Tranh chấp nhà, đất ở Pleiku: Cơ quan tố tụng không thống nhất quan điểm xử lý

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Lô đất ở địa chỉ 129 (số cũ) Phan Đình Phùng (phường Yên Đổ, TP. Pleiku) nằm cạnh Nhà hàng Ngọc Lâm được xem là “đất vàng” nhưng bao năm qua vẫn bỏ hoang. Dẫn đến tình trạng này là bởi sự không thống nhất của các cơ quan tố tụng trong việc giải quyết tranh chấp liên quan đến lô đất.

Đi tìm nguồn gốc lô đất

Đây là lô đất 2 mặt tiền đường Phan Đình Phùng và đường Đinh Tiên Hoàng có diện tích 501 m2. Trên bản đồ địa chính, lô đất này nằm ở thửa đất số 17, tờ bản đồ số 27, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số CU799980, số vào sổ cấp giấy chứng nhận: CH06507 được UBND TP. Pleiku cấp ngày 19-6-2020 cho bà Võ Thị Minh Hương (TP. Pleiku).

Sau đó, bà Hương đã chuyển nhượng lô đất này cho ông V.K.T. (TP. Pleiku). Tuy nhiên, ngày 28-5-2021, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh đã có quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm ông T. chuyển dịch quyền về tài sản, thay đổi hiện trạng đối với tài sản vì liên quan đến vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán nhà ở.

Về nguồn gốc ban đầu, lô đất do ông Trịnh Tô (đã qua đời năm 1992) và vợ là bà Trịnh Thị Thuận (đã qua đời năm 2020) tạo lập. Vì chiến tranh, năm 1975, vợ chồng ông Tô chuyển đến sống tại tỉnh Đồng Nai. Sau đó, cơ quan thẩm quyền đã ban hành quyết định quản lý nhà 129 Phan Đình Phùng theo diện vắng chủ. Vợ chồng ông Tô sinh được 7 người con nhưng 2 người đã chết lúc còn nhỏ, còn lại 5 người. Khi còn sống, ông Tô đã nhiều lần gửi đơn đề nghị Nhà nước trả lại nhà nhưng không được giải quyết.

Lô đất 129 Phan Đình Phùng sát cạnh Nhà hàng Ngọc Lâm bị bỏ hoang một cách lãng phí. Ảnh: Lê Văn Ngọc

Lô đất 129 Phan Đình Phùng sát cạnh Nhà hàng Ngọc Lâm bị bỏ hoang một cách lãng phí. Ảnh: Lê Văn Ngọc

Ngày 29-8-2002, bà Thuận cùng 5 người con lập “Bản cam kết hợp đồng mua bán nhà” được linh mục Đinh Viết Tiến-Chánh xứ Giáo xứ Ngọc Đồng (TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) xác nhận và đóng dấu của Giáo xứ. Nội dung bản cam kết nêu rõ: Từ năm 1977, gia đình bà Thuận đã làm đơn xin lại căn nhà nhưng không được. Nay vì đường sá xa xôi, bà Thuận già yếu nên gia đình ủy quyền cho bà Võ Thị Minh Hương vì bà Hương ở gần, tiện việc đi lại liên hệ thay mặt gia đình xin lại căn nhà. “Nếu căn nhà được Nhà nước trả lại cho gia đình, gia đình chúng tôi đồng ý bán toàn bộ căn nhà gồm 8 gian như trong bản vẽ sơ đồ cho bà Võ Thị Minh Hương với giá là 70 cây vàng 4 số 9. Sau khi Nhà nước trả nhà xong, bên bà Thuận sẽ nhận đủ số vàng trên và chuyển quyền sở hữu nhà đất cho bà Võ Thị Minh Hương mà không có yêu cầu gì nữa, dù thời gian bao lâu cũng không thay đổi giá cả”-bản cam kết ghi rõ.

