Khởi sắc Đak Rong

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ chỗ gặp vô vàn khó khăn về hạ tầng giao thông, đến nay, hầu hết các tuyến đường nông thôn trên địa bàn xã Đak Rong (huyện Kbang, Gia Lai) đã được bê tông hóa, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn nơi đây.
Đường không còn xa
Gió và trận mưa rừng quật đổ một cây lớn bên đường, thân cây vắt ngang chắn toàn bộ lối đi. Tuyến đường đang thi công dang dở. Đất nhào thành một lớp đặc quánh, bóng nhẫy, đôi chỗ lại lõm thành một hố sâu to đùng chứa đầy nước mưa đỏ quạch. Phải mất một quãng lâu chờ huy động xe công trình lui về giải tỏa thân cây ngã đổ, chúng tôi mới có thể tiếp tục tiến về trung tâm xã.
Nhưng đó là câu chuyện của Đak Rong 3 năm về trước, trong một chuyến chúng tôi về đây công tác. Lần này, tôi và người bạn đồng nghiệp vượt đường bằng xe máy. Giữa ban trưa, con đường êm mượt, vắng lặng. Xe cứ thế lướt đi êm ái giữa hai bên là bức tường xanh của cây cối. Chúng tôi cảm nhận thấy luồng gió khẽ rít qua tai. Cái mát lạnh của núi rừng len vào cuống phổi, trong veo.
  Đường vào xã Đak Rong (huyện Kbang). Ảnh: H.L
Đường vào xã Đak Rong (huyện Kbang). Ảnh: H.L
Nhắc về chuyện đường giao thông thuở trước, Bí thư Đảng ủy xã Đak Rong Đinh Nao nhớ lại: Trước kia, mỗi lần có việc về trung tâm thị trấn Kbang, người dân Đak Rong không thể đi về trong ngày. Sau này, đường Trường Sơn Đông được đầu tư xây dựng, tiếp đó là đường liên xã nối từ Sơn Lang vào Đak Rong được thi công nâng cấp, giúp đường về Đak Rong không còn xa nữa.
Không chỉ đường nối từ trung tâm huyện về xã, mà các tuyến đường mạch máu nối từ trung tâm xã Đak Rong về các thôn, làng cũng được bê tông hóa. Hiện nay, đường về làng xa nhất là Kon Vol 2 (khoảng 50 km), kế đến là làng Kon Bông, Kon Trang (tầm 25 km) đều đã được bê tông hóa. “Nhờ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và các dự án hỗ trợ giảm nghèo triển khai trên địa bàn, hiện nay, 80% đường giao thông được bê tông hóa. Đây là cơ sở quan trọng thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển”-Bí thư Đảng ủy xã Đak Rong phấn khởi cho biết.
Đổi thay từ làng
Xã Đak Rong có trên 1.110 hộ với hơn 3.900 khẩu, hầu hết là người Bahnar. Tính đến hết tháng 10-2019, tổng diện tích gieo trồng toàn xã đạt 1.375 ha. Trên địa bàn xã có 2 trường học với 865 học sinh; trong đó có 1 trường bán trú là Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Đak Rong. Nhờ mô hình này, công tác duy trì sĩ số học sinh được cải thiện đáng kể (đạt 93,6%). “Trước đây, vì điều kiện đi lại xa xôi, khó khăn nên học sinh đến trường không đều đặn, chất lượng giáo dục vì thế bị ảnh hưởng. Đường sá được cải thiện, các trường còn triển khai mô hình trường học bán trú cho học sinh ở các làng xa xôi nên điều kiện học tập của các cháu bây giờ tốt hơn trước rất nhiều. Đây là cơ sở quan trọng để hướng đến nâng cao chất lượng dạy và học”-ông Đinh Nao chia sẻ thêm. 
Bên cạnh đó, hầu hết các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã được bê tông hóa cũng đã giúp nâng cao đời sống của bà con nơi đây. Anh Đinh A Klơn (làng Kon Lanh Te) chia sẻ: Gắn bó với vùng đất này từ năm 2006, đến nay, vợ chồng anh đã có 2 ha cà phê và hơn 1 ha mì. Theo anh A Klơn, đường sá thuận lợi nên lúa, mì, cà phê sau thu hoạch là có người đến tận nhà mua chứ không bị ép giá như trước. Chưa kể, gia đình anh còn tham gia nhận giao khoán bảo vệ rừng nên đời sống được nâng lên rõ rệt. Anh A Klơn khoe: “Bây giờ, tổng thu nhập gia đình mình đã hơn 100 triệu đồng/năm. Nhờ đó, mình có thể lo cho 3 đứa con ăn học tươm tất”.
Bí thư Đảng ủy xã cho hay: Hiện xã Đak Rong mới đạt 10/19 tiêu chí nông thôn mới. Trong năm nay, xã phấn đấu hoàn thành thêm 3 tiêu chí: tổ chức sản xuất, văn hóa, môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đối với chương trình xây dựng làng nông thôn mới theo Chỉ thị số 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, vừa qua, xã phối hợp với các phòng ban chuyên môn của huyện thực hiện quy hoạch, sắp xếp khu dân cư làng Hà Đừng 1, Hà Đừng 2. Đến nay, xã đã tiến hành xây dựng 125 căn nhà tại làng Hà Đừng 1, Hà Đừng 2 và hoàn tất rà soát 22 căn nhà trong diện sắp xếp. Sau khi ổn định, đây sẽ là những làng thôn mới kiểu mẫu của xã.
 HẢI LÊ

Có thể bạn quan tâm

Hạ tầng giao thông đổi thay vùng khó

Hạ tầng giao thông đổi thay vùng khó

(GLO)- Mạng lưới giao thông kết nối đang được tỉnh Gia Lai quan tâm đầu tư, nhiều dự án nâng cấp, cải tạo, mở rộng đường đến vùng khó đang dần hoàn thiện mang đến cơ hội phát triển, giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ghi trên đường 14

Ghi trên đường 14

(GLO)- Từ hạ tuần tháng 4, những cơn mưa đầu mùa đã làm dịu đi cái nắng nóng cực điểm của mùa khô Tây Nguyên. Những cánh rừng khộp thôi lá đỏ, thay vào đó là màu xanh biếc vĩnh cửu của đại ngàn.

Thời hạn chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tối đa là 10 năm

Thời hạn chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tối đa là 10 năm

(GLO)- Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2024/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Trong đó, chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tối đa là 10 năm.