: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đạt 100%, Sở Tài nguyên và Môi trường 100%, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh 100%, Chi cục Kiểm lâm 97,4%, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh 93,8%, Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh 86,7%; các đơn vị giải ngân thấp gồm: các ban quản lý rừng phòng hộ 75,6%, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh 72,4%, Sở Khoa học và Công nghệ 68,1%, Sở Nông nghiệp và PTNT 60,7%, Sở KH-ĐT 48,1%, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch 28,2%. Riêng Sở Giáo dục và Đào tạo chưa có khối lượng thực hiện lẫn giải ngân.

Gia Lai đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: Quang Tấn

Gia Lai đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: Quang Tấn

Lý giải về việc giải ngân chậm, ông Đinh Hữu Hòa-Phó Giám đốc Sở KH-ĐT-cho biết: Do quá trình triển khai các thủ tục mất khá nhiều thời gian, công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc, nhất là các dự án có nguồn vốn đầu tư lớn. Bên cạnh đó, giá cả vật liệu xây dựng đầu vào tăng cao dẫn đến phải điều chỉnh dự toán nhiều dự án cũng khiến công tác giải ngân bị ảnh hưởng. Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân như kế hoạch sử dụng đất của các địa phương chậm được phê duyệt; công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành chưa thật sự đồng bộ.

Tại Công văn số 257/UBND-KTTH ngày 8-2-2023, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long yêu cầu các đơn vị thực hiện nhiều giải pháp nhằm đạt mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2023. Mới đây, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc đôn đốc đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 và thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng yêu cầu đến cuối năm 2023 phải giải ngân ít nhất 95% tổng số vốn.

Đây thực sự là áp lực không hề nhỏ khi những năm gần đây, Gia Lai hầu như chưa có năm nào giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn (năm 2020 và năm 2021 đạt gần 80%; năm 2022 chỉ đạt 62,5%). Riêng năm 2023, kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh giao từ đầu năm tính số liệu giải ngân là 3.428 tỷ đồng. Đến ngày 15-2, toàn tỉnh mới giải ngân được 50,3 tỷ đồng (đạt 1,5% kế hoạch), trong đó, vốn ngân sách địa phương giải ngân 36,8 tỷ đồng (đạt 1,8%), vốn ngân sách trung ương giải ngân 13,4 tỷ đồng (đạt 1%).

Để giải tỏa áp lực giải ngân vốn đầu tư công, theo Phó Giám đốc Sở KH-ĐT, tỉnh cần kiện toàn 4 tổ công tác đã thành lập trong năm 2022 nhằm tiếp tục đôn đốc, kiểm tra, tháo gỡ các vướng mắc ngay từ đầu năm. Cùng với đó, các chủ đầu tư cần đẩy nhanh tiến độ thi công đối với các công trình chuyển tiếp, đảm bảo hoàn thành trước mùa mưa; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ công tác chuẩn bị đầu tư đối với các dự án mới. Đặc biệt, phải gắn trách nhiệm của người đứng đầu chủ đầu tư với kết quả giải ngân vốn đầu tư công.

Còn theo ông Đỗ Việt Hưng-Chủ tịch UBND TP. Pleiku, năm 2023, UBND thành phố đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan nâng cao tinh thần trách nhiệm và năng lực trong quản lý, điều hành của người đứng đầu; yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng lập bảng tiến độ chi tiết đối với từng công trình, nhất là các công trình trọng điểm; phân công trách nhiệm cụ thể để phụ trách, tăng cường đôn đốc nhà thầu, đơn vị tư vấn thực hiện và báo cáo định kỳ vào thứ sáu hàng tuần.

Được biết, Sở KH-ĐT đã tham mưu UBND tỉnh trình Bộ KH-ĐT kéo dài vốn ngân sách trung ương năm 2022 sang năm 2023; tổng hợp vốn kéo dài ngân sách địa phương năm 2022 sang năm 2023; đồng thời, đôn đốc các chủ đầu tư về hoàn thành các thủ tục đầu tư để đủ điều kiện giao vốn năm 2023 đợt 2, đặc biệt là vốn đầu tư kết cấu hạ tầng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Sở cũng trình UBND tỉnh giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư cho dự án bố trí dân di cư tự do tập trung huyện Mang Yang và dự án bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai Suối Cạn (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) theo Quyết định số 105/QĐ-TTg ngày 31-12-2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Với tinh thần quyết liệt nhằm đảm bảo kế hoạch đã đề ra, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành dự án quan trọng, dự án cấp thiết đang đầu tư dở dang; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn; cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm, gắn kết quả giải ngân với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đến hết niên độ ngân sách năm 2023, các chủ đầu tư phải giải ngân đạt 100% kế hoạch được giao. Đây là một trong các tiêu chí để xem xét đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu và cán bộ, công chức liên quan theo quy định.

Có thể bạn quan tâm