1 tài sản được bán cho 3 bên

Cam kết là vậy, nhưng 6 năm sau, bà Thuận đã ủy quyền cho con trai là Trịnh Ngọc Minh Hùng thay mặt mình toàn quyền quyết định mọi việc liên quan đến căn nhà và lô đất trên. Lúc này, ông Hùng đề nghị bà Hương cho nhận trước tiền. Do không đủ tiền, bà Hương rủ bà Đỗ Thị Xuân Lan (TP. Pleiku) bỏ tiền đầu tư mua chung nhà với giá 13 tỷ đồng thay vì 70 cây vàng như trong cam kết lập năm 2002. Sau đó, 2 bên đã lập nhiều giấy thỏa thuận bán ngôi nhà cũng như giấy cam kết thỏa thuận liên quan đến việc ông Hùng đã nhận trước 2 tỷ đồng, số tiền còn lại sau khi tỉnh Gia Lai có chỉ đạo trả nhà thì bên mua sẽ trả đủ.

Nội bộ trong ngành Tòa án đã có nhiều quan điểm bất nhất. Ảnh: Lê Văn Ngọc

Nội bộ trong ngành Tòa án đã có nhiều quan điểm bất nhất. Ảnh: Lê Văn Ngọc

Ngày 29-1-2013, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 80/QĐ-UBND trả cho bà Thuận căn nhà và đất ở địa chỉ 129 Phan Đình Phùng. Tuy nhiên, đến ngày 4-2-2013, bà Thuận cùng 4 người con (thiếu ông Hùng) lại ký giấy cam kết thỏa thuận bán căn nhà này cho cháu ruột của bà là Vũ Đức Anh cùng ông Trịnh Tiến Dũng với giá 5,5 tỷ đồng, nhận cọc 500 triệu đồng. Tiếp đến, ngày 9-8-2013, tại Văn phòng Công chứng TP. Pleiku, bà Thuận tiếp tục ký hợp đồng đặt cọc bán căn nhà này cho bà Trần Thị Ngọc Bích (TP. Pleiku) với giá 16 tỷ đồng, đã nhận cọc 3 tỷ đồng. Hợp đồng này có bà Trịnh Thị Sùng là con gái bà Thuận làm chứng.

Vì không được chuyển quyền sở hữu căn nhà, ngày 30-8-2013, bà Hương đã khởi kiện đến TAND TP. Pleiku. Cơ quan này đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp căn nhà, đồng thời chuyển hồ sơ đến TAND tỉnh thụ lý. Khi vụ án chưa được giải quyết, bà Thuận tiếp tục nhận lập giấy biên nhận các khoản tiền bán nhà của cả bà Hương (7 tỷ đồng) và bà Bích (13,61 tỷ đồng). Do đó, các bên đã khởi kiện ra tòa án để đòi quyền được mua căn nhà.

Sự không thống nhất của các cơ quan tố tụng

Vụ việc đã nhiều lần được đưa ra xét xử và có những phán quyết trái ngược nhau. Bản án sơ thẩm số 04/2018/DS-ST ngày 23-11-2018 của TAND tỉnh do Thẩm phán chủ tọa phiên tòa Nguyễn Văn Sinh ký cho rằng, bản cam kết ký ngày 29-8-2002 không có công chứng, chứng thực, tuy có linh mục Đinh Viết Tiên ký xác nhận nhưng không đúng thẩm quyền; nội dung bản cam kết chỉ là thỏa thuận của gia đình bà Thuận khi bản thân họ đang bị hạn chế quyền về tài sản do căn nhà lúc đó đang do Nhà nước quản lý; gia đình bà Thuận chưa nhận được khoản tiền vàng nào từ bà Hương; trong giấy thỏa thuận bán nhà ngày 27-9-2008 mà ông Hùng ký với bà Lan trong đó có bà Hương tham gia ký với tư cách người liên quan có nội dung “bản cam kết hợp đồng ngày 29-8-2002 không còn giá trị”…

Ngoài ra, bản án sơ thẩm cũng nêu trong giấy cam kết ngày 27-5-2016 thể hiện việc bà Thuận đã nhận đủ 7 tỷ đồng từ bà Hương, nếu bà Thuận vi phạm thì phạt cọc 70 tỷ đồng chỉ có 3 người con của bà Thuận, thiếu 2 người con cũng là đồng thừa kế nên giấy này cũng không có hiệu lực. Cùng một số lý do khác, Tòa sơ thẩm đã không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Hương mà chấp nhận yêu cầu khởi kiện độc lập của bà Bích cho rằng giao dịch giữa bà Bích và bà Thuận là hợp pháp nên có quyền liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để làm các thủ tục đăng ký sang tên quyền sở hữu nhà và sử dụng đất.

