'Pizza Đà Lạt': món ăn hè phố tình tứ mùa se lạnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Gần như du khách nào đến Đà Lạt cũng đều ít nhất một lần thưởng thức món bánh tráng nướng mệnh danh 'pizza Đà Lạt' trong tiết trời se lạnh của vùng đất này.

 

 Du khách vui vẻ chờ ăn bánh tráng nướng Đà Lạt - Ảnh: M.VINH
Du khách vui vẻ chờ ăn bánh tráng nướng Đà Lạt - Ảnh: M.VINH

Xung quanh lò bánh tình tứ, ấm cúng, khách chờ phần lớn là những đôi yêu nhau, 1/3 số còn lại là gia đình và nhóm bạn trẻ. Đủ chuyện vui, buồn được thủ thỉ trong khoảnh khắc ấy.

Anh NGUYỄN NAM LẬP




Món bánh tráng nướng thập cẩm nhiều màu sắc luôn "níu" du khách và được gọi với cái tên mỹ miều "pizza Đà Lạt".

Lò bánh nướng rất... tình

Quanh khu vực trung tâm thành phố Đà Lạt có hơn 100 điểm bán món ăn này, từ góc đường, khu chợ đến những điểm dừng chân nổi tiếng. Nhiều nhất và cũng là nơi du khách thường ghé ăn là đường Nhà Chung (bên hông nhà thờ Con Gà), đường Nguyễn Văn Trỗi, Bùi Thị Xuân và Hoàng Diệu...

Lạ là món bánh nướng chỉ bán vào buổi chiều và muốn ăn thì phải chờ. Nhiều người đùa rằng chờ ăn bánh tráng nướng không lâu, khi nào cảm nhận hơi ấm sẽ là lúc nhận được chiếc bánh nóng giòn. Cách nói vui ấy phần nào cũng phản ảnh thực tế, bởi giữa góc phố lành lạnh, du khách nam nữ thường đan tay nhau trong lúc chờ nướng bánh. Hơi ấm sẽ truyền từ đôi bạn cho nhau hoặc từ làn khói ấm ấm của chiếc lò nướng.

Anh Nguyễn Nam Lập (34 tuổi, du khách TP.HCM) bảo: "Xung quanh lò bánh tình tứ, ấm cúng, khách chờ phần lớn là những đôi yêu nhau, 1/3 số còn lại là gia đình và nhóm bạn trẻ. Đủ chuyện vui, buồn được thủ thỉ trong khoảnh khắc ấy".

Được hỏi cảm giác khi ngồi cạnh người yêu bên hông nhà thờ Con Gà, bạn Trần Nguyệt Minh (24 tuổi, du khách Hà Nội) ửng đỏ mặt cười bẽn lẽn: "Thực ra bọn mình muốn ngồi ở một không gian đậm chất Đà Lạt để có kỷ niệm với nhau, sau này còn lưu luyến kể lại. Vì thế, mình chọn pizza Đà Lạt cho mong muốn đó".

Từng góc phố, những cô cậu trò nhỏ đi học về lại vòi cha mẹ thưởng cho cái bánh hay bao nhóm bạn trẻ chụm quanh lò bánh, tíu ta tíu tít nói cười, tạo nên không gian thoải mái, yên bình của cuộc sống thường nhật nơi phố núi.


 

Bánh tráng nướng Đà Lạt thoạt nhìn giống pizza và tổng hợp rất nhiều nguyên liệu dễ tìm mua - Ảnh: M.VINH
Bánh tráng nướng Đà Lạt thoạt nhìn giống pizza và tổng hợp rất nhiều nguyên liệu dễ tìm mua - Ảnh: M.VINH



"Pizza Đà Lạt"

Không ai rõ món bánh tráng nướng thập cẩm được đặt cái tên "rất kêu" từ khi nào.

Chị Trần Thị Thanh Huyền (34 tuổi, TP Đà Lạt) phụ mẹ bán bánh ở vỉa hè từ năm 25 tuổi cho biết: "Món bánh dân dã này vừa giống pizza vừa không giống. Điểm khác biệt chính là nền của món bánh dùng loại bánh tráng nhỏ, hơi mỏng, hay gặp ở khu vực Nam Trung Bộ. Bánh nướng vừa đủ nóng sẽ quét dầu hành, thêm trứng cút hoặc trứng gà. Hỗn hợp đó được thoa đều lên khắp mặt bánh. Đây là công đoạn cơ bản, có thể cho thêm khô bò, gà hoặc xoài chua băm sợi. Món bánh giống pizza ở chỗ khi nướng xong, tùy khách yêu cầu thêm phômai, xúc xích. Thường một cái bánh đầy đủ sẽ có những thứ nói trên".

Bánh nướng xong nhìn qua khá giống pizza, có thể cắt làm tư, đặt lên đĩa hoặc cuộn tròn lại đưa khách. Chị Huyền bảo gọi "pizza Đà Lạt" cho vui để du khách nước ngoài dễ hình dung, còn mọi người ở đây cứ bảo bánh tráng nướng Đà Lạt cho bình dân.

Chiều cuối tuần, khách thập phương đến tấp nập khiến chị Huyền thêm bận rộn. Tay đeo một chiếc găng len dày, chị xoay trở bánh liên tục, miệng vẫn nói cười với người mua. Hơi ấm từ lò than nướng bánh tỏa đến những thực khách ngồi xung quanh.

Chị Nguyễn Thị Hồng Phượng (40 tuổi, TP Đà Lạt) có 20 năm bán bánh tráng nướng ở đường Nguyễn Văn Trỗi bảo nếu chăm làm thì nghề này không lo đói, thậm chí đủ nuôi cả gia đình sống ở mức trung bình.

Lò bánh của chị rất đông khách vì gần khu trung tâm Hòa Bình. Chia sẻ bí quyết để giữ khách, chị bày tỏ chỉ cần tạo thiện cảm của khách với Đà Lạt là sẽ bán đắt hàng. Thông thường, khách đến Đà Lạt luôn mặc nhiên đất và người nơi đây dễ mến. Nếu mình cư xử không tốt, khách bị "tổn thương" sẽ không bao giờ quay lại.

"Bí quyết có nhiêu đó, còn nguyên liệu của món này ai cũng biết hết rồi, khác nhau ở chỗ ai làm ngon hơn thôi" - chị Phượng rôm rả kể.

 


Món ăn hè phố được yêu thích

Có những món ăn không xuất xứ từ Đà Lạt nhưng khi du nhập đến xứ sở sương mù bỗng trở nên nổi tiếng, tới mức khi nhắc đến, người ta nghĩ ngay là đặc sản Đà Lạt.

Từng có tiền lệ với bánh căn, một món ăn quen thuộc ở Nam Trung Bộ. Câu chuyện của món "pizza Đà Lạt" cũng tương tự. Đây là món bánh khá quen thuộc ở Bình Thuận và các tỉnh miền Trung, cách nướng đơn giản chỉ với dầu hành, mắm nước hoặc mắm nêm, độ ngon thì tùy vào khẩu vị.

Khi đến Đà Lạt và được nướng phá cách với hàng chục món thực phẩm chế biến sẵn kèm theo thì bánh tráng nướng thập cẩm bỗng trở nên nổi tiếng, thành món ăn hè phố quen thuộc với du khách và người dân địa phương.



MAI VINH (TTO)

Có thể bạn quan tâm