Chư Sê: Ưu tiên nguồn vốn kiên cố hóa kênh mương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ nhiều nguồn vốn khác nhau, những năm qua, huyện Chư Sê (Gia Lai) đã ưu tiên thực hiện kiên cố hóa kênh mương thủy lợi. Nhờ đó, nhiều cánh đồng thường xuyên bị hạn đã “giải được cơn khát” nước tưới, giúp người dân ổn định sản xuất.
Cánh đồng lúa nước làng Mung (xã Ia Blang) rộng hơn 25 ha. Những năm trước, trên cánh đồng này, người dân làng Mung chỉ sản xuất được lúa vụ mùa, còn vụ Đông Xuân thì bỏ hoang vì thiếu nước. Để giúp người dân phát triển sản xuất, trước vụ Đông Xuân 2018-2019, từ nguồn vốn sự nghiệp thủy lợi huyện, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê đã đầu tư kiên cố hóa tuyến kênh mương dài 780 m dẫn nước từ kênh chính N12 của công trình hồ thủy lợi Ia Ring về cánh đồng làng Mung. Nhờ đó, người dân nơi đây đã lần đầu tiên sản xuất được lúa Đông Xuân. Đến thời điểm này, bà con đã thu hoạch được trên 50% diện tích lúa chín, số còn lại đang chuẩn bị thu hoạch.
  Ông Rah Lan Blã (làng Mung, xã Ia Blang) bên tuyến kênh mương đã được kiên cố hóa. Ảnh: N.D
Ông Rah Lan Blã (làng Mung, xã Ia Blang) bên tuyến kênh mương đã được kiên cố hóa. Ảnh: N.D
Ông Rah Lan Blã (làng Mung) phấn khởi cho biết: Sau khi tuyến kênh đất được đầu tư kiên cố bằng bê tông đã giảm lượng nước thất thoát và đảm bảo nguồn nước tưới cho cả cánh đồng. “Gia đình tôi có 4 sào lúa nước trên cánh đồng này. Vừa rồi, gia đình thu hoạch 2 sào được 22 bao lúa nên không phải lo chuyện thiếu lương thực nữa, còn có lúa dư bán bớt để phục vụ các nhu cầu khác”-ông Blã nói.
Theo tổng hợp của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê, toàn huyện hiện có 45 công trình thủy lợi. Trong đó, Công ty TNHH một thành viên Khai thác Công trình thủy lợi tỉnh quản lý 7 công trình hồ chứa và đập; Công ty cổ phần Cà phê Gia Lai quản lý, khai thác 1 công trình và 1 trạm bơm; các xã quản lý, khai thác 48 công trình gồm 27 công trình kiên cố và 21 công trình tạm do người dân tự ngăn suối, đào kênh để phục vụ tưới cho những diện tích nhỏ. Trong vài năm qua, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện phối hợp với Ban Quản lý các dự án Đầu tư Xây dựng huyện tu sửa, kiên cố hóa nhiều tuyến kênh mương trước đây là kênh mương đất để dẫn nước về tưới cho những cánh đồng thường xuyên bị hạn, giúp người dân phát triển cây lúa nước ổn định. Riêng trong năm 2018, từ các nguồn vốn như ngân sách huyện, kinh phí thực hiện chính sách bảo vệ và phát triển đất lúa… với trên 3,9 tỷ đồng, các cơ quan chuyên môn của huyện đã thực hiện kiên cố hóa một số tuyến kênh mương có tổng chiều dài khoảng 71,5 km ở các cánh đồng làng Amo (xã Bờ Ngoong), làng Khối Zố (xã Ia Tiêm); mương tiếp nước chống hạn thôn 1 (xã Ia Hlốp); kênh mương thủy lợi làng Tăng (xã Kông Htok)…, đáp ứng nhu cầu nước sản xuất của người dân.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Thương-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-cho hay: “Việc quan tâm đầu tư kiên cố hóa kênh mương thủy lợi bằng nhiều nguồn vốn khác nhau đã từng bước giải quyết nước tưới cho những cánh đồng thường xuyên bị hạn. Qua đó không những góp phần giảm thiệt hại do hạn hán gây ra mà còn giúp nông dân mở rộng diện tích sản xuất, nâng cao thu nhập”. 
 NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm

Dựa vào dân để giữ rừng

Dựa vào dân để giữ rừng

(GLO)- Thời gian qua, các địa phương, đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh triển khai công tác giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và cá nhân sống gần rừng.
Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

(GLO)- Nhờ chủ động nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi, cộng với việc đưa các giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất nên năng suất lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 tăng đáng kể. Với giá lúa tăng 2-3 ngàn đồng/kg so với vụ trước, bà con nông dân trong tỉnh đã có một vụ sản xuất “thắng lợi kép”.