Vụ án đã được nhiều lần đưa ra xét xử nhưng quan điểm của các cơ quan tố tụng trái ngược nhau. Ảnh: Lê Văn Ngọc

Vụ án đã được nhiều lần đưa ra xét xử nhưng quan điểm của các cơ quan tố tụng trái ngược nhau. Ảnh: Lê Văn Ngọc

Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, TAND cấp cao tại Đà Nẵng lại có quan điểm hoàn toàn trái ngược với Tòa sơ thẩm. Tại Bản án số 101/2020/DS-PT ngày 25-5-2020, TAND cấp cao tại Đà Nẵng nhận định bản cam kết hợp đồng mua bán nhà ngày 29-8-2002 xác lập tự nguyện, không trái pháp luật và đạo đức xã hội là giao dịch dân sự có điều kiện và điều kiện Nhà nước trả nhà đã xảy ra nên bà Thuận và các con phải có nghĩa vụ thực hiện chuyển quyền sở hữu nhà đất sang tên bà Hương. Các bên mua còn lại là ông Đức Anh-Tiến Dũng và bà Bích đều ký hợp đồng đặt cọc sau thời điểm Nhà nước trả nhà đất, đồng thời thiếu nhiều đồng thừa kế nên các hợp đồng này là trái pháp luật.

Do đó, Tòa phúc thẩm tuyên gia đình bà Thuận phải giao nhà đất cho bà Hương quản lý, sử dụng. Cũng trong bản án phúc thẩm này, Tòa án cho rằng căn nhà chỉ được định giá hơn 12 tỷ đồng nhưng gia đình bà Thuận đã bán cho nhiều bên, nhận hơn rất nhiều số tiền định giá căn nhà cũng như nhận tiền trong khi Tòa án đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm chuyển dịch tài sản. Đây là hành vi trái pháp luật nghiêm trọng, có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Sau bản án phúc thẩm, bà Hương đã làm các thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và được cấp như đã nêu ở trên.

Ngày 6-2 vừa qua, TAND tỉnh đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ việc dân sự theo đơn khởi kiện của bà Hương. Tuy nhiên, trong quá trình xét xử, do bà Hương gặp vấn đề về sức khỏe phải nhập viện nên phiên tòa tạm hoãn đến ngày 23-2.

Dẫu vậy, tại Bản án Giám đốc thẩm số 07/2021/DS-GĐT ngày 6-4-2021 do Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Văn Du ký lại hủy cả 2 bản án của Tòa phúc thẩm và Tòa sơ thẩm, đồng thời quyết định giao hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh Gia Lai xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm. Hội đồng Giám đốc thẩm cho rằng các quyết định của Tòa phúc thẩm không có căn cứ, không có cơ sở… và nhận định bản cam kết ngày 29-8-2002 cũng như các thỏa thuận giữa bà Thuận với bà Hương là không có hiệu lực. Bản án Giám đốc thẩm nhận định việc Tòa sơ thẩm buộc bà Bích thanh toán cho bà Thuận số tiền còn lại và buộc bà Thuận bàn giao nhà cho bà Bích là có căn cứ, đúng pháp luật.

Trong một diễn biến khác, bà Hương đã gửi đơn tố cáo gia đình bà Thuận có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đến Cơ quan Cảnh sát Điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Gia Lai khi 1 căn nhà lại nhận tiền bán cho nhiều người. Ngày 25-11-2022, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh có công văn trả lời rằng, xét thấy vụ việc có dấu hiệu của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cần phải ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, tiến hành điều tra theo đúng quy định của pháp luật. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã chuyển toàn bộ hồ sơ, tài liệu thu thập được đến Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh nghiên cứu, đánh giá chứng cứ để có quan điểm thống nhất hướng xử lý, giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, ngày 1-12-2022, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh có công văn phúc đáp rằng: Vụ việc trên không cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh cần kết thúc việc giải quyết tin báo và ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Do đó, ngày 7-12-2022, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với vụ việc trên.

Có thể bạn quan tâm

Cần sớm có giải pháp thay thế xe công nông

Cần sớm có giải pháp thay thế xe công nông

(GLO)- Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29-6-2007 của Chính phủ quy định: “Từ ngày 1-1-2008, đình chỉ lưu hành toàn bộ ô tô đã hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh. Trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị tịch thu, xử lý bán phế liệu, sung vào công quỹ”.